Chợ Sa Pa được "phù phép" thành "bến xe dù" phục vụ tuyến cố định |
Điều này đã khiến lãnh đạo sở GTVT các địa phương phải đau đầu trong cuộc chiến chống “xe dù, bến cóc”, trong khi các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại các bến xe Gia Lâm, Yên Nghĩa, Mỹ Đình (Hà Nội); bến xe Đồng Hới (Quảng Bình); bến xe Phố Mới, Sa Pa (Lào Cai) đang phải đương đầu với sự phá sản, tạm dừng hoạt động vì không thể cạnh tranh nổi với loại xe trá hình.
Quảng Bình điêu đứng vì xe “open tour”
“Tại bến xe Đồng Hới (Quảng Bình), tuyến vận tải hành khách liên tỉnh Hà Nội - Quảng Bình và ngược lại đã bị xóa sổ từ lâu. Nhiều năm qua, rất ít hành khách tới bến xe Đồng Hới mua vé đi Hà Nội” - đó là khẳng định “cay đắng” của ông Võ Như Quang - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình. Theo ông Quang, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh ở Quảng Bình nhiều năm nay gần như “chết yểu”, thậm chí tỉnh này còn là “nạn nhân” chịu ảnh hưởng nặng nề của vận tải hợp đồng trá hình.
Theo số liệu thống kê của PV, hiện nay trên địa bàn TP. Đồng Hới duy trì khoảng trên 30 lượt xe “open tour” chạy tuyến Hà Nội - Quảng Bình và ngược lại. Với tần suất hoạt động dày đặc khoảng 30 phút/chuyến (tính theo khung giờ từ 17 - 21h tối và 4 - 8h giờ sáng hôm sau). Các tuyến đường trung tâm TP. Đồng Hới như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, đường bao biển Nhật Lệ… trở thành nơi trú ngụ của xe trá hình. Tiêu biểu trong đội ngũ chạy “open tour” tuyến Quảng Bình - Hà Nội là các xe mang thương hiệu: H.L, A.H.L, D.H với đội xe hàng chục chiếc.
Trong những ngày tháng “ăn nằm” tại TP. Đồng Hới, chúng tôi nhận thấy mọi giao dịch, cách thức hoạt động của xe “open tour” chẳng khác gì so với xe khách liên tỉnh hoạt động cố định tại bến xe Đồng Hới. Với các chiêu thức tinh vi như in vé giả, gom hợp đồng khách lẻ lập thành hợp đồng khách đoàn, đặt chỗ qua điện thoại, ghi phiếu thông tin, đón, trả khách ngay tại văn phòng bán vé, thậm chí là các tuyến đường cấm. Trong khi đó, tại Điều 45, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định rõ: Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức… Như vậy, xe “open tour” có rất nhiều quyền “ưu tiên”, trong khi đó các xe tuyến cố định đang phải chịu sự quản lý khắt khe từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động vận tải khách liên tỉnh tại Quảng Bình bị “bóp chết”, nhiều doanh nghiệp vận tải chân chính rơi vào cảnh điêu đứng, phá sản.
Hơn nữa, việc các xe “open tour” trá hình hoành hành trên tuyến cố định Hà Nội - Quảng Bình đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề trật tự, ATGT, mất công bằng trong kinh doanh vận tải, mất mỹ quan đô thị, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, nhiều xe đã sử dụng phù hiệu “Xe hợp đồng” nhưng hoạt động như xe khách tuyến cố định, tự ý dừng, đỗ ngay cạnh biển cấm dừng, đỗ xe, tạo thành một bến cóc.
Xe trá hình mang thương hiệu Hoàng Linh tổ chức đón, trả khách tại đường Nguyễn Hoàng (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) |
Tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa “thất thủ”…
Nhắc tới tuyến vận tải này, ông Thân Văn Thanh - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá: “Vài năm trở lại đây, trước sự biến tướng tinh vi của loại hình xe “open tour” trá hình, tuyến vận tải Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa và ngược lại đang có nhiều biến động lớn, gần như rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Thực tế chỉ ra rằng, hiện nay tuyến vận tải này đang chịu sức ép lớn từ các xe “open tour” trá hình chạy tuyến cố định”.
Xác nhận với PV, ông Nguyễn Văn Thạo - Phó giám đốc Sở GTVT Lào Cai thừa nhận: “Hiện nay, tình trạng xe “open tour” tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa diễn ra phổ biến. Các xe này thường gắn biển kiểm soát Hà Nội và vận dụng nhiều chiêu trò nhằm lợi dụng các khe hở của pháp luật để thực hiện hành vi “chạy dù”, lập “bến cóc” trái phép. Ví dụ như trường hợp một số phương tiện dù chỉ được cấp phù hiệu xe hợp đồng, tuy nhiên lại ngang nhiên treo biển, thực hiện việc gom khách, lập hợp đồng khống “phù phép” hoạt động như tuyến cố định”.
“Đa phần các xe trá hình đang hoạt động tại Sa Pa đều có nguồn gốc, xuất xứ từ Hà Nội. Nếu Hà Nội kiểm soát tốt hoạt động của các xe này thì đâu có ra nông nỗi…”, ông Thạo bức xúc nói.
Theo ghi nhận của PV, tại đầu Hà Nội, hoạt động vận tải trá hình tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa diễn ra công khai, nhộn nhịp suốt ngày đêm, song hiếm thấy bóng dáng của lực lượng chức năng Thành phố ra quân xử lý. Đặc biệt, những chiếc xe giường nằm loại trên 40 chỗ, gắn thương hiệu: Camel Bus, Hưng Thành, Iter Bus Lines, Queen Café, Sao Mới, Sapa Expess, Good Morning Sapa… ngang nhiên thành lập hàng chục “bến cóc” trái phép “án ngữ” ngay tại các tuyến đường như: Phạm Hùng; Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy); Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng); Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân (Hoàn Kiếm)… làm nơi đón, trả khách, bất chấp sự phản ánh gay gắt từ dư luận xã hội.
Còn tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai), các tuyến đường như: Điện Biên Phủ, Lương Đình Của, Ngô Chỉ Sơn, Thạch Sơn, Kim Đồng, Võ Thị Sáu… lâu nay được xác định là “thủ phủ” phục vụ hàng trăm lượt xe “open tour” đi và đến Sa Pa mỗi ngày.
Điều đáng nói, ở cả hai đầu “bến” Hà Nội và Sa Pa, các nhà xe này bắt tay liên doanh, liên kết với các nhà hàng, khách sạn, chợ, quán nước, trung tâm thương mại phục vụ việc đón, trả khách. Việc này không chỉ gây mất TTATGT, mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng tới tới hoạt động vận tải, tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, vi phạm các quy định về vận tải của Bộ GTVT.
Một hình thức phát hành vé "lậu" của loại hình xe "open tour" tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa |
Khi “giọt nước tràn ly”
Dưới sức ép quá lớn từ hoạt động của xe “open tour” trá hình, hàng loạt doanh nghiệp làm ăn chân chính trên tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa và ngược lại luôn rơi vào thế hoạt động cầm chừng, giảm tần suất hoạt động. Nhiều nhà xe đăng ký hoạt động tại cả hai đầu bến nhưng rồi cũng “bỏ của chạy lấy người” vì không thể cạnh tranh nổi với các xe “uy quyền” gắn mác “open tour”. Đau xót nhất là trường hợp tự “khai tử” của nhà xe Việt Bus vào đầu năm 2016 vừa qua. Trước đó, Viet Bus là một “thương hiệu” vận tải có tiếng bậc nhất tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa, với tần suất hoạt động 1 giờ/chuyến ở cả hai đầu bến. Nhưng đến nay, đơn vị này đã tạm dừng khai thác khoảng 90% lượt/chuyến trong ngày.
Về phía doanh nghiệp, ông Đ.V.B - Giám đốc một doanh nghiệp vận tải Lào Cai bức xúc cho rằng: “Hiện nay, các đơn vị vận tải hoạt động tuyến cố định có lộ trình Hà Nội - Lào Cai đều chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước, ngoài ra phải chịu chi phối của nhiều chế tài như giờ giấc, lộ trình luồng tuyến, thuế má, tiền bến bãi và các loại phí… nhưng xe tour trá hình thì không phải chịu những khoản nêu trên. Giờ xuất phát do doanh nghiệp xe tour tự ấn định nên họ chọn toàn “giờ vàng” để chạy. Lợi thế đặc biệt của xe tour là đón, trả khách trong nội đô, trên các tuyến phố lớn. Đây là điều mà xe khách tuyến cố định không thể có được”.
Là đầu mối xử lý các thông tin liên quan đến hoạt động vận tải trên địa phận tỉnh Lào Cai, ông Phạm Tiến Quỳnh - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Lào Cai) mạnh dạn chỉ ra thực tế xót xa liên quan tới hoạt động vận tải khách tại thị trấn du lịch Sa Pa. Theo đó, tuyến Hà Nội - Sa Pa và ngược lại lượng xe “chính quy” hoạt động là rất ít, chủ yếu là xe “open tour” đội lốt.
Tình trạng này gây thiệt hại lớn cho nguồn thu của Nhà nước và nếu không kiểm soát chặt sẽ gây “loạn” cho hoạt động vận tải.
Ông Quỳnh khẳng định: “Xe “open tour” cạnh tranh công khai với xe tuyến cố định. Với nhiều lợi thế cạnh tranh, loại xe này đã “hút” hết khách của xe tuyến cố định. Điều nguy hiểm là số xe này hoạt động rất tự do, không chịu sự quản lý nào của cơ quan quản lý nhà nước”.
Chia sẻ với PV, ông Thân Văn Thanh cho rằng: “Tình trạng xe “open tour” đội lốt hoạt động như xe khách cố định là vấn đề nhức nhối, khó xử nhất trong hoạt động vận tải khách hiện nay. Trong khi xe khách tại bến bị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, nộp đủ các loại thuế, phí và chi phí ngầm thì cơ chế quản lý xe hợp đồng lại rất lỏng lẻo. “Đơn cử như thuế, hiện Nhà nước chưa quản nổi thuế của xe hợp đồng, doanh nghiệp muốn kê khai sao cũng được, người thuê xe cũng không có thói quen lấy hóa đơn”.
“Hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở các tuyến như Hà Nội - Quảng Bình, Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa rời bỏ bến xe ra chạy hợp đồng đang gia tăng và tình trạng này có nguyên nhân từ những yếu kém của loại hình xe cố định trong bến xe. Khi nhu cầu người đi xe khách tăng cao, muốn được đưa rước tận nơi thì xe hợp đồng làm được điều đó. Vì sao xe trong bến không dùng các xe trung chuyển đưa khách từ trung tâm vào bến xe? Nếu không sớm thay đổi, xe khách sẽ thua xe hợp đồng”, ông Thanh khẳng định
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.