Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời đề nghị của UBND tỉnh Hà Nam về việc chấp thuận vị trí xây dựng tuyến đường gom dọc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh, địa phận tỉnh Hà Nam.
Bộ GTVT cho biết, để đảm bảo ATGT đường sắt, an toàn công trình đường sắt, góp phần hoàn thiện hệ thống đường gom dọc đường sắt và xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt, Bộ GTVT thống nhất về vị trí xây dựng đường gom dọc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Hà Nam.
Cụ thể, đường gom xây dựng với tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng (Bn =6,5m; Bm =5,5m; Blề =2×0,5m). Đối với các đoạn qua khu dân cư, vuốt nối về đường gom hiện trạng đang khai thác, đường gom xây dựng với tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B (Bn =4,5m; Bm = 3,5m; Blề =2×0,5m); xây dựng hệ thống thoát nước dọc nằm sát phía ngoài hàng rào phòng hộ giữa đường sắt và đường gom.
Cùng với đó, xây dựng đường gom nằm ngoài hành lang ATGT đường sắt đối với các đoạn tuyến đi ngoài khu dân cư, tổng chiều dài khoảng 6,5km. Cụ thể gồm: Đoạn 1: Km60+612 – Km62+500, L=1888m; Đoạn 2: Km63+295 – Km64+575, L=1280m; Đoạn 3: Km65+150 – Km65+662, L=512m; Đoạn 4: Km68+130 – Km70+178, L=2048m; Đoạn 5: Km71+357 – Km72+130, L=773m); vai đường gom cách mép ray ngoài cùng tối thiểu 10,6m.
Đoạn đi qua khu dân cư thuộc thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, tổng chiều dài khoảng 1,8km (đoạn 3 từ Km65+662 – Km67+500), xây dựng tường rào phòng hộ giữa đường sắt và đường gom cách mép ray ngoài cùng là 8,6m.
Đồng thời xây dựng đường gom nằm trong phạm vi đất dành cho đường sắt đối với các đoạn vuốt nối (khoảng 415m) về đường gom hiện trạng đang khai thác và cục bộ vào các vị trí hạn chế mặt bằng như nhà máy, xí nghiệp, nhà cao tầng kiên cố; bộ phận gần nhất công trình đường gom cách mép ray ngoài cùng từ 3,3m đến 5,6m.
Ngoài ra, di chuyển hệ thống cột và đường dây thông tin đường sắt và trong hành lang an toàn giao thông đường sắt, cách mép ray ngoài cùng ≥ 5,6m.
Cũng theo Bộ GTVT, đường gom xây dựng mới phải được kết nối và tổ chức giao thông qua đường sắt tại các đường ngang hợp pháp gần nhất và thực hiện rào chắn xóa bỏ các lối đi tự mở trong phạm vi xây dựng để đảm bảo ATGT khu vực. Việc thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định tại Thông tư 25/2018 của Bộ GTVT.
Văn bản của Bộ GTVT cũng nêu rõ, địa phương chịu toàn bộ chi phí liên quan đến việc xây dựng đường gom, xóa bỏ các lối đi tự mở trong khu vực, di chuyển hệ thống cột và đường dây thông tin đường sắt bị ảnh hưởng; sau khi hoàn thành việc di chuyển, bàn giao lại công trình đường dây thông tin đường sắt cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, khai thác để phục vụ điều hành chạy tàu.
Bộ GTVT yêu cầu địa phương kịp thời di chuyển công trình và không yêu cầu bồi thường đối với các công trình xây dựng trong hành lang an toàn đường sắt khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.