Thủ tướng nhấn nút khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất

Xã hội 31/08/2023 19:10

Chiều 31/8, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức khởi công xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành và nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sự kiện và nhấn nút khởi công hai hạng mục quan trọng này.

Sự kiện quan trọng đối với phát triển ngành hàng không

Video Thủ tướng nhấn nút khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành

Tham dự sự kiện còn có Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cùng các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, đại diện các cơ quan, đơn vị, nhà thầu trong nước, quốc tế.

Thủ tướng nhấn nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương dự lễ khởi công các công trình quan trọng dự án sân bay Long Thành

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước. Thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả".

Là bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng hàng không có tính đặc thù cao, phức tạp và hội nhập quốc tế sâu. Phát triển kết cấu hạ tầng vận tải hàng không nhằm tăng cường, mở rộng các phương thức vận tải để chia sẻ, kết nối liên thông trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ (cả vùng trời, vùng biển và đất liền). Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng hàng không đòi hỏi đầu tư đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của hàng không thế giới, trong đó các cảng hàng không đóng vai trò đầu mối.

Trong những năm qua, hạ tầng hàng không ở nước ta được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới với nhiều nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội hóa, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của quốc gia và quốc tế; nhiều sân bay đã trở nên quá tải cả trên bầu trời và dưới mặt đất, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất.

Thủ tướng nêu rõ, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 2 dự án đặc biệt lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với "hệ sinh thái kinh tế sân bay", tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng ghi nhận và biểu dương Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ACV và các bộ, ngành có liên quan đã chủ động, tích cực phối hợp cùng tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục về đấu thầu, đất đai, đầu tư, vốn và đã hoàn thành các thủ tục theo quy định để khởi công các hạng mục quan trọng này.

Thủ tướng nhấn nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công.

Thủ tướng khẳng định: "Lễ khởi công 3 hạng mục quan trọng nhất của 2 dự án Cảng hàng không quan trọng của Việt Nam hôm nay là sự kiện quan trọng, là dấu ấn trong sự nghiệp phát triển ngành hàng không. Đây cũng là kết quả minh chứng cụ thể, rõ nét nhất cho sự nỗ lực hết mình của chủ đầu tư, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua. Đây là dự án rất lớn, kỹ thuật phức tạp, lễ khởi công 3 gói thầu ngày hôm nay chỉ mới là bước đầu, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ".

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Ủy Ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ban, ngành Trung ương, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Dự án, thúc đẩy tiến độ công trình với mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả của Dự án như đã được thẩm định và phê duyệt.

Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP. HCM, UBND tỉnh Đồng Nai, các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức triển khai dự án bảo đảm chất lượng, an toàn, phấn đấu vượt tiến độ, sớm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác sử dụng, không đội vốn bất hợp lý, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai chủ động đẩy nhanh các dự án giao thông kết nối với nhà ga hành khách để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khi đưa Nhà ga hành khách vào khai thác.

ACV chủ động phối hợp với UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; tích cực kiểm tra, giám sát quá trình thi công bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, kỹ, mỹ thuật, tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng nhấn nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút phát lệnh khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành

Các nhà thầu thi công trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xây dựng, huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ; nghiêm cấm việc sử dụng nguyên vật liệu không đủ tiêu chuẩn, chất lượng hoặc thi công không đủ nguyên vật liệu theo yêu cầu. Chủ đầu tư, tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm nếu các nhà thầu thi công có sai phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Các nhà thầu đã cam kết rồi thì phải thực hiện, làm phải có hiệu quả bằng sản phẩm cụ thể, đúng chất lượng, đúng quy định, đúng tiến độ, không lãng phí, tiêu cực; quá trình thi công phải khoa học, an toàn.

Thủ tướng đề nghị bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng, tác động của Dự án tiếp tục đồng hành, vì lợi ích quốc gia; ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để dự án hoàn thành thuận lợi, đúng kế hoạch. Chính phủ, các ban chỉ đạo với trách nhiệm và quyền hạn sẽ hết sức ủng hộ và hỗ trợ để chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành hai dự án có ý nghĩa rất quan trọng này.

Cùng với đó,Thủ tướng đã nêu rõ 6 yêu cầu các chủ thể tham gia triển khai dự án phải nghiêm túc quán triệt bảo đảm chất lượng, tiến độ; an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và kịp thời xử lý khi xảy ra sai phạm.

Thủ tướng nhấn nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất - Ảnh 5.

Thủ tướng nhấn nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho công nhân thi công tại dự án sân bay Long Thành

Tổng mức đầu tư trên 53.000 tỷ đồng

Trước đó, báo cáo về dự án, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV cho biết: "Dự án Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD) chia làm ba giai đoạn triển khai. Khi hoàn thành, Long Thành sẽ là cảng trung chuyển hàng không của Việt Nam và quốc tế với công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Hiện nay, dự án đang triển khai giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng chia làm 4 dự án thành phần với các hạng mục xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm".

Thủ tướng nhấn nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất - Ảnh 7.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV báo cáo về thông tin dự án

Theo ông Thanh, hai gói thầu có trị giá hơn 42.000 tỷ đồng được khởi công chiều 31/8 đều thuộc dự án thành phần 3 và là hạng mục quan trọng của dự án.

Đối với gói thầu 5.10 là công trình nhà ga hành khách có giá trị lên đến hơn 35.000 tỷ đồng, thời gian thi công nhà thầu đề xuất 39 tháng. ACV đánh giá gói thầu này có giá trị lớn và có tính chất kỹ thuật phức tạp nhất hiện nay. Nhà ga hành khách lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 3 cánh...

Đối với gói thầu số 4.6 có trị giá hơn 7.308 tỷ đồng thời gian thi công 700 ngày là gói thầu lớn thứ hai của dự án trong giai đoạn 1. Gói thầu này bao gồm các hạng mục sân đường khu bay với đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, chiều rộng 45m; Hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, diện tích khoảng 69,3 ha; 4 sân đỗ tàu bay (sân đỗ tàu bay trước nhà ga hàng hóa, sân đỗ tàu bay trước nhà ga chuyển phát nhanh, sân đỗ bảo trì tàu bay, sân đỗ cách ly) và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4 ha...

Thủ tướng nhấn nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất - Ảnh 8.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và các đại biểu nhấn nút khởi công nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất với các hạng mục nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn phía trước có tổng mức đầu tư gần 10.990 tỷ đồng, thi công trong 20 tháng, khai thác từ quý 2/2025.

Theo đó, hạng mục nhà ga hành khách có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500m2. 

Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy backdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check-in, 27 cửa ra tàu bay...

Khi hoàn thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thủ tướng nhấn nút khởi công nhà ga sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất - Ảnh 9.

Máy móc, thiết bị được các nhà thầu tập kết sẵn sàng thi công

Đại diện cho các nhà thầu thi công dự án, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn) hứa với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền, nhân dân địa phương tập trung mọi nguồn lực từ con người, tài chính, xe máy, thiết bị và các điều kiện có liên quan để tổ chức thi công quyết liệt, khoa học, đúng quy trình kỹ thuật, quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo an toàn và chất lượng tốt nhất.

Xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các nhà thầu thi công với các lực lượng có liên quan. Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh; tích cực tham gia công tác dân vận; tôn trọng, bảo vệ lợi ích và phong tục tập quán, tín ngưỡng của nhân dân địa phương; chú trọng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông. Đảm bảo không gây ảnh hưởng đến an toàn bay đối với sân bay Tân sơn Nhất đang khai thác.

Cùng với đó chấp hành nghiêm và sử dụng chặt chẽ, đúng mục đích các nguồn vốn đầu tư, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực; đảm bảo dự án đạt hiệu quả kinh tế cao. Hưởng ứng và tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua lao động sản xuất, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên công trường; xây dựng môi trường làm việc tích cực, tạo động lực thúc đẩy các nhà thầu, các bộ phận và cán bộ, kỹ sư, người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ý kiến của bạn

Bình luận