Mất gần 1% GDP mỗi năm vì thiên tai: Giải pháp ứng phó?

Ý kiến phản biện 18/11/2016 05:38

Việt Nam cần thiết xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro thiên tai.

thien-tai-vna-jqsh-1479303350898-crop-147930351387
 

Chuyên gia Kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, cho rằng: Ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu dẫn tới những tổn thất nghiêm trọng về mặt kinh tế của Việt Nam. Một cách tiếp cận mang tính chiến lược nhằm cải thiện khả năng chống chịu của đất nước trước những cú sốc như vậy sẽ giúp bảo đảm an toàn cho sinh kế của người dân và giúp duy trì bền vững tăng trưởng kinh tế và những tiến bộ trong phát triển.

Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cũng cho rằng, Việt Nam cần thiết xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro thiên tai.

Thiên tai gây thiệt hại kinh tế khoảng gần 1% GDP Việt Nam mỗi năm

Phân tích rõ hơn về sự cần thiết đó, ông Chí cho biết: Với vị trí địa lý nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, đường bờ biển dài, nhiều sông..., Việt Nam là quốc gia chịu nhiều hiểm họa thiên tai trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như bão, lũ lụt, hạn hán, lốc, xoáy, sạt lở đất… gấy thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo số liệu thống kê trong thời gian 25 năm gần đây (1989-2013), rủi ro bão và lụt chiếm tỷ trọng cao nhất, bình quân diễn ra 5-6 sự kiện/năm.

Về thiệt hại do thiên tai, theo đánh giá của WB, Việt Nam là nước có tỷ lệ thiệt hại về người (đứng thứ 22) trên thế giới, bình quân hàng năm số người chết do thiên tại vào khoảng 750 người/năm; thiệt hại kinh tế bình quân vào khoảng gần 1% GDP/năm (40.000 tỷ đồng theo giá so sánh 2014).

Với thực trạng đó, Việt Nam đã chú trọng xây dựng, triển khai hệ thống các chiến lược, quy hoạch, chính sách và giải pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống thiên tai. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (2007). Trong đó, Luật Ngân sách đã quy định dự phòng ngân sách nhà nước và dự trữ tài chính được sử dụng cho nhu cầu phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Luật Phòng, chống thiên tai cũng đã quy định về việc thành lập và sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai...

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí đánh giá hệ thống các giải pháp tài chính hiện hành đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp và chi khắc phục thiên tai đảm bảo nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, diễn biến thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Theo ước tính của WB, thiệt hại do thiên tai gây ra có thể lên đến mức 3,6% và 4,1% của GDP đối với các sự kiện thiên tai có tần suất 1/100 và 1/200 năm. Trong trường hợp xảy ra sự kiện thảm họa này, ngân sách nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai.

Bảo hiểm là công cụ chuyển giao rủi ro có hiệu quả

Theo bà Lê Thị Thùy Vân, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, kinh phí cho hỗ trợ khẩn cấp thiệt hại sau thiên tai mới chủ yếu tập trung ở nguồn ngân sách trung ương.

"Theo kinh nghiệm, thay vì đi phục hồi, tái thiết khi thiên tai xảy ra, nên có các giải pháp tài chính để giảm thiểu rủi ro xảy ra, hậu quả sẽ bớt nặng nề hơn"- ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB.

Trong đó, về dự phòng ngân sách nhà nước, theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 thì chỉ được trích dự phòng từ 2% đến 5%. Còn theo Luật Ngân sách Nhà nước mới, từ 1/1/2017, sẽ trích từ 2% đến 4%. Mà Quỹ này chỉ được sử dụng cho mục đích cứu trợ khẩn cấp ngay lập tức và chi phí phục hồi (loại trừ chi phí xây dựng lại). Ước tính hằng năm, ngân sách nhà nước đã chi vào khoảng 10.000 tỷ đồng (25% tổng giá trị thiệt hại bình quân năm) để khắc phục hậu quả thiên tai, còn các chi phí còn lại được huy động từ các nguồn khác.

Bà Vân cho rằng, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần tổng thiệt hại hằng năm. Do đó, tính bền vững, ổn định của các giải pháp cũng là vấn đề cần quan tâm.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Benedikt Signer, chuyên gia tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết tại Colombia đã triển khai các thông lệ quốc tế tốt nhất về bảo hiểm công trình đầu tư tổng trị giá 38 tỷ USD cho các dự án PPP hạ tầng đường bộ thế hệ tiếp theo (nhượng quyền). Và quốc gia này sử dụng các điều kiện, điều khoản chuẩn theo thông lệ tốt nhất trên thị trường bảo hiểm quốc tế để mua bảo hiểm thiên tai cho các tòa nhà công sở.

Hay như tại Mexico có nguy cơ cao về rủi ro động đất và bão thì sử dụng một quỹ của nhà nước để huy động vốn cho tái thiết hạ tầng công cộng; phân bổ ngân sách hằng năm, gắn với chiến lược tài chính rủi ro thiên tai; và có khuôn khổ thể chế đảm bảo kỷ cương, dựa trên quy tắc.

Ông Benedikt Signer khuyến nghị Việt Nam nên xây dựng chiến lược bảo vệ tài chính quốc gia giúp Chính phủ lập kế hoạch tốt hơn để huy động và truyền dẫn vốn hiệu quả nhằm ứng phó nhanh và khôi phục sau thiên tai. Đồng thời, cần tìm hiểu về chương trình bảo hiểm cho các loại tài sản khác nhau.

Bà Lê Thị Thùy Vân đề xuất trong số các giải pháp tài chính giảm nhẹ tác động của thiên tai, bảo hiểm được coi là công cụ chuyển giao rủi ro có hiệu quả, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm bảo hiểm thiên tai riêng biệt trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam sẽ cần một lộ trình ngắn hạn và dài hạn.

Ý kiến của bạn

Bình luận