Địa phương triển khai cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo hình thức PPP
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông có nội dung: "Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu "đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc".
Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và để hoàn thành mục tiêu quan trọng này, Chính phủ xác định lộ trình thực hiện đến năm 2025 hoàn thành 3.000km và đến năm 2030 sẽ hoàn thành 5.000km, trong đó có tuyến cao tốc đường bộ qua các tỉnh Tây Nguyên đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) kết nối Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.Hồ Chí Minh.
Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng của ngành GTVT. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đang triển khai mục tiêu nói trên như thế nào, kết quả đến nay ra sao và giải pháp để đạt được mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra".
Trả lời chất vấn của ĐBQH Dương Khắc Mai, Bộ GTVT cho biết, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt đối với tuyến đường bộ cao tốc là chủ trương lớn của Đảng đã được xác định tại văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII của Đảng; Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận cụ thể để thực hiện chủ trương này đối với từng vùng kinh tế, tỉnh, thành phố. Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 2011 - 2020 và Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết cấu hạ tầng giao thông đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng vẫn chưa bảo đảm tính đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước; đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc còn chậm, chưa hợp lý, phân bổ chưa hài hòa giữa các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực và vùng khó khăn. Trên cơ sở đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu: "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc".
Về tình hình triển khai, kể từ khi tuyến cao tốc đầu tiên được khởi công năm 2004 (TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương), sau gần 20 năm xây dựng, hệ thống đường cao tốc đã được đầu tư, đưa vào khai thác khoảng 1.729km; đang thi công xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.071km.
Cùng với đó, hiện đã quyết định chủ trương đầu tư, bố trí đủ vốn thực hiện, dự kiến khởi công giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.258km. Trong đó, khoảng 344km hoàn thành trong năm 2025 và đang chuẩn bị đầu tư khoảng 928km chờ cân đối nguồn vốn đầu tư, gồm: Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Ninh Bình - Hải Phòng, Bảo Lộc - Liên Khương, TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh,…
Một số tuyến giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo phương thức PPP đang tích cực triển khai, trong đó, đối với tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, nhà đầu tư đã đề xuất trình UBND tỉnh Bình Phước hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với quy mô phân kỳ 4 làn xe hoàn chỉnh, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 29.878 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia khoảng 14.939 tỷ đồng, chiếm 50% tổng mức đầu tư.
Về nguồn vốn hỗ trợ dự án, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND tỉnh Bình Phước thống nhất phương án tài chính, xác định rõ cơ cấu các nguồn vốn và yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương theo quy định).
Quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để bảo bảo triển khai thành công mục tiêu Đại hội Đảng và lộ trình Chính phủ đề ra, Bộ GTVT xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thách thức lớn đối với ngành GTVT và cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia, ủng hộ của nhân dân.
Tiếp đó, phải huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, từ các doanh nghiệp thông qua hình thức đối tác công tư với cơ chế thu hút hấp dẫn mới bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện.
Mặt khác, việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư; cần cân đối hợp lý giữa các vùng, miền.
Đồng thời triển khai mạnh mẽ phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; cụ thể hóa trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án.
Trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua, tiếp tục sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách, thể chế có tính chất đột phá về phân cấp phân quyền, huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng,...
Cùng với đó là thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn để đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án.
Một giải pháp khác được Bộ GTVT nêu là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và đưa vào vận hành khai thác.
Ngoài ra, công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, vận động nhân dân tại cơ sở phải được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội nhằm đạt được sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.