Nâng cao trách nhiệm trong tham gia giao thông: Góp phần giảm thiểu TNGT

03/03/2020 05:37

An toàn giao thông là cụm từ dùng để chỉ các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông bao gồm việc chấp hành Luật giao thông và phải có ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông. Không chỉ là một thuật ngữ pháp luật, an toàn giao thông còn là sự an toàn đối với người tham gia giao thông trên mọi phương tiện.

Vi phạm giao thông: Theo kiểu "trăm hoa đua nở"

dcdb985fe31e0a40530f
Nhiều người lạc lõng khi tham gia giao thông:  Nguồn: Internet

Từ khi nền kinh tế Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường thì bức tranh về kinh tế của Việt Nam có nhiều điểm sáng, mức sống của người dân được cải thiện từng bước, được bạn bè các nước trong khu vực và quốc tế hết lòng ca ngợi về những thành tựu đổi mới trong quá trình xây dựng đất nước. Tuy mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được là khá cao nhưng đi liền với nó là vấn đề về tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ, số vụ giao thông không ngừng tăng cả về quy mô và số lượng. Cho nên nhiều người thường nói rằng giao thông đường bộ ở Việt Nam giống như một quả "bong bóng" dẹp được chỗ này thì chỗ khác lại "bùng" ra, có không biết bao nhiêu là chiến dịch, chỉ thị nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại đâu vào đấy. 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này thì có nhiều: Do sự lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân và ý thức của người tham gia giao thông quá kém và chưa được cải thiện nhiều trong những năm gần đây. Bên cạnh đó cũng phải kể đến đường sá của chúng ta quá nhỏ hẹp, nhiều khúc cua 90 độ trong khi đó có quá nhiều các biển báo cấm và biển báo hiệu trên một đoạn đường, vỉa hè thì bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh bán hàng, để xe ô tô dẫn tới tình trạng người tham gia giao thông bị khuất tầm nhìn, nhiều đoạn đường xuống cấp quá nhanh có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Có thể nói rằng cứ ở đâu có đường là ở đó có nhà dân thậm chí các doanh nghiệp, các nhà máy các khu công nghiệp cũng coi bám mặt đường là một lợi thế. Vì thế “trăm hoa đua nở” dẫn đến không kiểm soát được.

Xin được nói về một nguyên nhân làm trầm trọng thêm hành vi ứng xử không an toàn của người tham gia giao thông mà cũng rất cần sự làm gương đi đầu của các cơ quan nhà nước đó là tình trạng uống rượu rồi lái xe tràn lan hiện nay. Người ta có thể uống rượu bia mọi lúc mọi nơi bất kể sáng, trưa, chiều tối. Uống xong cứ thế lên xe chạy vô tư bất chấp nguy hiểm cho chính mình và cho người khác. Mặc dù Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt cho hành vi này rất cao, đã phần nào hạn chế song cứ mỗi dịp tết Nguyên Đán nhìn thấy cảnh cả nhà ba đến bốn người, ăn mặc đẹp dồn nhau trên một chiếc xe máy, người chồng cầm lái mặt mày đỏ gay làm nhiều người đi đường thấy ớn lạnh.

Khi nói đến việc làm sao để giảm thiểu các hành vi không an toàn của người tham gia giao thông chắc bạn đọc sẽ nghĩ ngay đến vai trò của Cảnh sát Giao thông (CSGT). Điều đó hoàn toàn đúng nhưng sẽ không đủ để giải quyết bài toán TNGT của chúng ta hiện nay. Tôi không phủ nhận tác dụng của những hình phạt nghiêm khắc và công bình đối với những người vi phạm, nhưng hình phạt dù nặng đến mấy cũng chỉ dành cho một thiểu số mà thôi và tốt hơn là ít phải sử dụng đến chúng.

Cần sự "chung tay" của toàn xã hội 

y-thuc-chap-hanh-den-tin-hieu-khi-tham-gia-giao-th
Ý thức chấp hành luật giao thông. Nguồn: Internet

Do vậy để giảm thiểu hàng trăm ngàn, hàng triệu hành vi không an toàn có thể dẫn đến TNGT đó cần phải huy động sự tham gia của các cấp các ngành và mọi tổ chức, đơn vị trong xã hội, của mỗi gia đình và tất cả mọi người chứ không phải chỉ có CSGT. Điều đó chỉ có thể đạt được thông qua công tác truyền thông và thực hành ATGT. Tôi tạm dùng từ truyền thông (communication) ở đây bởi vì bản chất của công tác này khác hẳn với nội dung công tác “tuyên truyền”, “giáo dục” hay “chiến dịch” An toàn nói chung hay ATGT nói riêng mà lâu nay ta vẫn thường làm.

Công tác truyền thông và thực hành ATGT theo nguyên tắc “Mưa dầm thấm lâu” và phải bắt đầu từ các cơ quan chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, cơ quan và trường học của Nhà nước rồi sau đó lan dần ra các loại hình tổ chức khác trong xã hội và đến với mọi người, mọi nhà. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò đầu tầu của chính quyền các cấp, cơ quan và Doanh nghiêp Nhà nước (sau đây gọi chung là cơ quan Nhà nước) trong công tác truyền thông và thực hành ATGT. Có thể bắt đầu bằng những quy định bắt buộc người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về việc đảm bảo ATGT cho nhân viên của mình trong các cơ quan Nhà nước thông qua các chương trình huấn luyện ATGT hàng năm đến quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi làm việc bằng xe gắn máy cho đến việc xây dựng thói quen nói chuyện trực tiếp với nhau và thực hành ATGT hàng ngày. Các nhân viên cơ quan nhà nước này đến lượt họ lại khuyến khích thực hành ATGT tới các thành viên gia đình mình. Từ các cơ quan nhà nước tiếp tục khuyến khích cách làm tương tự đến tất cả các loại hình tổ chức khác trong xã hội, đến với mỗi gia đình và mọi người dân.

Mục tiêu của truyền thông là nhằm nâng cao ý thức ATGT của người dân qua đó sẽ dần dần làm thay đổi hành vi ứng xử của tất cả mọi người về ATGT đặc biệt là đông đảo người tham gia giao thông. Có nhiều kênh để truyền thông ATGT đến với tất cả mọi người, có thể thông qua các phương tiện truyền thông, thông qua nhà trường hoặc kết hợp với các lớp học luật giao thông trước khi cấp bằng lái xe,…Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến hình thức truyền thông ATGT bằng cách nói chuyện trực tiếp với nhau hàng ngày.

Cách thức nói chuyện ATGT hàng ngày phải dựa trên sự chân thành, quan tâm, lo lắng thật sự đến sự an toàn của nhau, là trao đổi hai chiều chứ không phải là sự “lên lớp”, “dạy dỗ”. Mỗi người trong các cơ quan Nhà nước nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý hãy bắt đầu bằng cách dành tối thiểu mỗi ngày ba phút để nói chuyện với nhân viên của mình về ATGT. Những người chủ trì các cuộc họp lớn, nhỏ trước khi bắt đầu những bài diễn văn, nhiều khi dài quá mức cần thiết của mình, hãy dành ba phút để quan tâm đến việc “đi đến nơi về đến chốn” của tất cả mọi người dự họp.

Ủy ban ATGT Quốc gia có thể là đầu mối để chuẩn bị tài liệu hỗ trợ công tác truyền thông ATGT. Nội dung tài liệu này là nói về các mối nguy hiểm khi tham gia giao thông, các nguy cơ dẫn đến TNGT và cách thức để đảm bảo an toàn cho chính mình và cho người khác. Tài liệu hỗ trợ công tác truyền thông ATGT khác với giới thiệu Luật giao thông là sẽ được chuẩn bị ngắn gọn với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ cho tất cả mọi người (có thể minh họa bằng hình ảnh hoặc băng hình các vụ TNGT nếu có thể). Tuỳ theo đối tượng, thời gian, điều kiện mà sẽ phổ biến một phần hoặc tất cả tài liệu như ATGT cho người đi bộ, người đi xe đạp, xe máy hay lái ô tô.

Khi đề nói về giao thông ở các nước phát triển chúng ta chỉ trầm trồ khi thấy họ chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông và nhiều người nghĩ rằng có được kết quả đó là do CSGT xử phạt nghiêm kết hợp với các trang bị hiện đại như camera ghi hình hay súng bắn tốc độ,…Theo tôi tác dụng răn đe của các quy định luật pháp cũng quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là xây dựng được nền tảng ứng xử an toàn của người tham gia giao thông qua sự tham gia của mọi tổ chức trong xã hội.

Đấy là các doanh nghiệp, còn trường học thì sao? Không chỉ có giảng dạy mà hiệu trưởng các trường còn phải thực hiện cam kết ATGT cho học sinh và phụ huynh ngay từ ngoài cổng trường học. Chúng ta chưa giàu có để đầu tư hệ thống xe buýt chuyên dùng (shool bus) đưa đón học sinh miễn phí nhưng chẳng lẽ chúng ta không thể đầu tư hệ thống biển cảnh báo khu vực gần trước mỗi trường học và huy động thầy cô, phụ huynh và học sinh đảm bảo ATGT giờ cao điểm.

Tóm lại, mỗi người dân cần có ý thức trách nhiệm trong việc tham gia giao thông thì an toàn giao thông nhất định sẽ được giữ vững một cách nghiêm chỉnh và đạt kết quả cao tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hãy nhớ câu nói “Phía trước tay lái là tính mạng”.

Ý kiến của bạn

Bình luận