Giải ngân gần 29.000 tỷ đồng
Chiều 19/1, Sở GTVT TP. HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 với nhiều mục tiêu lớn tiến tới phục vụ người dân, tạo động lực phát triển.
Sở GTVT TP. HCM cho biết, năm 2023, Sở GTVT đã phối hợp với các sở, ngành, TP. Thủ Đức, các quận, huyện, các chủ đầu tư, đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình và giải ngân kế hoạch vốn được giao theo tiến độ đã đề ra. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang triển khai như: Vành đai 3; Nút giao thông An Phú; Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; Nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; Đường song hành cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2)…
Mặt khác, chú trọng quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD), quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ vận tải, giao thông đường thủy gắn liền với các đề án đã được thành phố phê duyệt. Để đồng bộ hạ tầng, ngành GTVT TP. HCM sẽ tăng cường các giải pháp để thu hút đầu tư, đa dạng các nguồn vốn để ưu tiên vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy; Phát triển hệ thống hạ tầng đường thủy, các tuyến vận tải hành khách đường thủy để phát triển du lịch, các tuyến đường dọc sông Sài Gòn.
Tổng kế hoạch vốn năm 2023 giao Sở GTVT gần 4.300 tỷ đồng, giá trị giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 95%). Trong đó, vốn duy tu hơn 2.375 tỷ đồng; vốn trợ giá xe buýt hơn 1.748 tỷ đồng; vốn đầu tư công hơn 172 tỷ đồng.
Tính chung ngành GTVT thành phố (gồm Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý đường sắt đô thị, Sở GTVT và các đơn vị thuộc Sở), năm 2023, tổng kế hoạch vốn giao hơn 40.870 tỷ đồng, giá trị giải ngân hơn 28.590 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 70%.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP. HCM cho biết, năm 2023 có một điểm sáng là kéo giảm tai nạn giao thông. Đây là tín hiệu rất tích cực của ngành. Công an TP. HCM, các quận, huyện vào cuộc, kiểm soát trật tự an toàn rất quyết liệt. Bên cạnh đó, TP. HCM chăm chút nhiều cho hạ tầng hơn, điều này cũng góp phần giảm sâu tai nạn giao thông trong năm vừa qua.
Theo ông Lâm, năm 2023, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 19 dự án, hạng mục công trình kịp thời giải quyết ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội như: Đường song hành từ đường Mai Chí Thọ, mở rộng đường Lê Văn Chí (TP. Thủ Đức), đường Bình Đăng (Quận 8), đường Lê Cơ (quận Bình Tân), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ), cầu Long Đại (TP. Thủ Đức)...
Tiếp tục vai trò đi trước mở đường
Năm 2024, Sở GTVT TP. HCM đặt 4 chỉ tiêu lớn cần thực hiện. Cụ thể, một là chỉ tiêu kế hoạch vốn. Thực hiện công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đạt trên 95% vốn được giao.
Hai là chỉ tiêu về giảm ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông. Giảm tối thiểu 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2023.
Ba là chỉ tiêu về vận tải hành khách công cộng. Khối lượng vận tải hành khách công cộng phấn đấu đạt 476 triệu lượt hành khách, sản lượng hành khách bằng đường thủy đạt 32,5 triệu lượt hành khách, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 176,4 triệu tấn, sản lượng hàng hóa được kiểm soát thông qua đường thủy nội địa đạt 66,7 triệu tấn.
Bốn là các chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 14,44%; mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,44 km/km².
Theo ông Lâm, năm 2024, thành phố phấn đấu khởi công, hoàn thành các dự án, công trình giao thông trọng điểm theo kế hoạch. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, cấp bách như: đường Vành đai 3, nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao thông Mỹ Thủy…
Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành khai thác tuyến metro 1 (Bến Thành – Suối Tiên) trong quý II/2024, đồng thời khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Bên cạnh đó, tập trung hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, trình cấp thẩm quyền thông qua và phê duyệt dự án đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, kết nối vùng như Vành đai 2 (đoạn 4), Vành đai 4; Cao tốc TP. HCM - Mộc Bài; mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ…
Kết luận buổi làm việc, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM nhấn mạnh: "Kết quả năm 2023 của ngành giao thông thành phố rất tích cực. Chúng ta nói giao thông là tiêu tiền, nhưng hiện đã có thể thấy được giao thông bắt đầu tạo ra nguồn thu ngân sách. Điển hình như thu phí cảng biển, sắp tới là thu phí lòng đường, vỉa hè tạm thời... Ngoài ra, thành phố sắp ứng dụng công nghệ vào ngành, đưa cạnh tranh vào quản lý, cung ứng dịch vụ, đấu thầu"...
Bên cạnh kéo giảm tai nạn giao thông về cả 3 mặt, công tác bồi thường cũng là một điểm nổi trội của ngành giao thông năm qua. Đối với ngành giao thông, khó nhất là giải phóng mặt bằng. Nhưng 2023 công tác này khá hiệu quả. Nhờ đó, các công trình tắc nghẽn nhiều năm đã được tháo gỡ", ông Cường đánh giá.
Về công tác triển khai năm 2024, ông Cường giao nhiệm vụ cho Sở GTVT và kỳ vọng đơn vị sẽ tiếp tục vai trò đi trước mở đường, dẫn dắt phát triển, tạo ra động lực mới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.