Bộ GTVT vừa ban hành kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm tại cuộc họp triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Các nhà khoa học đã thống nhất
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ Khoa học & Công nghệ đã triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia "Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san, đắp nền đường" - Đề tài 31/19-ĐTĐL.CN.CNN, một số đơn vị đã nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên & Môi trường đang chuẩn bị đề xuất thực hiện dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đến nay, các đơn vị đã đưa ra các kết quả nghiên cứu ban đầu và tại các hội nghị khoa học chuyên đề, các nhà khoa học đã thống nhất có thể xem cát biển là vật liệu đắp nền đường thông thường đặc thù.
Do đó, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất triển khai theo nghiên cứu, đánh giá thí điểm vật liệu đặc thù và yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần thống nhất quan điểm triển khai, từ đó phổ biến quan điểm trong hệ thống các văn bản triển khai nhiệm vụ, các hội nghị khoa học nhằm đạt được sự đồng thuận của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia.
Để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện quy trình, cơ sở pháp lý với mục đích sử dụng cát biển làm vật liệu cho các dự án, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận, tư vấn tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị để hoàn chỉnh nội dung triển khai chi tiết và nguồn vốn thực hiện nghiên cứu.
Về đề xuất triển khai chi tiết của công tác nghiên cứu, đánh giá thí điểm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận, tư vấn cần có tổng hợp, phân tích đánh giá đầy đủ các yếu tố kinh tế - kỹ thuật, điều kiện áp dụng của các phương án,... để từ đó đề xuất phương án tối ưu.
Về nguồn cát, Ban QLDA Mỹ Thuận, tư vấn cần tổng hợp rà soát các chỉ tiêu kỹ thuật của nguồn cát biển đã thí điểm trong phòng thí nghiệm, từ đó đề xuất đảm bảo nguồn cát sử dụng thí điểm đảm bảo tính đại diện và có trữ lượng vật liệu đủ lớn để có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của các dự án sau này.
Đồng thời, lưu ý về các thủ tục liên quan đến việc khai thác cát biển để thực hiện công tác thí điểm, trường hợp sử dụng nguồn cát biển có trữ lượng thấp nhưng đáp ứng các yêu cầu về thủ tục khai thác thì nguồn cát biển phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tương đồng.
Rà soát lựa chọn vị trí thí điểm
Về phương án thiết kế, triển khai thi công các đoạn thí điểm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo Ban QLDA Mỹ Thuận, tư vấn cần phân chia các trường hợp khác nhau, có tính bao quát, đảm bảo tính khả thi, có đánh giá về các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật để đề xuất.
"Trong quá trình đánh giá cần xét đến các phương án sau này có thể sử dụng với khối lượng cát biển lớn. Lưu ý hoàn thiện các nội dung về tính toán, thiết kế ổn định nền đường, các vấn đề về chuyển vị ngang, cát chảy nền đắp bằng cát biển,… trường hợp gặp loại cát dễ bị nghiền vụn trong quá trình đầm chặt; kiểm soát được vấn đề biến đổi môi trường đất và nước dưới nền đắp, xung quanh nền đắp dưới tác động bất lợi do nước thấm qua nền đường trong dài hạn", kết luận nêu rõ.
Về vị trí thí điểm, Ban QLDA Mỹ Thuận, tư vấn rà soát, phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng lựa chọn vị trí đáp ứng các mục tiêu của công tác thí điểm, có thể theo dõi đánh giá cả quá trình xây dựng, thi công, nghiệm thu và khai thác; có xem xét đến các vấn đề liên quan đến tình huống thành công và không thành công của quá trình nghiên cứu, đánh giá thí điểm.
Về kết quả đầu ra, cần đáp ứng yêu cầu của việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, các phương án thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật thi công liên quan đến việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường và hoàn thiện hệ thống đơn giá, định mức - kinh tế kỹ thuật liên quan công tác thi công hạng mục nền đường sử dụng cát biển làm vật liệu đắp…
Chỉ đạo về tiến độ triển khai, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu rút ngắn tối đa thời gian lập các đề cương thí nghiệm, theo dõi đánh giá và đề cương xây dựng hoàn thiện đơn giá định mức kinh tế - kỹ thuật, môi trường của các đơn vị. Đồng thời, rà soát tiến độ tổng thể nhằm đảm bảo hướng tới các yêu cầu chung của các dự án xây dựng các công trình giao thông trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.