TTATGT 6 tháng đầu năm: Cần khắc phục nhiều hạn chế

Tác giả: Dương Minh Thành

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 23/07/2016 05:33

6 tháng đầu năm 2016, TNGT trên địa bàn cả nước tiếp tục được kéo giảm, tuy nhiên vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, qua đó bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, bất cập.

IMG_0382
Lực lượng chức năng xử lý vi phạm người tham gia giao thông

DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

6 tháng đầu năm 2016 là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, tình hình TTATGT trên phạm vi cả nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, UTGT trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được kéo giảm; TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Theo số liệu từ Ủy ban ATGT Quốc gia, số vụ TNGT đường bộ vẫn chiếm tỉ lệ cao, toàn quốc xảy ra 10.070 vụ, làm chết 4.255 người, bị thương 8.908 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 940 vụ (-8,54%), giảm 82 người chết (-1.89%), giảm 1.210 người bị thương (-11,96%). Số vụ TNGT đường sắt xảy ra trong 6 tháng đầu năm là 89 vụ, làm chết 71 người, bị thương 26 người; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 23 vụ (-20,54%), giảm 29 người chết (-29,00%), giảm 3 người bị thương (-10,34%). Lĩnh vực Hàng hải xảy ra 8 vụ tai nạn, làm 01 người chết, không có người bị thương; so với cùng kỳ 2015 giảm 02 vụ (-20,00%), tăng 01 người chết. Lĩnh vực Hàng không không xảy ra tai nạn, nhưng đã xảy ra 176 vụ việc và sự cố uy hiếp an toàn bay, trong đó có 36 sự cố (giảm -12,2% so với cùng kỳ 2015) và 140 vụ việc.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, mặc dù TNGT đường bộ, đường sắt, hàng hải đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng TNGT đường thủy nội địa lại tăng về số vụ. Theo đó, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 60 vụ, làm chết 35 người, bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm 2015 tăng 13 vụ (+27,66%), giảm 6 người chết (-14,63%), không tăng không giảm số người bị thương.

Đồng thời, 6 tháng đầu năm 2016 vẫn chưa đạt mục tiêu về tỷ lệ giảm số người chết vì TNGT (-2,59%); số người chết vì TNGT trong tháng 5 và tháng 6 đều tăng so với cùng kỳ năm 2016; còn để xảy một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, điển hình là 2 vụ tai nạn xe khách tại Bình Thuận (ngày 22/5) và Lâm Đồng (ngày 4/6), làm 20 người chết và hàng chục người bị thương; chưa xử lý dứt điểm được hiện tượng chở quá tải trọng phương tiện trên đường bộ; xảy ra một số vụ TNGT đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội như các vụ tai nạn cầu An Thái - Hải Dương, cầu Ghềnh - Đồng Nai, lật tàu khách du lịch Thảo Vân 2 - Đà Nẵng; xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không mức B tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 25 vụ UTGT kéo dài, so với cùng kỳ năm 2015 giảm 25 vụ (-50%). Trong đó, nguyên nhân do TNGT là 12 vụ (chiếm 48%); lưu lượng phương tiện đông là 8 vụ (32%); nguyên nhân khác như sự cố trên đường, xe chết máy, mưa lớn, người dân tụ tập... là 5 vụ (20%). Tình hình ùn ứ giao thông xảy ra khá thường xuyên tại các đoạn tuyến có công trình giao thông thi công kéo dài, tổ chức giao thông bất hợp lý; tình trạng vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện, đỗ xe trái phép... cũng là nguyên nhân gây UTGT trong các đô thị.

XÓA CÁC ĐIỂM ĐEN TRÊN CẢ NƯỚC

Khẳng định trong điều kiện tình hình ATGT có những diễn biến phức tạp, số lượng phương tiện không ngừng tăng nhanh nhưng TNGT liên tục giảm ở cả 3 tiêu chí là sự quyết tâm của cả hệ thông chính trị với các giải pháp hiệu quả, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, Ban ATGT các địa phương đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả nhiều biện pháp đảm bảo ATGT trong 6 tháng đầu năm 2016, đặc biệt là bộ phận thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATGT vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, số người chết do TNGT trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua đều tăng; hiện tượng vi phạm luật giao thông trên đường cao tốc vẫn tiếp tục tái diễn; xuất hiện không ít tình trạng phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động không có giấy phép, người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; hiện tượng bảo kê uy hiếp, hành hung đối thủ cạnh tranh... còn tồn tại và diễn biến phức tạp trên một số tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô; tái diễn hiện tượng ném đá lên xe ô tô, hiện tượng rải đinh và vật sắc nhọn trên một số tuyến đường bộ. Các đơn vị thiếu thông tin phân tích sâu về nguyên nhân của các vụ TNGT, đặc biệt là số liệu có liên quan đến vi phạm nồng độ cồn và sử dụng ma túy của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ gây TNGT, số liệu nạn nhân chấn thương đầu và tử vong do sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn khi đi mô tô, xe gắn máy.

Chỉ rõ những hạn chế, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo ATGT còn hạn chế, đã ảnh hưởng chung tới hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải, đăng kiểm phương tiện, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe, hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, lái xe và doanh nghiệp vận tải. Công tác cấp cứu người bị tai nạn còn chậm, ảnh hưởng tới tính mạng của người bị nạn. Công tác báo cáo về tình hình ATGT của các địa phương còn chung chung; hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT còn nhiều bất cập.

Trong tình hình mới như hiện nay, công tác đảm bảo ATGT cần phải tập trung, kiên trì, quyết liệt, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Các bộ phận cần lập kế hoạch khoa học, cụ thể, gắn trách nhiệm giữa các ngành, địa phương với cá nhân người phụ trách công tác đảm bảo ATGT.

Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể tiếp tục duy trì các nhóm giải pháp đảm bảo ATGT trong những tháng cuối năm. Các bộ: Công an, GTVT, Y tế và trưởng ban ATGT các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát lưu động, tăng cường kiểm soát theo chuyên đề, đặc biệt là tuần tra trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường thủy nội địa, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao cho Bộ GTVT kết hợp với Bộ Công an tiếp tục triển khai công tác KSTTX, xử lý dứt điểm tình trạng ô tô khách chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi lái xe, đồng thời chủ động áp dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo ATGT giai đoạn 2016 - 2020.

Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tài liệu giảng dạy ATGT cho các cấp học trên địa bàn cả nước. “Toàn hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu cuối năm nay sẽ cơ bản giải quyết các điểm đen về TNGT trên địa bàn cả nước. Đây sẽ là biện pháp hữu hiệu trong việc kéo giảm TNGT”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 

Ý kiến của bạn

Bình luận