Gom 5 nguồn vốn cho dự án cao tốc Châu Đốc -Cần Thơ -Sóc Trăng

Đường bộ 18/05/2022 17:01

Đây là một trong 3 dự án cao tốc phải huy động 5 nguồn vốn khác nhau để có thể thực hiện dự án sớm nhất.

 

Đoàn kiểm tra Quốc hội nghe báo cáo từ Ban QLDA Mỹ Thuận và đơn vị tư vấn

Đoàn kiểm tra Quốc hội nghe báo cáo từ Ban QLDA Mỹ Thuận và đơn vị tư vấn

Ngày 18/5, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát thực địa vị trí triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tham dự cùng Đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn.

Theo đó, để huy động nguồn vốn cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ, Sóc Trăng sử dụng 5 nguồn vốn gồm: Vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ của Bộ Giao thông vận tải; Vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nguồn ngân sách địa phương tham gia đầu tư; Vốn từ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 và nguồn vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Báo cáo cùng đoàn, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 188km, điểm đầu kết nối QL91 thuộc TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), đi song song với QL91 qua TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và kết thúc tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Ở giai đoạn 1, tuyến được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục với tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỷ.

Dự án được kiến nghị chia thành 4 dự án thành phần, gồm dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km57+200) với chiều dài hơn 57 km thuộc tỉnh An Giang và TP Cần Thơ; dự án thành phần 2 (Km57+200 - Km94+400) với chiều dài hơn 37 km thuộc TP Cần Thơ; dự án thành phần 3 (Km94+400 - Km131+300) với chiều dài gần 37km thuộc tỉnh Hậu Giang; dự án thành phần 4 (Km131+300 - Km188+200) với chiều dài gần 59km, thuộc 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.

Về phương án GPMB, đơn vị tư vấn cho biết, diện tích đất cần sử dụng cho dự án khoảng 1.205ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 860ha, đất dân cư 24ha, đất trồng cây lâu năm 127ha với khoảng 1.194 hộ dân bị ảnh hưởng. Công tác GPMB, tái định cư sẽ được tách thành tiểu dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương có dự án đi qua tổ chức thực hiện.

Theo đơn vị thực hiện dự án, việc đầu tư tuyến cao tốc này là hết sức cần thiết, thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.  Đồng thời, hình thành trục ngang trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc – Đông Nam. Đặc biệt là kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của cả khu vực.

Tại buổi khảo sát, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội lưu ý, đơn vị thực hiện dự án, địa phương phải đảm bảo nguồn vật liệu, có kế hoạch dự phòng nguồn cát, công tác GPMB, tái định cư để sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án có thể bắt tay triển khai ngay. Các đơn vị tư vấn, cần nghiên cứu địa chất từng đoạn, có biện pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, đặc biệt là đối với các khu vực đất yếu.

Trong đó ưu tiên nghiên cứu kỹ về tính kết nối của dự án đối với hệ thống hạ tầng giao thông thủy bộ, hệ thống cảng biển hiện hữu cũng như các dự án cao tốc đã và đang được triển khai thực hiện. Đối với công tác GPMB cần có phương án triển khai thỏa đáng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt đối với các dự án thành phần đi qua 2 tỉnh, giá đền bù cần có sự thống nhất, tránh xảy ra khiếu nại.

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, dự kiến tiến độ và thời gian thực hiện dự án gồm: Chuẩn bị dự án năm 2022; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025. Dự án sẽ được áp dụng các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 liên quan đến chỉ định thầu, vật liệu xây dựng thông thường và phân cấp đầu tư dự án đến khi hoàn thành dự án.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, tương tự dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 44/2022/QH15. Các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án nhằm nâng cao trách nhiệm của các địa phương, chia sẻ một phần áp lực đối với ngân sách trung ương.

Ý kiến của bạn

Bình luận