Nhà thầu khẳng định không phá rừng tự nhiên làm đường công vụ thi công cao tốc

Tác giả: Trà My

saosaosaosaosao
Đường bộ 01/06/2023 14:56

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, toàn bộ đất để mở tuyến đường công vụ tại huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi được Đèo Cả thuê, mượn đều là đất rừng sản xuất (ký hiệu trên sổ là RSM).


Nhà thầu khẳng định không phá rừng tự nhiên làm đường công vụ thi công cao tốc - Ảnh 1.

Thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

Thông tin từ Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, cuối tháng 3/2023, Hạt Kiểm lâm TX.Đức Phổ phối hợp UBND xã Phổ Cường kiểm tra phát hiện một khoảng rừng tự nhiên bị phá để mở tuyến đường dài khoảng 1km tại lô 25, 26, khoảnh 8, tiểu khu 334.

Đề cập đến vấn đề này, chiều nay (1/6), Tập đoàn Đèo Cả (nhà thầu thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) phát đi thông tin cho biết, diện tích rừng liên quan bị phá thuộc đất của ông N.V.B ở xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ. 

Diện tích đất này đã được Tập đoàn Đèo Cả thuê lại. Ông N.V.B đã giao toàn bộ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có liên quan cho Tập đoàn Đèo Cả để lập các hồ sơ, thủ tục có liên quan đến việc thi công công trình cho cấp thẩm quyền phê duyệt.

Ông Nguyễn Tấn Đông - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả khẳng định: "Toàn bộ diện tích đất mà Đèo Cả thuê dựa trên giấy trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông N.V.B là đất rừng sản xuất, không phải là đất rừng tự nhiên".

Cũng liên quan tới việc đường công vụ phục vụ thi công hầm số 2, 3 thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đại diện Ban Điều hành dự án cho biết, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật được Bộ GTVT phê duyệt tại Văn bản số 34/QĐ-BQLDA2, để tiếp cận thi công hầm số 2, 3 thì phải mở tuyến đường công vụ dài 4,5 km từ hồ Huân Phong sang cửa hầm (Nam hầm 2, Bắc hầm 3).

Đây là tuyến đường làm mới hoàn toàn, diện tích đất rừng cần phải giải phóng khoảng 40.000 m2. Trong đó, Bộ GTVT có chỉ dẫn, khi triển khai thi công nhà thầu cần căn cứ điều kiện thực tế được phép điều chỉnh hướng tuyến đường công vụ cho phù hợp.

Trên cơ sở giới thiệu của chủ đất và người dân, kết hợp với việc khảo sát thực địa, nhà thầu thi công nhận thấy để tiếp cận cửa hầm số 2, 3 nêu trên có tuyến đường dân sinh hiện hữu rộng khoảng 4-6 m dùng để vận chuyển lâm sản (keo, bạch đàn...) có thể cải tạo làm đường công vụ.

Như vậy, việc tận dụng tuyến đường dân sinh này không những rút ngắn chiều dài đường công vụ từ 4,5 km xuống còn 3,6km mà còn giảm thiểu diện tích rừng phải giải phóng mặt bằng.

Sau khi cân nhắc các điều kiện nêu trên, nhà thầu thi công đã kiểm tra tuyến đường hiện hữu xác định tuyến đường này nằm hoàn toàn trong phần rừng sản xuất được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông N.V.B có ký hiệu loại đất trên bản đồ địa chính là RSM (Thông tư 55/2013/BTNMT quy định ký hiệu RSM là đất trồng rừng sản xuất ) đang trồng keo và bạch đàn nên đã ký hợp đồng thuê đất và mượn tuyến đường dân sinh hiện hữu của ông N.V.B (có xác nhận của UBND xã Phổ Khánh) để san gạt mặt đường, cải tạo khúc cua làm đường công vụ tiếp cận cửa hầm 2, 3 đảm bảo cho việc vận chuyển thiết bị, vật liệu thi công hầm.

Cũng theo Ban điều hành dự án, hiện nhà thầu đang phối hợp cùng cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi để làm rõ các thông tin liên quan đến việc cải tạo đường khai thác lâm sản hiện hữu để làm đường công vụ phục vụ thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận