Các chiến sỹ CSGT Hà Nội liên tục trực chốt ở các điểm giao cắt đường sắt để đảm bảo ATGT |
Cụ thể hóa từng giải pháp
Để ngăn chặn các vụ tai nạn đường sắt xảy ra, trong thời gian vừa qua Sở GTVT TP. Hà Nội đã phối hợp với các địa phương, ngành Đường sắt tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền, tập huấn pháp luật về bảo đảm TTATGT đường sắt theo Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16/6/2017 của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn cho trên 4.500 cán bộ và nhân dân tham dự; phát trên 20.000 tờ rơi các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT đường sắt, quy tắc giao thông tại nơi giao cắt đường bộ và đường sắt, quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường sắt.
Công tác quản lý hành lang và trực cảnh giới đã được tập trung thực hiện trên các mặt như: Tăng cường công tác rà soát đảm bảo hành lang đường sắt, các lối đi tự mở, thống nhất các biện pháp cụ thể xử lý để đảm bảo TTATGT; tổ chức giải tỏa, lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, giải tỏa công trình kiến trúc... nằm trong hành lang ATGT đường sắt; rà soát, bổ sung biển báo, sơn kẻ vạch dừng, gờ giảm tốc tại các đường ngang; tổ chức lắp đặt 18 vị trí cần chắn tự động; trực cảnh giới 25 vị trí (trong đó sở GTVT trực 17 vị trí, các địa phương trực 8 vị trí).
Ở một động thái khác, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cùng Công an Thành phố và các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức giao thông các khu vực nhà ga, các tuyến đường xung quanh ga để đảm bảo ATGT, phục vụ nhu cầu đi, đến của nhân dân bằng phương tiện đường sắt nhằm giảm thiểu UTGT; phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Chi nhánh Khai thác Đường sắt Hà Nội tổ chức các khu vực đỗ xe phục vụ nhu cầu của người dân tham gia giao thông đường sắt; tổ chức các tuyến buýt phục vụ kết nối giao thông công cộng với hệ thống đường sắt quốc gia; phối hợp với ngành Đường sắt thường xuyên kiểm tra, rà soát các đường ngang, lối đi tự mở, đề xuất các biện pháp xử lý đảm bảo ATGT như: Bổ sung hệ thống biển báo, vạch dừng xe, gờ giảm tốc, giảm độ dốc dọc đường ngang, tổ chức trực cảnh giới...; đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ đường sắt; phối hợp trong các công tác sửa chữa đường ngang, xây dựng các đường gom, giải tỏa hành lang, vật kiến trúc, xóa bỏ các lối đi tự mở bất hợp lý…
Xử lý nghiêm vi phạm
Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ATGT, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Công an Thành phố và ngành Đường sắt tăng cường kiểm tra, xử lý, giải tỏa trên 5.000m2 hành lang ATGT đường sắt; yêu cầu 21 trường hợp tự giác chuyển dọn cây cảnh, vật kiến trúc, vật tư... trên phạm vi hành lang ATGT đường sắt; tháo dỡ 02 nhà tạm dựng bằng tôn, 7 lều lán và 3 ô che dựng trong đất hành lang ATGT đường sắt; tháo dỡ 500m2 hàng rào bằng tre nứa, lá sắt; 44 trường hợp dựng cột cọc, vật kiến trúc; chặt tỉa, phát quang 5.208 cành cây, cây dại hai bên che khuất tầm nhìn; tháo dỡ 38 biển hiệu, biển quảng cáo, băng rôn treo sai quy định…
Liên quan tới công tác đảm bảo TTATGT đường sắt trên địa bàn Thành phố, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, Đại úy Đặng Hồng Giang - Đội trưởng Đội CSGT Đường sắt cho biết, toàn thành phố hiện có 580 đường ngang giao với đường sắt, trong đó 184 đường có người gác, hệ thống chuông báo tự động và biển báo. Ngoài ra, điểm giao giữa đường bộ với đường sắt dân sinh tự phát có 396 điểm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về TNGT.
Để đảm bảo ATGT, cảnh báo tai nạn đường sắt, Đội CSGT Đường sắt đã phối hợp cùng chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua tổ chức tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Đặc biệt trong công tác tuyên truyền, đơn vị khuyến cáo người dân không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện.
Thống kê trong năm 2018, Đội CSGT Đường sắt đã trực tiếp tổ chức ký cam kết 500 tổ dân phố, cụm dân cư dọc các tuyến đường sắt trên địa bàn Thành phố. Đã có 707 lượt tuyên truyền lưu động, duy trì 9 cụm loa trên các điểm giao cắt quan trọng và 84 buổi nói chuyện trực tiếp với người dân cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn TNGT đường sắt.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, Đội CSGT Đường sắt đã phát hiện nhiều bất hợp lý như khu vực cầu Quán Gánh, Nhị Khê, Thường Tín tại km14+500 là khu vực ra vào khu dân cư đông đúc giáp với QL1A không có rào chắn cảnh báo, nhưng cách đó khoảng 500m về hướng Hà Nội tại một vị trí khác lại được trang bị đầy đủ barie, chuông cảnh báo và bảo vệ trực để phục vụ duy nhất lối ra vào của trạm thú y. Trong năm 2018, Đội CSGT Đường sắt tiếp tục rà soát kiến nghị các cơ quan chức năng bố trí hợp lý hơn nữa những điểm cảnh báo nguy hiểm tại khu vực đường ngang và kiềm chế không để phát sinh những lối dân sinh tự phát
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.