Đường sắt khó chồng khó xin được hỗ trợ khẩn cấp

Tác giả: Phương Vũ

saosaosaosaosao

Vốn đã khó khăn, tiếp tục thua lỗ nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trình Chính phủ cấp gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng vay ưu đãi không tính lãi và đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất, thiếu việc làm.

 

Anh
Anh

Hơn 1.600 lao động mất việc

6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của VNR đạt 1.249 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ 2020 và chỉ bằng 53,9% so với năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19. Hai đợt bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 vào đúng hai mùa cao điểm là Tết Nguyên đán và dịp hè đã tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, khiến 2.300 đoàn tàu phải dừng chạy trong vòng 6 tháng đầu năm. Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã có 232.850 lượt vé bị hành khách trả lại với số tiền vé bị trả lên đến 195,4 tỷ đồng. Chiến dịch vận tải hè từ tháng 5 đến hết tháng 8 cũng mất đi phần lớn sản lượng vận tải hành khách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và việc làm. Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn mạng lưới đường sắt chỉ chạy duy nhất 2 đôi tàu khách Thống Nhất là SE3/4 và SE7/8; tàu địa phương hầu như không chạy.

Bên cạnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thi công Dự án “Cải tạo, nâng cấp tuyến Thống Nhất gói 7.000 tỷ” cũng làm ảnh hưởng đến thời gian chạy tàu, chất lượng cầu đường và phục vụ. Tổng số điểm thi công lên tới 80 điểm, có những thời điểm thi công cùng lúc 45 điểm, trung bình mỗi điểm thi công kéo dài thời gian chạy tàu khách thêm 4 phút, dẫn đến thời gian chạy tàu mỗi ngày bị kéo dài thêm từ 3 - 4,5 giờ/ngày.

Việc cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến đường sắt khiến nhiều lao động VNR không có việc làm, các đơn vị phải cho 1.565 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động và 72 lao động nghỉ không hưởng lương. Hiện tại, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn đang nỗ lực cân đối, duy trì việc làm cho người lao động để khi đại dịch kết thúc, sản lượng vận chuyển phục hồi thì có thể kịp thời đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, dự báo kết thúc năm 2021, VNR sẽ lỗ 940 tỷ và rơi vào tình thế thua lỗ khó lường.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Tổng công ty đã và đang cố gắng thực hiện hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để quản trị dòng tiền nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp đến hết năm 2021 và kéo dài sang năm 2022, Tổng công ty sẽ mất hết vốn chủ sở hữu và đặc biệt khó khăn về dòng tiền hoạt động, mất cân đối nghiêm trọng dẫn đến có thể dừng hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Cần giải pháp cấp bách

Tuy sản lượng vận tải hành khách bị sụt giảm nghiêm trọng nhưng sản lượng vận tải hàng hóa lại trở thành “điểm sáng” của ngành Đường sắt trong mùa dịch. Do đã có sự chuyển đổi từ các năm trước nên từ đầu năm đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch nhưng sản lượng hàng hóa có tăng trưởng so với cùng kỳ. VNR đã tập trung khai thác “điểm sáng” này bằng cách chủ động xây dựng các biện pháp phòng chống dịch để duy trì chạy tàu hàng liên vận quốc tế, khai thông các “nút thắt” trong chính sách đường biên của Trung Quốc và tích cực tìm kiếm nguồn hàng mới vận chuyển trong nước nên doanh thu vận tải hàng hóa tăng 22,9% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vận tải hàng hóa khó có thể “gồng gánh” doanh thu lâu dài cho những đoàn tàu vắng khách nếu không có những giải pháp cấp bách.

Vừa qua, HĐTV VNR đã ban hành Nghị quyết số 10-21/NQ-HĐTV nhằm triển khai đồng loạt, mạnh mẽ giải pháp tăng doanh thu, bổ sung dòng tiền và tiết giảm chi phí trên tất cả các hoạt động, bao gồm: thực hiện chính sách giá, điều chỉnh phương pháp tính giá đơn hàng GTVT và giá các dịch vụ linh hoạt để tổ chức chạy lại, chạy thêm các đoàn tàu khách, tàu hàng; tăng cường công tác quản trị dòng tiền để đảm bảo tăng nguồn thu, bổ sung tiền thu về; tiết giảm tối đa các loại chi phí ở tất cả các khối, giám sát chặt chẽ chi tiêu của các chi nhánh, các đơn vị trực thuộc; thực hiện giảm 30% lương đối với lao động gián tiếp, bố trí sắp xếp lại số lượng lao động trực tiếp trên cơ sở tình hình sản xuất thực tế. Lãnh đạo Tổng công ty, các ban chuyên môn và các đơn vị không nhận lương, giảm lương hoặc nhận thanh toán chậm lương.

Song song với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, triệt để các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, thu hút khách đi tàu và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách muốn hủy, trả vé; điều chỉnh giá vé theo từng cung chặng, giảm giá vé đối với tàu Thống Nhất và một số tàu địa phương; theo dõi tình hình luồng khách, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch chạy tàu cũng như thành phần đoàn tàu nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; rà soát, đánh giá kết cấu vận chuyển hàng hóa, hành khách trong điều kiện vận tải hiện tại, xây dựng phương án tổ chức vận tải hàng hóa, hành khách phù hợp; giảm bớt tàu khách không hiệu quả, tăng cường chạy tàu hàng chuyên tuyến; nối xe hàng nguyên toa chạy suốt vào tàu khách để tận dụng chiều dài đoàn tàu mà không ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ...

Đặc biệt, VNR đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trình Chính phủ cấp gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng vay ưu đãi không tính lãi và đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm. Đồng thời, đề nghị các cấp chính quyền tại các địa bàn có đường sắt đi qua ưu tiên tiêm phòng sớm cho cán bộ, nhân viên, lao động VNR trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 có nguy cơ cao bị lây nhiễm với số lượng trước mắt là 6.678 công nhân, lao động.

Ông Vũ Anh Minh cho biết thêm, thời gian tới, VNR sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bộ, ban ngành để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của Tổng công ty về các vướng mắc của chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt như các báo cáo trước đây của Tổng công ty. Bên cạnh đó, VNR cũng kiến nghị các giải pháp cấp bách trong ngắn hạn để Tổng công ty có thể trụ vững qua giai đoạn này, bao gồm: tiếp tục cho áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Thông tư số 12/2021/TT-BTC ngày 08/02/2021 cho các năm tiếp theo; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt cho năm 2021.

Ý kiến của bạn

Bình luận