Siết điều kiện đầu tư xã hội hóa đăng kiểm

Tác giả: Hồng Xiêm

saosaosaosaosao
Tiêu điểm tháng 13/03/2023 11:33

Xã hội hóa đầu tư trung tâm đăng kiểm đã thu hút được nguồn lực xã hội vào hoạt động đăng kiểm, tuy nhiên thời gian qua đã bộc lộ bất cập, đó là sự phân bố đầu tư không đều, nhất là “cung vượt cầu” gây lãng phí nguồn lực xã hội và cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm đăng kiểm.


Siết điều kiện đầu tư xã hội hóa đăng kiểm - Ảnh 1.

Hoạt động kiểm định xe ô tô tại một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới

Đầu tư ồ ạt gây dư thừa, lãng phí nguồn lực

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-07D (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) được thành lập theo mô hình xã hội hóa và bắt đầu hoạt động từ tháng 6/2007. Đây là đơn vị đăng kiểm đầu tiên tại khu vực phía Bắc được thí điểm thành lập theo "Đề án xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới lưu hành" của Bộ GTVT (được phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-BGTVT ngày 16/5/2005 và Quyết định số 45/2005 ngày 23/9/2005). Theo đề án này, chỉ các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực ô tô - xe máy mới nằm trong diện được cấp phép thành lập trung tâm đăng kiểm.

Đại diện Trung tâm 29-07D cho biết, trong hơn 15 năm hoạt động, khi cơ chế đầu tư thành lập trung tâm đăng kiểm được thông thoáng hơn theo quy định tại Nghị định 139/2018 (quy định điều kiện dịch vụ kiểm định xe cơ giới), hoạt động của Trung tâm bị ảnh hưởng khá lớn do có thêm các đơn vị đăng kiểm khác, trong khi lượng xe mới tăng không nhiều.

"Từ năm 2019 đến nay có nhiều trung tâm đăng kiểm khác được thành lập xung quanh Trung tâm đăng kiểm 29-07D, với khoảng cách địa lý tương đối gần nhau. Điều này giúp người dân, doanh nghiệp có thêm lựa chọn khi kiểm định phương tiện, giảm chi phí đi lại và tiếp cận dịch vụ tốt hơn. Tuy vậy, các trung tâm đăng kiểm nằm gần nhau, trong khi lượng xe tăng không nhiều khiến hiệu quả hoạt động của đơn vị giảm sút, do lượng xe vào kiểm định giảm 40% so với giai đoạn trước đó", lãnh đạo Trung 29-07D nêu thực trạng.

Giám đốc đơn vị đăng kiểm trên cho biết thêm, giai đoạn hoạt động hiệu quả nhất của đơn vị là giai đoạn 2013 - 2018, với quy định khi thành lập đơn vị đăng kiểm phải theo quy hoạch tổng thể mạng lưới các đơn vị đăng kiểm và dây chuyển kiểm định.

"Giai đoạn 2013 - 2018, các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa có tăng lên nhưng không tăng "nóng" vì phát triển theo quy hoạch. Người dân, doanh nghiệp không phân biệt trung tâm đăng kiểm nhà nước và đơn vị xã hội hóa như trước. Do đó, hiệu quả hoạt động của các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa trên cả nước nói chung, trong đó có Trung tâm 29-07D đi vào ổn định, chủ đầu tư và người lao động yên tâm hoạt động, nâng chất lượng dịch vụ kiểm định", đại diện Trung tâm chia sẻ và cho biết thêm, năm 2013 có gần 13.000 xe ô tô đến kiểm định tại đơn vị này, còn năm 2018 đạt hơn 20.000 xe.

Thực tế "cung vượt cầu" từ trung tâm đăng kiểm xã hội hóa đầu tiên nói trên cũng là vấn đề chung của nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Bởi theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trước năm 2019, các trung tâm đăng kiểm khi thành lập mới phải căn cứ vào quy hoạch. Sau đó, Chính phủ có Nghị định 139/2018/NĐ-CP không còn quy định về quy hoạch thì số lượng trung tâm đăng kiểm gia tăng nhanh chóng. Năm 2018, toàn quốc chỉ có gần 180 trung tâm đăng kiểm thì đến nay đã lên tới con số 280 đơn vị. Đáng nói ở nhiều địa phương, hiện có 6 - 9 trung tâm nhưng phân bổ khoảng cách không hợp lý và với công suất dây chuyền kiểm định vượt xa so với nhu cầu. Điều này dẫn đến lãng phí đầu tư và ẩn chứa nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị đăng kiểm. Dẫn chứng, theo thống kê của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 65-02D Cần Thơ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện có 33 trung tâm đăng kiểm (60 dây chuyền kiểm định), với năng lực cung ứng tối đa 3.600 xe/ngày, song trong 9 tháng đầu năm 2022, trung bình mỗi ngày chỉ có 2.200 lượt xe vào kiểm định, đạt chưa đến 62% công suất. Ví dụ khác là tại Phú Thọ (có 6 trung tâm), năm qua do hoạt động không hiệu quả nên một chủ đầu tư phải dừng hoạt động 1 trung tâm đăng kiểm...

Trong khi đó, ở một số địa phương như Hòa Bình, Lai Châu, Hà Giang, Vĩnh Long... hiện vẫn chỉ có một đơn vị đăng kiểm.

Cần cơ chế định hướng, điều chỉnh đầu tư

Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-07D cũng như lãnh đạo nhiều đơn vị đăng kiểm cho rằng, với cơ chế thông thoáng được quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP, xu hướng tăng các trung tâm đăng kiểm ở các địa phương và toàn quốc để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là tất yếu.

Tuy nhiên, do tác động của cơ chế thị trường, mật độ phân bố các đơn vị đăng kiểm không đồng đều, nguy cơ gây ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị đăng kiểm, làm giảm mặt tích cực của xã hội hóa đầu tư và giảm uy tín của hệ thống đăng kiểm. Do đó, cần có sự điều chỉnh phù hợp về khoảng cách giữa các đơn vị đăng kiểm tính trong mỗi khu vực để góp phần ổn định sự hoạt động của các đơn vị. Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư đơn vị đăng kiểm nên căn cứ theo số lượng xe, dự báo phát triển xe ô tô tại địa phương, khu vực để định hướng đầu tư.

Còn theo đại diện Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 65-02D, quy hoạch và định hướng rõ ràng sẽ giúp đăng kiểm phát triển bền vững, hạn chế được lãng phí nguồn lực xã hội. "Tuy nhiên, Luật Quy hoạch 2017 không quy định quy hoạch đối với lĩnh vực đăng kiểm nên không thể áp dụng quy hoạch đối với phát triển trung tâm đăng kiểm. Dù vậy, có thể hạn chế mở trung tâm đăng kiểm bằng các ràng buộc về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Cùng với đó, tập trung vào chất lượng nhân lực đăng kiểm với yêu cầu cao hơn hiện nay để phù hợp với sự phát triển của công nghệ ô tô, như: tăng thời gian thâm niên kinh nghiệm để đăng kiểm viên được học lên bậc cao từ 3 năm lên 5 năm; đăng kiểm viên bậc cao phải có khả năng đọc hiểu tài liệu tiếng Anh chuyên ngành và phải được đào tạo đại học chính quy, chuyên ngành", đại diện đơn vị trên đề xuất.

Đề xuất giải pháp, đại diện Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V cho rằng cần sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP theo hướng quy định khoảng cách nhất định giữa hai trung tâm đăng kiểm hoặc giao trách nhiệm cho từng địa phương trên cơ sở căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, số lượng và sự gia tăng các phương tiện trên địa bàn để quyết định chủ trương đầu tư trung tâm đăng kiểm theo từng giai đoạn. "Cần có quy định gắn trách nhiệm của chủ đầu tư, cá nhân, doanh nghiệp thành lập trung tâm đăng kiểm với hoạt động đăng kiểm", đơn vị này đề xuất.

Theo chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh, xã hội hóa đầu tư đăng kiểm là chủ trương tốt, huy động được nguồn lực đầu tư song đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập là "cung vượt cầu" và cơ quan quản lý không giám sát, quản lý hiệu quả sau khi cấp phép đầu tư. Do đó, cần xem xét, điều chỉnh lại quy định về đầu tư trung tâm đăng kiểm.

"Trung tâm đăng kiểm nhiều hơn nhu cầu thì không tránh khỏi tình trạng tranh giành khách hàng, dẫn đến nguy cơ cạnh tranh bằng cách giảm tiêu chuẩn kỹ thuật, bỏ qua lỗi kỹ thuật. Do đó, sau sự cố đăng kiểm, tới đây cần định hướng để điều chỉnh cung - cầu phù hợp, cần xem xét quy định lại, chặt chẽ tiêu chuẩn thành lập trung tâm đăng kiểm, thậm chí loại bỏ trung tâm không đáp ứng điều kiện. Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, lĩnh vực giám sát kỹ thuật an toàn nên cần phải chặt chẽ hơn các lĩnh vực kinh doanh thông thường. Không thể chỉ vì chủ trương không can thiệp vào hoạt động kinh doanh mà dễ dãi cho thành lập trung tâm đăng kiểm", ông Thanh nêu quan điểm.

Ý kiến của bạn

Bình luận