Không thể cam kết suông
Hôm nay (25/10), Tập đoàn Sơn Hải có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT về việc cam kết bảo hành 10 năm đường cao tốc do đơn vị thực hiện.
Theo Tập đoàn Sơn Hải, năm 2014, đơn vị đã cam kết bảo hành 5 năm đối với các gói thầu thuộc QL1A và QL14. Đến nay, những công trình này vẫn rất tốt, tiết kiệm đáng kể kinh phí duy tu bảo dưỡng cho Nhà nước.
Vì vậy, đơn vị tiếp tục phát huy và cam kết với Bộ GTVT về việc bảo hành 10 năm với các gói thầu trên những tuyến cao tốc do Tập đoàn Sơn Hải thực hiện, gồm: Gói thầu XL10 dự án Mai Sơn - QL45; gói thầu XL01 dự án Nghi Sơn - Diễn Châu; toàn bộ dự án Nha Trang - Cam Lâm và các gói thầu tiếp theo của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 mà Tập đoàn Sơn Hải đảm nhận.
Về nội dung cam kết, Tập đoàn Sơn Hải cho biết, mặt đường không hằn lún, không bong bật, mặt đường bằng phẳng, êm thuận kể cả đoạn tiếp giáp vào cầu (khi lưu thông không gặp ghềnh), trong mọi trường hợp xe quá tải trọng, quá lưu lượng, thời tiết bất lợi cũng không làm thay đổi nội dung cam kết bảo hành 10 năm của đơn vị và Nhà nước không chi bất cứ một khoản tiền gì trong quá trình duy tu, sửa chữa trong thời gian 10 năm bảo hành.
"Để tiện cho người dân tham gia giao thông cùng giám sát việc bảo hành, Tập đoàn Sơn Hải đề nghị công khai cắm biển bảo hành 10 năm trên tuyến", Văn bản do Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Sơn Hải Nguyễn Viết Hải ký cho biết thêm mong muốn sớm được sự chấp thuận của Bộ GTVT.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí GTVT, Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) nói: "Việc doanh nghiệp cam kết bảo hành thời gian nhiều hơn quy định là sự tự nguyện của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong việc bảo hành công trình, yếu tố tiên quyết là phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định của hợp đồng ký kết. Trong đó quy định rõ, nhà thầu thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong thời gian bảo hành gắn với khoản tiền bảo đảm bảo hành công trình".
Lưu ý về việc doanh nghiệp cam kết tự nguyện bảo hành 10 năm công trình, đại diện Cục QLĐTXD nói: "Nếu chỉ cam kết thời gian bảo hành dài hơn mà không giữ lại khoản tiền bảo đảm bảo hành hoặc bảo lãnh ngân hàng thì là cam kết suông, chẳng có ý nghĩa gì".
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông bày tỏ, cam kết bảo hành 10 năm phải gắn với việc doanh nghiệp chấp nhận để chủ đầu tư giữ lại tiền bảo đảm bảo hành trong thời gian bảo hành 10 năm.
Không phản ánh chất lượng, tuổi thọ công trình giao thông
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, việc bảo hành công trình xây dựng nói chung và công trình giao thông nói riêng đã được "luật hóa".
"Bên cạnh việc quy định thời gian bảo hành còn đi kèm với việc chủ đầu tư giữ lại một số tiền trách nhiệm của nhà thầu. Việc nhà thầu cam kết bảo hành dài hạn hơn so với quy định nhưng cần phải xem xét lại việc, khi bảo hành dài hơn thì phải giữ lại số tiền trách nhiệm trong toàn bộ thời gian bảo hành dài hơn đó, nếu không thì chỉ là cam kết suông", ông Chủng nói.
PGS.TS Trần Chủng chỉ ra rằng, các công trình nói chung đều có tuổi thọ nhất định. Hầu hết trong giai đoạn 1, 2 năm đầu đưa vào vận hành, khai thác sẽ bộc lộ hết các sai sót về mặt kỹ thuật nếu có. Khi vượt qua giai đoạn này thì công trình cơ bản được đảm bảo. Vì vậy, thời gian bảo hành có dài hay ngắn không phản ánh tuổi thọ hay chất lượng công trình.
"Cần định hình rõ rằng, ở góc độ kỹ thuật, số lượng thời gian bảo hành không phản ánh tuổi thọ của công trình, điều này cũng không phải là một sự cần thiết, bởi thông thường, khoảng 5 năm là tiểu tu, 10 năm là phải trung tu", ông Chủng đánh giá.
Cùng chung quan điểm này, một đại diện doanh nghiệp lĩnh vực giao thông cho biết, rất nhiều cao tốc hiện nay đã vận hành 5 - 7 năm mà không có vấn đề gì. Việc cam kết bảo hành 10 năm hay 20 năm không phản ánh điều gì.
Doanh nghiệp cam kết bảo hành 10 năm là muốn thể hiện rằng chất lượng công trình do mình thi công tốt. Nhưng thực tế, công trình có chất lượng tốt hay không tốt thì đã được đơn vị tư vấn, chủ đầu tư đánh giá, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước kiểm định, chứ không phải cứ tuyên bố bảo hành lâu thì tức là chất lượng tốt.
Đại diện doanh nghiệp này khẳng định, việc bảo hành công trình giao thông 10 năm là huyễn hoặc. "Lâu nay, biết bao quy trình, quy phạm về công tác duy tu, bảo trì công trình giao thông thường phải thực hiện trong quá trình vận hành từ 4 năm trở lên, chưa kể đến nhiều hạng mục như sơn 2 năm đã mờ rồi; sụt, trượt nền đất, khe co giãn 5-6 năm phải xử lý lại,… Các quy trình đã được biết bao cơ quan Nhà nước nghiên cứu để rồi ban hành thành quy định 2 năm, nếu có thêm thì chỉ thêm 1 năm, 2 năm là tốt lắm rồi", vị này cho biết.
Theo vị này, sự bền vững công trình phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó, phần xây dựng ban đầu là yếu tố quan trọng nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác quyết định, như: Lưu lượng xe trên đường, tải trọng, thiên tai, nền đất yếu, địa chất công trình,… "Phải xem xét rất nhiều yếu tố thì các cơ quan, ban, ngành mới đưa ra được quy định bảo hành 2 năm chứ không phải tự dưng nói khơi khơi muốn bảo hành bao lâu thì làm".
"Thông thường bảo hành 2 năm thì chủ đầu tư giữ lại số tiền bảo đảm trong 3 năm. Thực trạng nhà thầu làm cao tốc lâu nay toàn bị lỗ, trong khi hàng năm vẫn phải chi tiền thực hiện duy tu, bảo dưỡng mà lại còn bị giữ tiền trong 10 - 11 năm thì nhà thầu nào sống nổi?! Vì vậy, việc bảo hành 10 năm là điều phi thực tế", vị đại diện doanh nghiệp nói.
Cam kết bảo hành 10 năm chỉ là quảng cáo?
Bình luận về cam kết bảo hành 10 năm cao tốc, đại diện một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông (xin giấu tên) đặt câu hỏi: Có hay không việc cam kết bảo hành 10 năm chỉ là một cách thức quảng cáo, đánh bóng tên tuổi?
Mỗi công trình đều theo "vòng đời" dự án, phải đạt được tiêu chí về tiến độ chất lượng. Riêng đối với dự án đầu tư công, doanh nghiệp không nói bảo hành 10 năm thì vẫn phải bảo hành xuyên suốt vòng đời 10 năm, 20 năm.
"Với một nhà thầu làm đúng, làm đủ, làm đảm bảo chất lượng, tiến độ thì con đường đó phải mặc định bảo đảm tuổi thọ của công trình trong 10 năm, 20 năm. Nếu công trình đảm bảo chất lượng tốt thì cần gì phải bảo hành. Đảm bảo chất lượng là trách nhiệm, là nghĩa vụ của nhà thầu, đâu cần phải cam kết bảo hành như một ưu điểm hơn các doanh nghiệp khác", đại diện doanh nghiệp này khẳng định.
Đối với công trình PPP, doanh nghiệp còn phải bảo đảm công trình trong suốt toàn bộ thời gian vận hành khai thác dự án, có thể là 20 năm và chịu hoàn toàn trách nhiệm khi phát sinh lỗi, hư hỏng.
"Mỗi doanh nghiệp có một cách thể hiện bản sắc, năng lực để khẳng định mình hơn các doanh nghiệp khác. Nhưng "ông" hơn, thì phải định nghĩa cho rõ là hơn như thế nào là phù hợp. Đưa ra cam kết bảo hành 10 năm dường như là một cách quảng cáo, giật tít giật gân hơn là một sự khẳng định bản chất là ông làm tốt hơn người khác", đại diện doanh nghiệp nói và nhấn mạnh rằng: "Không phải một doanh nghiệp cứ cam kết bảo hành lâu hơn thì tức là chất lượng của sản phẩm tốt hơn của doanh nghiệp người khác. Cam kết bảo hành lâu hơn không phản ánh điều gì cả, chỉ thiên về quảng cáo".
"Nếu doanh nghiệp này xung phong bảo hành công trình lâu hơn doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp này cũng phải xung phong để chủ đầu tư giữ lại tiền bảo đảm bảo hành. Nếu nói mà không có hành động cụ thể thì chỉ là "nổ"", lãnh đạo doanh nghiệp đề nghị giấu tên nói.
Cũng theo vị này, tất cả các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng đầu vào và tuổi thọ công trình. Trong bối cảnh thực tế vừa qua, các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông rất vất vả, khổ sở khi "cắn răng chịu lỗ".
"Thực tế, không ai làm việc được một mình. Các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông hiện nay cần phải chung lưng đấu cật, cùng nhìn về một hướng, có sự liên kết, chia sẻ với nhau thì mới thành cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, khắc phục được các bất cập, khó khăn trong giai đoạn vừa qua. Giờ có một doanh nghiệp đi "một mình một đường" thì vừa không phải là điều phù hợp, vừa không phát huy được sức mạnh tập thể liên kết doanh nghiệp", vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Đại diện Công ty V.C chia sẻ, theo các quy định pháp luật hiện hành, bảo hành của nhà thầu gắn với kinh phí thực hiện dự án. Khi bảo hành 2 năm thì kinh phí duy tu, bảo dưỡng tính 2 năm; khi bảo hành 10 năm thì kinh phí duy tu, bảo dưỡng tính 10 năm.
Thực tế hiện nay, với sự kiểm soát rất chặt chẽ từ đầu vào nguyên vật liệu đến chất lượng thành phẩm, trang thiết bị thi công đều hiện đại, phải khẳng định rằng, các công trình cao tốc có chất lượng rất tốt, các nhà thầu làm rất tốt. Đây là bản chất quyết định cho chất lượng công trình. Việc bảo hành không quyết định yếu tố nào về chất lượng, tuổi thọ công trình.
"Nhà thầu bảo hành 2 năm cũng được, công trình vẫn sẽ đảm bảo chất lượng, tuổi thọ, bởi đây là trách nhiệm của nhà thầu. Không phải cứ bảo hành lâu hơn thì chất lượng tốt hơn", vị này chia sẻ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.