Tây Ninh mong mỏi đầu tư 2 dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát phát triển kinh tế

Đường bộ 19/05/2023 15:47

Việc đầu tư 2 dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát là mong mỏi của tỉnh Tây Ninh với mong muốn tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Tây Ninh mong mỏi đầu tư 2 dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Việc đầu tư 2 dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát là mong mỏi của tỉnh Tây Ninh

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT Tây Ninh cho biết: "Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chương trình đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó tập trung hiện thực hóa dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Gò Dầu – Xa Mát sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư".

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 1823/TTg-CN ngày 28/12/2021 giao UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án. UBND TP. Hồ Chí Minh có Công văn số 3062/UBND-DA ngày 31/8/2022 trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bộ KHĐT đã họp Tổ Thẩm định liên ngành. Hiện UBND TP. Hồ Chí Minh có Công văn số 1507/UBND-DA ngày 15/4/2023 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, bổ sung và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 20.889 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án 9.932 tỉ đồng từ ngân sách của nhà nước, vốn do nhà đầu tư BOT huy động 10.957 tỉ đồng.

Về quy mô, dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 50km (đoạn trên địa bàn TP.HCM dài 23,7km, địa bàn tỉnh Tây Ninh dài 26,3km). Điểm đầu tại điểm giao với đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, kết nối vành đai 3 với đường vành đai 4.

Theo ông Tài, dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ tăng cường kết nối vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là tuyến giao thông đường bộ ngắn nhất kết nối TP.HCM với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài; phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp Mộc Bài - TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Đồng thời tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến, đặc biệt là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Dự án dự kiến khởi công năm 2024 và phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2027.

Tây Ninh mong mỏi đầu tư 2 dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng ngành Giao thông làm chủ đầu tư 14 dự án, với vốn kế hoạch 6.252 tỷ đồng.

Cũng theo Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án tại Văn bản số 346/TTg-CN ngày 15/4/2022. Hiện nay, đã có nhà đầu tư quan tâm và đề xuất, tỉnh đang xem xét chấp thuận giao Nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và hồ sơ đề xuất đầu tư dự án đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát theo phương thức đối tác công tư (PPP) với quyết tâm dự kiến cuối năm 2025 sẽ khởi công dự án.

Ngoài 2 tuyến cao tốc thì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có một số dự án do Trung ương đầu tư cũng đang được đẩy nhanh tiến độ như: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô đường cấp III, nền đường 12,25m, mặt đường 11,25m, tổng mức đầu tư 2.293 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2023, hoàn thành năm 2025.

Dự án đường Tuần tra biên giới được Bộ Quốc phòng phê duyệt với chiều dài 34,9km, bao gồm: đoạn từ Mốc 106/1 (Đồn Biên phòng Chàng Riệc) đến Mốc 82 (ngã ba đường vào Đồn Biên phòng Tống Lê Chân) dài 30,9km và xây dựng mới 4,0km đoạn từ Mốc 146 đến Mốc 148 (huyện Châu Thành). Tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, công trình đã khởi công vào ngày 14/12/2022 và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Những năm qua tỉnh Tây Ninh cùng với các tỉnh, thành phố giáp ranh như TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Long An đã đẩy mạnh hợp tác kết nối hạ tầng giao thông liên kết, nhiều dự án đã và sẽ được tiếp tục đầu tư trong thời gian tới theo nội dung hợp tác giữa các địa phương.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng ngành Giao thông làm chủ đầu tư 14 dự án, với vốn kế hoạch 6.252 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay đã thực hiện 12/14 dự án, tổng vốn kế hoạch đã giao 3.635 tỷ đồng (giải ngân 2.421 tỷ đồng) đạt 58,1% kế hoạch cả nhiệm kỳ.

Tây Ninh mong mỏi đầu tư 2 dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Với vai trò "đi trước mở đường", việc đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông tỉnh Tây Ninh là cơ sở đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội.

Gần đây, nhiều dự án giao thông quan trọng hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như: Đường 790 nối dài; Tiểu dự án Đường ĐT.781; Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.793 -ĐT.792; Đường Trần Phú; Cầu An Hòa… Qua đó, từng bước cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tăng khả năng kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút, xúc tiến đầu tư.

Sở GTVT cũng chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh thực hiện các dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hàng năm. Trong đó, hoàn thành các dự án: Đường Đất Sét - Bến Củi (năm 2023); Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.782-ĐT.784 (dự kiến hoàn thành 2023); Đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn, giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành 2023); Nâng cấp, mở rộng ĐT.795 (dự kiến hoàn thành 2023); Tiểu dự án đường mòn Bàu Tà On (dự kiến hoàn thành 2023); Tiểu dự án đường vào cầu Ông Sãi (dự kiến hoàn thành 2023); Đường Trường Hòa – Chà Là (từ Nguyễn Văn Linh đến ĐT.784) (dự kiến hoàn thành 2025) và Tiểu dự án giải phóng mặt bằng cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh (dự kiến hoàn thành 2025).

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 8.260km đường bộ, trong đó, có 3 tuyến quốc lộ (do Bộ GTVT quản lý) với tổng chiều dài khoảng 132km gồm: đường Xuyên Á (quốc lộ 22); quốc lộ 22B và quốc lộ 22B kéo dài; còn lại hệ thống đường địa phương khoảng 8.128km, trong đó: đường tỉnh quản lý có 35 tuyến, tổng chiều dài 734km; 187 tuyến đường cấp huyện, tổng chiều dài 1.020km và 450 tuyến đường trục chính đô thị, tổng chiều dài 404km, 2.127 tuyến đường xã, tổng chiều dài khoảng 3.889km và khoảng 2.000km là đường ấp, xóm, nội đồng.

Với vai trò "đi trước mở đường", việc đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông tỉnh Tây Ninh là cơ sở đảm bảo phát triển bền vững, thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa giữa các vùng, các địa phương, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hoá, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Ý kiến của bạn

Bình luận