Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông, quản lý, xây dựng đường ngang trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng.
Thông tư quy định, người tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang phải chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ và thực hiện quy định sau: Phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt; phải chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các báo hiệu trong phạm vi đường ngang; khi có báo hiệu dừng, người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước vạch "dừng xe"; nghiêm cấm người không có nhiệm vụ tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng.
Đối với đường ngang biển báo, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại trước vạch dừng, lắng nghe còi tàu, chú ý quan sát tàu đến từ xa ở 2 phía, chỉ được đi qua đường ngang khi xét thấy an toàn và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu xảy ra tai nạn.
Hệ thống báo hiệu tại đường ngang để bảo đảm ATGT
Thông tư nêu rõ, các thiết bị và báo hiệu bố trí tại đường ngang có người gác gồm: giàn chắn hoặc cần chắn, đèn tín hiệu, chuông điện, biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào, vạch kẻ đường trên đường bộ, tín hiệu ngăn đường phía đường sắt (nếu có) và các thiết bị báo hiệu khác khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Đối với đường ngang cảnh báo tự động có đèn tín hiệu, chuông điện, biển báo hiệu, cọc tiêu hoặc hàng rào, có hoặc không có cần chắn tự động, vạch kẻ đường trên đường bộ và các thiết bị báo hiệu khác khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Đường ngang biển báo có biển báo hiệu, cọc tiêu hoặc hàng rào, vạch kẻ đường và các thiết bị báo hiệu khác khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Hệ thống báo hiệu, thiết bị bố trí tại đường ngang để bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn. Mọi tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ, không được tự ý di chuyển, chiếm đoạt, làm hư hỏng hoặc làm giảm hiệu lực và tác dụng của các hệ thống.
Hàng năm, doanh nghiệp quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc chủ quản lý, sử dụng đường sắt chuyên dùng chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ tiến hành việc kiểm tra, lập kế hoạch sửa chữa đường ngang theo quy định.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể về yêu cầu đối với công trình đường ngang; báo hiệu đường ngang; quản lý, bảo trì, phòng vệ đường ngang; quy định về thủ tục thành lập, cải tạo, nâng cấp đường ngang...
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.