Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang được "châm chước" Ảnh: Thế Anh |
Tuyến đường Hà Nội – Bắc Giang (do Công ty CP ĐT BOT Hà Nội – Bắc Giang làm chủ đầu tư) được cải tạo nâng cấp từ nền QL1A, không có đường gom, thiếu tiêu chuẩn nhưng vẫn được “châm chước” thành cao tốc làm cho cho tai nạn giao thông tăng cao 100%, UBND tỉnh Bắc Ninh phải kêu cứu lên Bộ GTVT và các cơ quan liên quan.
Để tìm hiểu rõ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn của một tuyến đường cao tốc, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Th.S Vũ Đình Hiền - Phó Trưởng Bộ môn Đường Bộ (Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) cho rằng: “Theo tôi, tuyến đường Hà Nội – Bắc Giang do Công ty CP ĐT BOT Hà Nội – Bắc Giang làm chủ đầu tư vẫn chưa thể được gọi là đường cao tốc mà chỉ là đường giao thông xe ô tô đi được với tốc độ cao thôi.
Đường này cho phép các phương tiện đi hỗn hợp giống với những quốc lộ thông thường mà được gọi là cao tốc thì rất mâu thuẫn, tôi thấy khâu quản lý của chúng ta đang có vấn đề. Nếu muốn khai thác tuyến đường này theo tiêu chuẩn đường cao tốc thì phải tách xe máy, xe thô sơ ra”.
“Đường cao tốc là đường được thiết kế theo quan điểm giúp cho các phương tiện rút ngắn được thời gian hành trình lưu thông, mọi thiết kế, thiết bị trên đường này đều dành cho các phương tiện đi được với tốc độ cao. Với mục tiêu thiết kế làm đường cao tốc, thì tất cả các loại xe thô sơ, xe máy, xe có tốc độ chậm không thể đi vào được đường này”, Th.S Hiền đưa ra quan điểm.
Nói về tình trạng tai nạn tăng cao, Th.S Hiền cho hay: “Tai nạn trên đường Hà Nội – Bắc Giang tăng cao như UBND tỉnh Bắc Ninh "kêu cứu" là do các phương tiện đi hỗn hợp đan xen vào nhau giữa xe tốc độ thấp và cao, đồng thời trên tuyến đường này có rất nhiều điểm giao cắt, xe ôm, người dân, đứng tự tập bắt khách, bắt xe khách dẫn đến xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Phí đường bộ trên đường này cũng quá cao dẫn đến các xe tải, xe ô tô, né trạm thu phí đi vào các đường dân sinh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân địa phương, tai nạn xảy ra nhiều”.
Đề cập tới việc tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang được “châm chước”, Th.S Hiền cho rằng: “Cao tốc mà được “châm chước” có nghĩa là không đạt tiêu chuẩn, yêu cầu, việc “châm chước” cũng kéo theo những hệ lụy xảy ra, mà ở đây điển hình nhất chính là số vụ tai nạn giao thông tăng cao, xe né trạm thu phí phá đường dân sinh và tạo ra tiền lệ xấu cho những nhà đầu tư khác, lẽ ra ngay từ ban đầu Bộ GTVT phải yêu cầu chủ đầu tư xây dưng đường gom để tách các loại xe tốc độ thấp ra chứ không phải đến khi người dân phản ứng thì mới yêu cầu chủ đầu tư tiến hành xây dựng đường gom”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.