Tâm sự của những người gác chắn: Tưởng an nhàn, nhưng vô cùng căng thẳng

30/04/2016 10:42

Trước những hiện tượng cố tình vượt chắn tàu gây nguy hiểm cho an toàn giao thông đường sắt, phóng viên An ninh Thủ đô đã ghi nhận ý kiến của những người ngày đêm gác chắn. Nhiều người nghĩ rằng nghề này an nhàn, nhưng thực ra vô cùng căng thẳng. Những người gác chắn luôn nơm nớp lo xảy ra tai nạn, chỉ khi nào đoàn tàu đi qua họ mới thực sự cảm thấy bình yên.

Tâm sự của những người gác chắn- Tươ
Anh Nguyễn Tất Út từng bị 1 thanh niên cố tình vi phạm an toàn giao thông đường sắt tấn công

“Chúng tôi thường xuyên bị đe dọa, xúc phạm”

“Khu vực chắn Kim Liên A nằm tại nút giao cắt giữa đường Giải Phóng - Đại Cồ Việt, Hà Nội, vốn là nơi có mật độ giao thông rất cao. Mỗi khi có xe lửa chạy qua, chúng tôi phải huy động tới 8 cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ chắn và đón tiễn tàu” - anh Nguyễn Tất Út, Trưởng Ban 2, Trạm chắn Kim Liên A (Đội chắn đường sắt Hà Nội) cho biết.

 Mặc dù tại đây được trang bị đầy đủ đèn và chuông cảnh báo, nhưng tình trạng người tham gia giao thông thiếu ý thức, cố tình vượt qua đường sắt khi chắn đã được kéo vẫn thường xuyên xảy ra. Thậm chí khi cán bộ đường sắt ngăn những hành vi nguy hiểm này thì lại bị chính những người vi phạm chửi bới, đe dọa. 

Cách đây 4 năm, anh Út từng bị 1 thanh niên cố tình vi phạm an toàn giao thông đường sắt tấn công. Thời điểm đó anh Út đang làm nhiệm vụ tại Trạm chắn Trần Phú (ngã tư Trần Phú - Lý Nam Đế, Hà Nội) cùng chị Đỗ Thị Ly. 

Mặc dù đèn đỏ đã bật, chuông cảnh báo đã reo, nhưng thanh niên này nhất định bắt chị Ly phải nâng chắn lên cho anh ta lái xe qua vì cho rằng còn lâu tàu mới tới. Chị Ly kiên quyết không thực hiện để đảm bảo an toàn cho đoàn tàu và chính người thanh niên đó thì bị anh ta mạt sát. Thấy vậy, anh Út ra can ngăn thì bị người này đe dọa rồi bỏ đi. 

Tâm sự của những người gác chắn- Tươ
Với chị Nguyễn Thị Phượng, khi nào đoàn tàu đã qua chị mới thực sự thấy bình yên 

“Khoảng 1 tiếng sau, đúng lúc tôi và chị Ly ra hạ chắn để đón đoàn tàu Lào Cai về thì thanh niên này quay lại với 1 con dao dài 60cm và lao tới chém. Lúc đó là gần nửa đêm. Rất may, cả tôi và chị Ly đều chạy vào được nhà người dân gần đó trốn thoát. Bây giờ tôi luôn nhắc nhở nhân viên của mình phải hết sức nhẫn nhịn khi làm nhiệm vụ” - anh Út nhắc lại kỷ niệm kinh hoàng của 1 đêm gác chắn và chia sẻ: “Dù có bị những kẻ thiếu ý thức chửi bới đến thế nào thì cũng nên im lặng, tập trung vào công việc của mình”.

“Chỉ mong những chuyến tàu bình yên”

Mặc dù nằm ở ngoại thành, nhưng Trạm chắn Phù Đổng (đường Phan Đăng Lưu, huyện Gia Lâm) cũng phải chịu áp lực rất lớn bởi mật độ người qua lại đông. Việc cán bộ gác chắn bị người thiếu ý thức đe dọa, chửi bới, bắt nâng chắn để cho họ vượt qua đường sắt là chuyện xảy ra hàng ngày. 

“Thậm chí khi chúng tôi không cho người dân vượt thì họ còn lách qua những khe hẹp của barie rồi lao thẳng xe vào người. Có trường hợp, chúng tôi khuyên họ đừng cố vì nhanh 1 phút mà để xảy ra tai nạn thì họ to tiếng: Tôi chết hay không là việc của tôi, việc của bà đâu mà lắm mồm... Với những người này, hình như họ không biết sợ” - chị Nguyễn Thị Phượng, cán bộ Trạm chắn Phù Đổng (Đội chắn đường sắt Gia Lâm) tâm sự.

Có một tình huống xảy ra cách đây vài năm mà đến giờ nghĩ lại chị Phượng vẫn rùng mình. Đêm đó, chị Phượng vừa đóng chắn và chuẩn bị đón tàu thì có một nam thanh niên phóng xe máy đến lớn tiếng bắt chị Phượng và 1 đồng nghiệp nữ phải nâng barie cho anh ta qua.

Tâm sự của những người gác chắn- Tươ

Khi nhân viên đường sắt không thực hiện, lừa lúc mọi người ra vị trí đón tàu, anh ta tự nâng chắn lên rồi mang xe máy ra để giữa đường ray và tuyên bố: “Chúng mày chặn không cho tao qua thì tao chặn cả đoàn tàu của chúng mày. Đứa nào chuyển xe đi tao đánh chết”. Lúc đó chỉ có 2 cán bộ nữ làm nhiệm vụ, nên không thể nào ngăn cản được sự hung hãn của người này. 

Rất may, ở cạnh trạm có gia đình một chiến sỹ công an, chị Phượng đã chạy vào nhờ giúp đỡ nên sau đó đồng chí công an đã chuyển được chiếc xe máy của kẻ côn đồ ra khỏi đường sắt. 

Cách đây gần 1 tháng, một đồng nghiệp của chị Phượng là anh Nguyễn Thọ Thắng, công tác ở Trạm chắn Đức Giang, Hà Nội cũng bị một nhóm thanh niên mang hung khí tìm đến trả thù chỉ vì anh Thắng không cho họ vượt qua đường sắt khi tàu đang đến gần.

Hay như tại Trạm chắn ga Gia Lâm, Hà Nội, đã có 1 nữ cán bộ bị đánh đến mức phải nhập viện chỉ vì lý do tương tự. “Làm nghề này tưởng an nhàn, nhưng thực ra vô cùng căng thẳng, luôn nơm nớp lo xảy ra tai nạn. Chỉ khi nào đoàn tàu đã qua thì mới thực sự cảm thấy bình yên” - chị Phượng tâm sự.

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội CSGT số 8, CATP Hà Nội: Tràn lan các đường ngang dân sinh tự phát

Trên địa bàn Đội CSGT số 8, CATP Hà Nội quản lý, ngoài Quốc lộ 1A và 1B còn có trục đường sắt Bắc - Nam kéo dài hàng chục km đi qua huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Thường Tín, trong năm 2015 đã xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, làm chết gần 20 người. 

Tại đây cũng có 169 đường ngang, 103 lối tự mở, 6 điểm có gác chắn, 9 điểm dân tự lập gác từ 5h - 21h. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị ngành đường sắt lập thêm các lối mở có người gác chắn, giảm lối mở tự phát tuy nhiên đến nay những đề xuất này vẫn chưa được giải quyết. 

Hiện nay trên dọc tuyến Quốc lộ 1A có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp kéo theo đó là số lượng công nhân hàng ngày vượt qua các điểm giao cắt với đường sắt để đi làm. Nếu không có hệ thống đường ngang có gác chắn và nhanh chóng xóa bỏ đường ngang dân sinh tự phát thì nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt là khó tránh khỏi. Đội CSGT số 8 kiến nghị các cơ quan chức năng sớm mở rộng và thảm lại mặt đường Quốc lộ 1A đồng thời nhanh chóng bổ sung rào chắn đường sắt. 

Hoàng Phong

Ý kiến của bạn

Bình luận