Đường sắt: Thời cơ để phát triển

Tác giả: PV (thực hiện)

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 27/07/2017 15:12

Luật Đường sắt (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đây là hành lang pháp lý quan trọng, là thời cơ, động lực để ngành Đường sắt bứt phá, tương xứng với tiềm năng và vị thế. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có cuộc trao đổi với Tạp chí GTVT về vấn đề này.

-th-truong-dong

 

PV: Xin Thứ trưởng cho biết những điểm mới của Luật Đường sắt (sửa đổi) 2017?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc ĐôngLuật Đường sắt 2017 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2017 tại kỳ họp thứ 3, Khóa XIV. Luật Đường sắt 2017 tiếp tục kế thừa những ưu điểm, hoạt động ổn định của Luật Đường sắt 2005 và bổ sung những quy định mới để phù hợp với yêu cầu phát triển của lĩnh vực đường sắt, góp phần nhanh chóng đưa GTVT đường sắt thoát khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay, cụ thể:

(i) Xác định rõ vai trò chủ đạo của GTVT đường sắt trong hệ thống GTVT cả nước; vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư phát triển KCHT (KCHT) đường sắt Quốc gia, đường sắt đô thị;

(ii) Tạo mọi điều kiện thuận lợi và các cơ chế chính sách, ưu đãi hỗ trợ hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt; Thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt;

(iii) Xác định rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động: Đảm bảo ATGT đường sắt; quản lý tài sản KCHT đường sắt; quản lý đất dành cho đường sắt;

(iv) Tạo cơ sở pháp lý quan trọng chuẩn bị cho việc phát triển đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đồng thời đáp ứng việc triển khai thực hiện yêu cầu Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 đề ra;

(v) Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước (QLNN) của cơ quan QLNN và hiệu quả kinh doanh, quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp đường sắt hiện nay.

Luật Đường sắt 2017 có những điểm mới cơ bản như sau:

Về nguyên tắc trong hoạt động đường sắt:Luật đã đưa ra nguyên tắc “tách bạch” giữa chức năng QLNN của cơ quan QLNN với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh KCHT với kinh doanh vận tải trên đường sắt thay vì nguyên tắc xác định trong Luật Đường sắt 2005 mới chỉ dừng ở mức “phân định rõ”([1]).

Về chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt:Luật đã xác định GTVT đường sắt sẽ đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống GTVT cả nước, theo đó Nhà nước sẽ ưu tiên nguồn lực để phát triển KCHT đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị([2]). Ngoài việc tiếp tục quy định những chính sách mà Luật Đường sắt 2005 đã có, Luật Đường sắt 2017 đã đưa ra các chính sách để phát triển công nghiệp đường sắt; đưa ra ưu tiên việc phân bổ nguồn ngân sách Trung ương với tỉ lệ thích đáng để đầu tư phát triển KCHT đường sắt quốc gia theo quy hoạch, việc bố trí và sử dung ngân sách nhà nước cho đầu tư GTVT đường sắt sẽ được Quốc hội giám sát hàng năm do Chính phủ báo cáo([3]).

Về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt([4]): Ngoài các ngành nghề ưu đãi đầu tư được quy định trong Luật Đầu tư như xây dựng KCHT đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị thì Luật Đường sắt 2017 đã mở rộng nghành nghề ưu đãi đầu tư đối với công nghiệp đường sắt. Luật đã bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ về miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng KCHT đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt; mở rộng ưu đãi về vốn vay tín dụng, về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu đối với phát triển công nghiệp đường sắt. Đặc biệt, đã quy định kinh doanh KCHT đường sắt được dành riêng dải tần số vô tuyến điện phục vụ công tác điều hành GTVT đường sắt và hệ thống cung cấp điện sức kéo phục vụ chạy tàu.

Về tài sản KCHT đường sắt([5]):Luật đã xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc quản lý tài sản KCHT đường sắt. Theo đó, Chính phủ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý tài sản KCHT đường sắt; Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản KCHT đường sắt quốc gia; UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản KCHT đường sắt đô thị; doanh nghiệp kinh doanh KCHT đường sắt sử dụng, khai thác, bảo vệ tài sản KCHT đường sắt khi được Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng. Việc xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể góp phần khắc phục các tồn tại về chồng chéo nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực QLNN của cơ quan QLNN và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình thi hành Luật.

Về đất dành cho đường sắt: Nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay về công tác quản lý đất dành cho đường sắt và thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư KCHT đường sắt, Luật Đường sắt 2017([6]) đã quy định rõ từng chủ thể quản lý đất dành cho đường sắt. Theo đó, Cơ quan QLNN quản lý tài sản KCHT đường sắt được giao quản lý đất dùng để xây dựng công trình đường sắt, đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; quản lý việc sử dụng đất dành cho đường sắt theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; UBND các cấp quản lý đất dành cho đường sắt đã được quy hoạch, đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Về ga đường sắt:Luật đã bổ sung quy định cho phép xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng tại các ga đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị như kinh nghiệm một số nước có hệ thống đường sắt phát triển trên thế giới nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt, khai thác tối đa hiệu quả đất dành cho đường sắt.

Về quản lý, bảo trì KCHT đường sắt:Luật đã xác định rõ trách nhiệm từng chủ thể trong việc tổ chức quản lý, bảo trì KCHT đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị. Theo đó, cơ quan QLNN quy định việc quản lý, bảo trì; tổ chức quản lý bảo trì; doanh nghiệp kinh doanh KCHT trực tiếp thực hiện việc bảo trì KCHT đường sắt do nhà nước đầu tư để đảm bảo quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo trì KCHT đường sắt.

Về bảo vệ KCHT đường sắt([7]):Luật không quy định cụ thể phạm vi bảo vệ KCHT đường sắt như đã quy định trong Luật Đường sắt 2005 mà chỉ quy định định hướng, nguyên tắc cơ bản; không quy định giá trị cụ thể về phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và giao Chính phủ quy định cụ thể về phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình thực thi Luật.

 Về phát triển công nghiệp đường sắt:Luật đã bổ sung mới 01 mục riêng([8]) về phát triển công nghiệp đường sắt quy định các yêu cầu về phát triển công nghiệp đường sắt, đầu tư phát triển, nghiên cứu ứng dụng KHCN, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ trong công nghiệp đường sắt nhằm định hướng cho phát triển công nghiệp đường sắt đảm bảo hiện đại, đồng bộ với phát triển KCHT đường sắt góp phần khắc phục tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của Công nghiệp đường sắt hiện nay.

Về đường sắt giao nhau với đường sắt, đường sắt giao nhau với đường bộ:Luật đã giao Chính phủ quy định việc xử lý các lối đi tự mở và các vị trí đường bộ giao nhau với đường sắt không phù hợp với quy định của Luật và có lộ trình thực hiện để ngăn chặn tình trạng mới lối đi tự mở như hiện nay và tiến tới xóa bỏ các lối đi tự mở nhằm bảo đảm TTATGT đường sắt. Ngoài việc quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm TTATGT đường sắt, Luật Đường sắt 2017 đã bổ sung một số quy định nhằm xác định rõ hơn trách nhiệm của UBND các cấp trong việc đảm bảo TTATGT đường sắt như: Việc xây dựng đường gom, cầu vượt, hầm chui, hàng rào để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt khi giao đất, cho thuê đất dọc ngoài hành lang ATGT đường sắt; phải có biện pháp bảo vệ, chống lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt; chịu trách nhiệm trong việc phát sinh lối đi tự mở mới và bảo đảm kinh phí để thực hiện công tác bảo đảm ATGT đường sắt; Đặc biệt, Luật Đường sắt 2017 cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi khi để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn mình quản lý.

Quản lý tài chính trong hoạt động kinh doanh đường sắt:Luật đã bổ sung 01 mục riêng quy định về Quản lý tài chính trong hoạt động kinh doanh đường sắt([9]), theo đó Luật quy định về phí, giá sử dụng KCHT đường sắt; giá dịch vụ điều hành GTVT đường sắt; quản lý, sử dụng nguồn thu từ việc Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn tài sản KCHT đường sắt do nhà nước đầu tư.

Về đường sắt tốc độ cao: Luật đã bổ sung 01 chương mới về đường sắt tốc độ cao([10]). Theo đó, Luật quy định những quy định riêng đối với đường sắt tốc độ cao như: Yêu cầu chung, chính sách phát, yêu cầu đối với KCHT, quản lý, khai thác, bảo trì và quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao để có cơ sở pháp lý sau này Chính phủ chuẩn bị dự án đầu tư, xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Về QLNN trong hoạt động đường sắt:Luật đã bổ sung 01 chương mới công tác QLNN trong hoạt động đường sắt([11]), theo đó Luật quy định các nội dung thuộc QLNN, trách nhiệm QLNN trong hoạt động đường sắt nhằm tách bạch rõ hơn nội dung QLNN của cơ quan QLNN với quản lý kinh doanh đường sắt của doanh nghiệp, để bảo đảm rõ ràng, tránh việc nhầm lẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót chức năng nhiệm vụ của công tác QLNN và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình thi hành Luật.

Tau qua Ca Na (5)

Ngoài những nội dung cơ bản nêu trên, Luật cũng đã đưa ra những điểm mới khác như: Xác định rõ trách nhiệm cụ thể của các chủ thể mà Luật Đường sắt 2005 chưa quy định về quy hoạch phát triển GTVT đường sắt([12]); bổ sung 01 Điều quy định về Hợp tác quốc tế về đường sắt mà Luật Đường sắt 2005 chưa có quy định([13]) để tăng cường công tác hợp tác quốc tế đối với việc phát triển GTVT đường sắt; bổ sung quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện GTVT đường sắt và giao Chính phủ quy định cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, an toàn chạy tàu và tạo lập thị trường cho phát triển công nghiệp đường sắt trong thời gian tới, góp phần khắc phục các tồn tại chủ yếu của các phương tiện GTVT đường sắt hiện nay đã có thời gian sử dụng lâu, chất lượng kém; bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng cũng như xác định rõ chủ thể xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên từng loại hình đường sắt mà Luật Đường sắt 2005 chưa quy định (chỉ đưa ra giải thích từ ngữ về công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ).

PV: Thưa Thứ trưởng, Ngoài có Luật Đường sắt (sửa đổi) để ngành Đường sắt phát triển thì bài toán vốn cho ngành Đường sắt đang là vấn đề cấp bách, Bộ GTVT có chủ trương, giải pháp gì?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Hiện nay, tỷ trọng đầu tư để cải tạo, nâng cấp KCHT đường sắt hiện có chỉ chiếm khoảng 4~5% trong tổng nguồn lực đầu tư của ngành GTVT (cụ thể năm 2016, bố trí 1.034 tỷ để thực hiện các dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp và 2.190 tỷ để thực hiện công tác quản lý, bảo trì). Tuy nhiên, do thực trạng KCHT yếu kém, nguồn lực đầu tư hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư (chỉ tính riêng tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu đầu tư từ nay đến 2020 cần khoảng 60.000 tỷ, trong khi đó nguồn lực đầu tư đáp ứng được khoảng 8% nhu cầu), bên cạnh đó chi phí cho công tác quản lý bảo trì cũng chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu so với định mức KTKT dẫn đến chất lượng KCHT không được nâng cao. Với nguồn lực đầu tư hạn chế nêu trên, thời gian vừa qua các dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp mới chỉ tập trung vào mục tiêu đảm bảo an toàn chạy tàu (một ví dụ điển hình là trên hành lang trọng điểm Bắc - Nam, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có đến nay vẫn chưa đồng nhất được tải trọng trên toàn tuyến, còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ như: Khu vực đèo Hải Vân, Khe Nét, khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện và các ga có chiều dài hạn chế làm giảm năng lực thông qua…). Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư để kết nối đường sắt hiện có đối với các cảng biển, các khu công nghiệp… cũng rất khó khăn. Các vấn đề nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến năng lực hạn chế của vận tải đường sắt trong thời gian vừa quan.

Về lâu dài, để nâng cao năng lực vận tải đường sắt, ngoài việc thực hiện cải tạo nâng cấp đường sắt hiện có như trên, nhất thiết phải đầu tư các tuyến đường sắt mới trên các hành lang vận tải chính như Bắc - Nam, Đông - Tây. Vấn đề này cũng đã được Bộ GTVT trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt.

Bên cạnh những chính sách, cơ chế ưu đãi trong hoạt động đường sắt đã được quy định trong Luật Đường sắt 2017 như nêu trên, thời gian qua, cùng với việc ưu tiên phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với tỉ lệ thích đáng cho phát triển KCHT đường sắt quốc gia theo quy hoạch, Chính phủ và Bộ GTVT đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển KCHT đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo chiến lược, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như xây dựng và đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án: “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2013 - 2020”([14]), “Huy động các nguồn lực đột phá để đầu tư phát triển KCHT giao thông”([15]), “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư KCHT đường sắt”([16]).

Các giải pháp chủ yếu huy động vốn phát triển hệ thống đường sắt được đề cập trong các đề án nêu trên hiện đang được Bộ GTVT tập trung thực hiện như: Đề xuất Chính phủ tập trung ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm để đầu tư pháp triển KCHT đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu; sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi chính phủ có hiệu quả; phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt quốc gia huyết mạnh, trọng yếu; xây dựng, ban hành cơ chế đặc thù; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển KCHT đường sắt không liên quan trực tiếp đến chạy tàu, kinh doanh vận tải đường sắt theo hình thức đối tác công - tư; xây dựng cơ chế khai thác quỹ đất từ các dự án đường sắt qua đô thị, các công trình nhà ga để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển đường sắt quốc gia đối với tuyến có lợi thế khai thác theo quy hoạch và quản lý của nhà nước;

 Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chính sách xã hội hóa trong kinh doanh vận tải đường sắt; thu hút mạnh các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phương tiện giao thông đường sắt, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp đường sắt phát triển theo chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ đó chú trọng quá trình đổi mới doanh nghiệp tại Tổng công ty.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

([1]) Khoản 4, Điều 4, Luật Đường sắt 2017;

([2]) Khoản 1, Điều 5, Luật Đường sắt 2017

([3]) Khoản 6 Điều 5 Luật Đường sắt 2017

([4]) Điều 6 Luật Đường sắt 2017

([5]) Điều 11 Luật Đường sắt 2017

([6]) Khoản 3 Điều 12 Luật Đường sắt 2017

([7]) Mục 3 Chương II Luật Đường sắt 2017 (gồm 03 Điều: từ Điều 23 đến Điều 25)

([8]) Mục 1 Chương III (gồm 4 Điều: từ Điều 26 đến Điều 29)

([9]) Mục 1 Chương III (gồm 4 Điều: từ Điều 26 đến Điều 29)

([10]) Chương VIII Luật Đường sắt 2017 (gồm 05 Điều: từ Điều 78 đến Điều 82)

([11]) Chương IX Luật Đường sắt 2017 (gồm 03 Điều: từ Điều 83 đến Điều 85)

([12]) Khoản 4 Điều 7 Luật Đường sắt 2017

([13]) Điều 8 Luật Đường sắt 2017

([14]) Quyết định số 2174/QĐ-TTg ngày 12/11/2013

([15]) Quyết định số 4403/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2013

([16]) Quyết định số 4907/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2014

Ý kiến của bạn

Bình luận