Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030” có mục tiêu tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn TP. Hà Nội. Đề án này đã được HĐND Thành phố thông qua, tuy nhiên khi UBND Thành phố triển khai thực hiện thì thấy có một số vướng mắc thuộc cơ sở pháp lý.
UBND TP. Hà Nội lập Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”, trong đó nhấn mạnh đây là biện pháp nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông, giảm mật độ phương tiện giao thông tại một số khu vực cụ thể bằng biện pháp kinh tế (nộp phí). Phạm vi thu phí theo khu vực, tuyến đường các quận nội thành thuộc TP. Hà Nội cần hạn chế phân vùng hoạt động của phương tiện cơ giới.
Với biện pháp này trực tiếp tác động vào các chuyến đi của người tham gia giao thông có nhu cầu đi vào vùng cần hạn chế, người tham gia giao thông có sự cân nhắc lựa chọn chuyến đi, lộ trình và phương tiện di chuyển cho phù hợp, đồng thời tăng cường quản lý hoạt động đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo khu vực (theo hướng ưu tiên vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn); tăng cường điều hành giao thông, nâng khả năng thông hành tại các khu vực có thu phí phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…Theo UBND TP. Hà Nội, hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hiện chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí. Với tốc độ và số lượng phương tiện như hiện nay, phương tiện giao thông đường bộ sẽ là nhân tố tác động lớn đến môi trường không khí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường sống của người dân trên địa bàn Thành phố. Vì vậy, việc áp dụng quy định nhằm giảm UTGT và hạn chế mức độ tập trung khí thải gây ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết.
Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc hiện nay là trong Luật phí và lệ phí năm 2015 không có tên khoản “Phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường”. Vì vậy, UBND TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung “Phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường” vào danh mục kèm theo của Luật phí và lệ phí năm 2015 để UBND Thành phố làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
Tại văn bản này, UBND TP. Hà Nội cũng đề xuất quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện. Lý do là tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn TP. Hà Nội diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng UTGT và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thu Phí Bảo vệ môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Quy định về “Mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện” làm cơ sở cho UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Đồng thời, UBND Thành phố cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ GTVT hoàn thiện quy định để thực hiện quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy.
Lý do được đưa ra là trong những năm gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến của học sinh phổ thông cho đến người lớn tuổi ở các thành phố. Đặc biệt thời gian gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện ưa thích của giới trẻ Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung là do không cần bằng lái, không tốn tiền mua xăng mà vẫn có thể chạy với tốc độ tương đương xe máy. Tuy được đánh giá là thân thiện với môi trường, vận hành tiện lợi nhưng xe đạp điện lại trở thành ẩn họa gây tai nạn trong khu vực đô thị. Vì vậy, cần thiết quản lý xe đạp điện như đối với phương tiện cơ giới.
Khó khăn, vướng mắc hiện nay là trong Luật Giao thông đường bộ khi quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lại chưa có xe đạp điện nên chưa đủ cơ sở để quản lý như xe máy. UBND Thành phố mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ GTVT bổ sung “xe đạp điện” là đối tượng thuộc nhóm “phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ” trong bộ Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Tại văn bản này, UBND Thành phố cũng đề xuất ban hành quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đưa vào quản lý đối với xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh nhằm quản lý, theo dõi hoạt động của phương tiện trong khi tham gia giao thông
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.