Tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Sự kiện 22/09/2015 06:39

Sáng nay, 21/9, Bộ GTVT đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các đơn vị, địa phương phía Bắc về dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

_DSC2578
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại hội nghị.

Sửa đổi bổ sung phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: "Trên cơ sở đánh giá tổng kết thực hiện Nghị định 171 cũng như Nghị định 107 sửa đổi bổ sung của Nghị định 171, chúng ta có rất nhiều ý kiến tập trung vào một số nội dung để nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước. Đồng thời qua thực tiễn, rất nhiều hành vi, đối tượng và vấn đề phân cấp trong vấn đề xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều bất cập, thiếu sót. Nên chúng ta cần nghiên cứu bổ sung”.

Theo đó, Nghị định mới kế thừa các qui định hiện hành, Nghi định 171 năm 2013 và 107 năm 2014 đã đáp ứng được yêu cầu công tác đảm bảo trật tự ATGT. Đồng thời, tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng, mô tả lại một số quy định chưa rõ gây ra những cách hiểu khác nhau và bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi trong thực tế gây nguy hiểm tới ATGT nhưng trước đây chưa quy định rõ mức xử phạt. Nghị định mới sẽ giữ nguyên kết cấu của Nghị định 171 vì sự tối ưu.

_DSC2584
Đoàn chủ tịch điều hành tham luận, ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện các địa phương.

Trong lĩnh vực giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với một số hành vi và nhóm hành vi vi phạm như: hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô chở người trên buồng lái quá số lượng quy định; Hành vi vi phạm của chủ phương tiện có phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; Hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ….

Về lĩnh vực giao thông đường sắt, sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với một số hành vi  và nhóm hành vi vi phạm như: hành vi vi phạm của tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt: không đặt, đặt không đúng, không duy trì biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào theo quy định; Hành vi vi phạm của cá nhân đổ, để rác thải, phế thải sinh hoạt lên đường sắt hoặc xả rác thải, phế thải sinh hoạt từ trên tàu xuống đường sắt không đúng nơi quy định…

_DSC2582
Tham dự Hội nghị có rất nhiều cán bộ thanh tra, công an, cảnh sát giao thông đại diện cho các tỉnh phía Bắc.

Nâng cao mức xử phạt để răn đe

Tại hội nghị, đại diện của các đơn vị, địa phương đồng tình với việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Theo dự thảo mới, người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về tốc độ, trên 20km sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 1 đến 3 tháng. Đối với nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc, điều khiển xe mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc phạt tiền từ 2 đến 3 triệu, tước quyền sử dụng GPLX 1-3 tháng, nếu gây TNGT tước 2-4 tháng...

Ông Nguyễn Thành Hiên, Phó trưởng phòng CSGT tỉnh Hà Nam cho biết “ Tôi hoàn toàn đồng ý với việc tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng. Qua thực tế, từ việc xe quá tải, quá khổ, chúng ta tăng mức xử phạt lên, hiệu quả răn đe rất cao. Ngoài ra, chúng ta cần xiết chặt và nâng cao mức xử phạt xe hợp đồng đóng giả xe khách, gây mất trật tự ATGT thông”.

Tuy nhiên, ở một số mức xử phạt hành chính, đại diện cho các đơn vị, địa phương đề nghị giảm xuống vì mức xử phạt quá cao, không khả thi thực hiện.

Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết “ Tăng mức phạt để tăng sự răn đe là đúng, tuy nhiên chúng ta cần cân nhắc khả năng chi trả của nhân dân. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, dân cư vùng cao cũng như dân cư thành thị mức phạt đều như nhau nên cần nghiên cứu lại mức phạt sao cho phù hợp, vừa có khả năng răn đe mà vừa khả năng chi trả của người dân”.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Ban soạn thảo dự thảo Nghị định sẽ nghiên cứu kỹ về mức xử phạt. Những hành vi nào tiềm ẩm nguy cơ gây TNGT thì phải tăng mức xử phạt và sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp. Đồng thời, lực lượng thanh tra và các lực lượng khác phối hợp với công an triển khai và thực thi để tăng cao hiệu quả làm việc. Dự thảo nghị định sẽ được trình Bộ Tư pháp thẩm định cuối tháng 9, trước khi trình Chính phủ quyết định vào tháng 10-2015.

Ý kiến của bạn

Bình luận