Lộ lý do tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại nước ngoài tăng đột biến

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 11/10/2022 11:06

Tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng nước ngoài thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tháng 9/2022 ở mức 7,7%, tăng đột biến so với các tháng trước.

Tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại nước ngoài tăng đột biến - Ảnh 1.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 17 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động quốc tế bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài, trong đó tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 13 lượt tàu, bằng 2,13% tổng số lượt tàu bị kiểm tra PSC (Ảnh minh họa)

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến hết tháng 9/2022, đội tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế có 616 chiếc với tổng trọng tải 9,7 triệu tấn. Đội tàu quốc tế khi hoạt động tại các cảng biển nước ngoài phải chịu kiểm tra của chính quyền cảng nước ngoài (kiểm tra PSC) về an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường theo công ước quốc tế. Trường hợp phương tiện có các khiếm khuyết cần phải khắc phục ngay sẽ bị lưu giữ tại cảng nước ngoài để sửa chữa, khắc phục.

Trong thời gian cao điểm diễn ra dịch Covid-19, hoạt động kiểm tra PSC tại nhiều nước, trong đó có khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Tokyo - Mou) hạn chế, nhưng sau đó được tăng cường trở lại thông qua phương pháp ứng dụng các công nghệ kiểm tra từ xa. Đây cũng là lý do khiến số tàu biển Việt Nam bị kiểm tra PSC tăng và đáng chú ý, tỷ lệ tàu bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài tăng đột biến trong tháng 9/2022.

Cụ thể, theo Phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm VN, từ tháng 1-9/2022, tổng số có 610 lượt tàu biển Việt Nam bị kiểm tra PSC tại nước ngoài thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có 13 lượt tàu bị lưu giữ, chiếm 2,13%. Trong số đó, chỉ riêng trong tháng 9/2022, có tới 6 lượt tàu bị lưu giữ trong số 78 lượt tàu bị kiểm tra, tương ứng tỷ lệ 7,7% (cao hơn 5% so với mức trung bình).

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lưu giữ, theo Cục Đăng kiểm VN, chủ yếu do mắc các khiếm khuyết liên quan đến giấy chứng nhận về tình hình sức khỏe của thuyền viên; tình trạng kín nước/kín thời tiết, thiết bị phòng cháy của Hệ thống sử dụng trong trường hợp sự cố, ngăn ngừa ô nhiễm theo phụ lục I và hệ thống quản lý an toàn ISM.

Nhằm hạn chế gia tăng tàu biển bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài, Cục Đăng kiểm VN đưa ra các giải pháp: tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng công tác đăng kiểm tàu biển; kiểm soát quá trình đóng mới, hoán cải tàu biển; kiểm tra đột xuất tàu biển đang khai thác khi kiểm tra trên đà, định kỳ; thực hiện đánh giá bổ sung hệ thống quản lý an toàn, đồng thời, thực hiện cấp giấy chứng nhận điện tử cho tàu biển đảm bảo nhanh chóng, chính xác vào đầu năm 2023….

Liên quan đến vấn đề thuyền viên, Cục Đăng kiểm VN lưu ý các chủ tàu, doanh nghiệp vận tải biển về tình trạng năng lực, thái độ và trách nhiệm của thuyền viên trên tàu. Bởi yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến việc kiểm tra PSC mà còn liên quan tới an toàn hàng hải.

Ý kiến của bạn

Bình luận