Theo thông tin của PV Tạp chí GTVT về tình hình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến QL14E ở Quảng Nam, đến nay, Ban QLDA4 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã tổ chức cắm cọc mốc GPMB và bàn giao cho hai huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, còn huyện Phước Sơn dự kiến bàn giao trước ngày 10/10/2022.
Để công trình dự án thực hiện đúng tiến độ, Ban QLDA4 đã đề nghị các ngành chức năng và lãnh đạo chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam nơi dự án đi qua đẩy nhanh công tác GPMB bàn giao mặt bằng sạch đến tháng 12/2022 để tổ chức khởi công.
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, trên địa bàn có khoảng 29 ha đất bị ảnh hưởng bởi 17,3km của dự án. Hiện nay, huyện đang gấp rút chỉ đạo các đơn vị liên quan lập hồ sơ, triển khai các phương án GPMB ở những khu vực bị ảnh hưởng. Dự kiến tháng 12 năm nay sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng một số vị trí để thi công dự án.
Theo đó, đoạn qua huyện Phước Sơn có chiều dài khoảng 26km, chủ yếu đi qua đất rừng sản xuất. Địa phương này đang tập trung quản lý tốt hiện trạng, sau khi nhận bàn giao mốc sẽ khẩn trương lập các thủ tục tiến hành bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng dự án.
Riêng tại huyện Hiệp Đức, qua khảo sát sơ bộ có khoảng 10 hộ dân và một số ít công trình cần phải di dời trên chiều dài 30km của tuyến này. Chính quyền địa phương đang phối hợp với UBND các xã nơi bị ảnh hưởng, tập trung lập phương án tái định cư cho các hộ dân, ưu tiên phương án tái định cư xen ghép tại chỗ.
Chỉ đạo các địa phương rốt ráo thực hiện GPMB, ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam vừa trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác bồi thường, GPMB đúng tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án cải tạo, nâng cấp QL 14E.
Theo ông Dũng, công trình dự án cải tạo, nâng cấp QL14E có ý nghĩa chiến lược với cả khu vực và tỉnh Quảng Nam. Do đó, lãnh đạo các địa phương, các ngành cần tăng cường trách nhiệm với dự án. Đối với công tác GPMB, tập thể Ban thường vụ, nhất là bí thư, chủ tịch UBND 3 huyện: Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn phải định kỳ kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc.
Ông Dũng lưu ý, trong thời gian tới, các ngành, địa phương và chủ đầu tư cần làm tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đã đặt ra. Trong đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về dự án, từ đó tạo sự đồng thuận trong GPMB, thi công. Rà soát, kiểm đếm, đo đạc tài sản bị ảnh hưởng, tránh tình trạng làm thiếu trách nhiệm, qua loa chiếu lệ.
“Thực hiện dự án cần đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, chăm lo đời sống của dân thật tốt. Dù đã có phương án phê duyệt về đánh giá tác động môi trường nhưng trong quá trình thực hiện sẽ có tác động đến đời sống nhân dân, khi đó phải có trách nhiệm với dân, đảm bảo hài hòa, hợp tình, hợp lý”, ông Dũng nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Lan - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, để triển khai tốt công tác GPMB các địa phương cần tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của người dân, nhất là vấn đề an sinh xã hội trong quá trình triển khai dự án.
Dù số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời ít nhưng địa phương phải bố trí, xây dựng khu tái định cư, đảm bảo đời sống người dân được ổn định. Thực hiện các công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp minh bạch các thông tin về dự án để người dân nắm và biết, qua đó đồng thuận để dự án có thể thi công kịp tiến độ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.