Tàu cũ, lạc hậu khiến ngành đường sắt khó phát triển

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Đường sắt 12/05/2022 14:17

Phương tiện giao thông đường sắt lạc hậu, cũ kỹ đang là một trong những rào cản lớn khiến ngành Đường sắt khó phát triển.

Đầu máy có công suất thấp, cũ, lạc hậu vẫn còn nhiều, chiếm gần 60% (Ảnh minh họa)

Đầu máy có công suất thấp, cũ, lạc hậu vẫn còn nhiều, chiếm gần 60% (Ảnh minh họa)

Nhiều toa xe khai thác 30-40 năm

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay trên đường sắt quốc gia đang quản lý sử dụng và khai thác 282 đầu máy; 4.222 toa xe hàng; 1.030 toa xe khách, 71 phương tiện chuyên dùng đường sắt.

Sức kéo đầu máy với nhiều chủng loại, công suất khác nhau, trong đó loại đầu máy có công suất thấp, cũ, lạc hậu vẫn còn nhiều, chiếm gần 60%, hạn chế tốc độ và tiêu hao nhiều nhiên liệu, cũng như khó khăn trở ngại trong vận dụng, bảo trì, sửa chữa. 

Tuổi thọ trung bình của toa xe khách là 23,76 năm; toa xe có điều hòa không khí chiếm 82% tổng số toa xe hiện có.

Toa xe hàng gồm nhiều chủng loại khác nhau, tuổi thọ trung bình của toa xe hàng là 29,34 năm; có nhiều toa xe thời gian khai thác từ 30-40 năm, tải trọng xếp hàng thấp chỉ từ 28-34 tấn/xe. Tự trọng toa xe khá cao, gây lãng phí sức kéo.

Các phương tiện giao thông đường sắt đều tuân thủ quy định khi tham gia giao thông đường sắt. Việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện đều được thực hiện theo đúng quy định. Thời gian qua do khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 năm 2020-2021, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đề xuất xin gia hạn thêm 03 năm so với  niên hạn đối với đầu máy, toa xe đã hết hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định số 65/2018. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngày 04/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Về đường sắt chuyên dùng, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, hệ thống này có tổng chiều dài khoảng 258km, do các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, khai thác trong nội bộ để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các tuyến đường sắt chuyên dùng đã góp phần quan trọng trong việc vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp, giảm áp lực lên vận tải đường bộ ở địa phương.

Tuy nhiên, mạng lưới đường sắt này còn hạn chế, chưa phát triển thêm được các tuyến mới kết nối với đường sắt quốc gia, duy nhất có tuyến đường sắt apatit Lào Cai có kết nối hạ tầng với đường sắt quốc gia nhưng chưa thực hiện vận tải liên thông với đường sắt quốc gia do những lý do về kỹ thuật phương tiện vận tải, an toàn giao thông.

Cần thúc đẩy công nghiệp đường sắt

Theo đánh giá của Cục Đường sắt Việt Nam, trong thời gian qua, công nghiệp đường sắt hầu như chưa có sự thay đổi, nguyên nhân do nhu cầu thị trường công nghiệp hạn chế, dây chuyền công nghệ còn lạc hậu chưa được cải tiến, chưa có nhà đầu tư tham gia. Công nghiệp đường sắt hiện nay chủ yếu tập trung vào phương tiện đầu máy, toa xe, kết cấu hạ tầng đường sắt, nhà ga, trung tâm điều khiển, thông tin tín hiệu với 3 đơn vị thuộc khối mua sắm sản xuất chế tạo phương tiện và phụ tùng thay thế; 6 đơn vị thuộc khối công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cầu đường, thiết bị các ga và thông tin tín hiệu; 11 chi nhánh, trung tâm, xí nghiệp thuộc khối duy tu bảo dưỡng và quản lý vận dụng phương tiện đầu máy toa xe.

Chỉ có 3 công ty đóng mới, lắp ráp và sửa chữa lớn phương tiện đầu máy toa xe là Công ty CP Xe lửa Gia Lâm; Công ty CP toa xe Hải Phòng; Công ty CP xe lửa Dĩ An. Tuy nhiên, sản phẩm của các công ty này trong thời gian qua chủ yếu sản xuất lắp ráp, chế tạo toa xe khách, toa xe hàng (trừ giá chuyển hướng vẫn phải nhập khẩu) phục vụ nhu cầu rất hạn hẹp của đường sắt trong nước.

“Nhìn chung công nghiệp đường sắt còn hạn chế, lạc hậu và chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu sửa chữa, thay thế theo nhu cầu hạn chế trong nước, chưa có sản phẩm xuất khẩu, chưa có đầu máy sức kéo điện do chưa có tuyến mới điện khí hoá. Việc đóng mới toa xe hàng chuyên dùng container, xe hàng có mui… chưa đáp ứng được khi có nhu cầu vận tải”, Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá.

Công nghiệp phục vụ kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) mang tính nhỏ lẻ chỉ đáp ứng cho đầu tư cải tạo, nâng cấp KCHTĐS hiện có. Các phụ tùng, vật tư quan trọng khác như ray vẫn phải nhập khẩu, chưa có sản phẩm xuất khẩu.

Để công nghiệp đường sắt phát triển đồng bộ với phát triển KCHTĐS, theo Cục Đường sắt Việt Nam, các Bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm tham mưu ban hành các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho công nghiệp đường sắt như Luật Đường sắt đã quy định. Có như vậy các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt mới có nguồn lực để đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt, nhất là khó khăn như giai đoạn hiện nay.

Theo số liệu của Tổng công ty ĐSVN, số lượng đầu máy hiện có là 282 chiếc, trong đó có 75 chiếc có niên hạn trên 40 năm, 80 chiếc từ 30-40 năm, 09 chiếc từ 20-30 năm và 118 chiếc dưới 20 năm. 

Toa xe khách hiện có 1.030 toa, trong đó 163 toa xe niên hạn trên 40 năm, 126 toa xe 30-40 năm, 231 toa xe từ 20-30 năm và 510 toa xe niên hạn dưới 20 năm.

Toa xe hàng hiện có 4.222 toa, trong đó 954 toa xe trên 40 năm, 1.315 toa xe 30-40 năm, 79 toa xe từ 20-30 năm, 1.874 toa xe dưới 20 năm. 

Về chất lượng toa xe khách, hiện có 142 toa xe có thời gian khai thác dưới 10 năm (13,8%); 368 toa xe có thời gian khai thác 10-20 năm (35,7%); 231 toa xe 20-30 năm (22,4%); 126 toa xe 30-40 năm (12,2%); 163 toa xe từ 40 năm trở lên (15,8%). 

Về chất lượng toa xe hàng, hiện có 629 toa xe có thời gian khai thác dưới 10 năm (14,9%); 1.245 toa xe có thời gian khai thác 10-20 năm (29,5%); 79 toa xe 20-30 năm (1,87%); 1.315 toa xe 30-40 năm (31,15%); 954 toa xe từ 40 năm trở lên (22,6%).

Ý kiến của bạn

Bình luận