Thu phí không dừng đem lại hiệu quả kinh tế và giảm ùn tắc giao thông

Tác giả: Hoàng giang

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 31/01/2017 10:45

Việc đưa các trạm thu phí không dừng vào khai thác trên toàn quốc góp phần giảm chi phí đầu tư, UTGT, chi phí xã hội… Mặt khác, việc đưa công nghệ mới hệ thống giao thông thông minh đồng bộ sẽ đem lại sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

thu phi khong dưng
Một trạm thu phí tự động không dừng

Theo tính toán của các chuyên gia, việc áp dụng thu phí không dừng sẽ tiết kiệm thời gian lưu thông cho hành khách và hàng hóa khoảng 2.800 tỷ đồng mỗi năm, tiết kiệm nhiên liệu cho mỗi lần dừng, đỗ và tăng tốc trở lại ở mỗi trạm thu phí khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm.

Để sử dụng dịch vụ này, sau khi đăng ký, thẻ Etag được gắn lên đèn hoặc kính xe qua vài thao tác đơn giản, nhanh chóng. Etag gần như là “chứng minh thư”, lưu trữ thông tin về xe và chủ sở hữu. Thẻ này sẽ được các đầu đọc RFID gắn trên giá long môn đặt trên đường cao tốc nhận diện và gửi thông tin về trung tâm điều khiển, tự động trừ tiền phí. Đầu đọc RFID có thể nhận diện xe ngay cả khi xe chạy với tốc độ 140km/h. Giá long môn được gắn thêm camera chụp lại biển số trước/sau của phương tiện, thiết bị nhận dạng phương tiện, ăng-ten để tự động thu phí trong trường hợp xe không gắn thẻ Etag.

Nền tảng của dự án là dựa trên giao thông thông minh (ITS) với việc ứng dụng các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin cho hoạt động quản lý, vận hành giao thông tại Việt Nam. Việc triển khai hệ thống này sẽ giúp công khai hóa nguồn thu phí giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giảm chi phí nhân công, giảm ô nhiễm môi trường (khí thải, chi phí nhiên liệu), tiết kiệm được giấy in vé, quan trọng nhất là tiết kiệm được thời gian dừng, đỗ, trả phí vì thời gian chính là tiền. Nền tảng của dự án là dựa trên giao thông thông minh (ITS) với việc ứng dụng các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin cho hoạt động quản lý, vận hành giao thông tại Việt Nam. 

Vì vậy, từ tháng 7/2016, Bộ GTVT chính thức phê duyệt Dự án Thu phí tự động đường bộ của VETC theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Vận hành (BOO) đầu tiên trên cả nước. Mục tiêu đến cuối năm 2017, các trạm thu phí trên toàn quốc phải có làn thu phí tự động và hết năm 2020 sẽ bỏ thanh chắn (barie) tại các trạm thu phí.

Theo ông Vũ Quang Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP VETC, Việt Nam có hơn 100 trạm thu phí với lưu lượng xe khoảng 1,2 triệu lượt mỗi ngày đêm. Năm 2016, chỉ riêng phí đường bộ thu qua các trạm BOT dự kiến đạt khoảng 23.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD)…

Với lượng phương tiện lưu thông ngày một đông đòi hỏi phương thức thu phí phải thuận tiện đơn giản, tiết kiệm chi phí in vé, nhiên liệu, rút ngắn thời gian di chuyển..., góp phần vào thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt. Thông qua thu phí không dừng giúp cơ quan quản lý các phương tiện tham gia đăng kiểm xe, xử phạt nguội giao thông…

Dự án thu phí tự động không dừng được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một kéo dài từ 2016 - 2019, áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO. 28 trạm thu phí (không bao gồm 9 trạm do Vietinbank cung cấp tín dụng) sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng trên 01 - 02 làn, giai đoạn sau 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn.

Từ tháng 7/2016, Công ty Cổ phần VETC đã triển khai hóa đơn điện tử đối với tất cả khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC trên toàn quốc. Đối với các phương tiện sử dụng vé tháng, vé quý tại các trạm thu phí yêu cầu phải sử dụng dịch vụ VETC và thanh toán chuyển tiền qua ngân hàng. Công ty tạo thuận lợi cho người dân tổ chức dán thẻ E-Tag, mở tài khoản giao thông miễn phí đã được VETC tổ chức thực hiện rộng rãi ở các địa phương có trạm thu phí sử dụng dịch vụ VETC, thông qua các trung tâm đăng kiểm, trạm thu phí, điểm dịch vụ VETC… Bên cạnh đó, Công ty tạo điều kiện cho khách hàng nộp tiền vào tài khoản thu phí được thực hiện đa dạng qua các kênh top-up như: Mobile banking, Internet banking, ví điện tử và các điểm dịch vụ nạp tiền trên toàn quốc…

Một trong những vấn đề nóng khiến dư luận bức xúc thời gian qua là hiện tượng UTGT ở các trạm thu phí trong dịp lễ, Tết. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, giải pháp hữu hiệu giảm ùn tắc tại trạm thu phí là áp dụng thu phí không dừng ETC. Giải pháp ETC cũng là chìa khóa giúp cho các nhà đầu tư BOT tránh việc ùn tắc vào những ngày cao điểm, nhất là trong bối cảnh Nghị định 46 của Chính phủ quy định nếu các trạm thu phí để ùn tắc kéo dài sẽ bị phạt lên tới 70 triệu đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có khoảng gần 100.000 xe được dán thẻ VETC. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, trong thời gian tới các nhà đầu tư BOT phải sử dụng dịch vụ thu phí không dừng vì những lợi ích mà dịch vụ này mang lại cho xã hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận