Vì sao nhiều hộ dân chưa nhận được tiền đền bù ở dự án nâng cấp QL20?

Tác giả: Ánh Minh

saosaosaosaosao
Đường bộ 31/01/2024 10:01

Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ các giải pháp giải quyết các khó khăn vướng mắc của dự án khôi phục, cải tạo QL20 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng theo hình thức Hợp đồng BT.

Vì sao QL20 qua Đồng Nai "dậm chân tại chỗ"?- Ảnh 1.

Dự án gặp khó khăn về nguồn vốn để triển khai hoàn thành

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chuyển đến. Nội dung kiến nghị như sau: "Cử tri huyện Định Quán, Tân Phú và Thống Nhất phản ánh về dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn qua tỉnh Đồng Nai đã thực hiện xong đi vào sử dụng nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn còn nhiều hộ dân chưa được giải quyết nhận tiền hỗ trợ bồi thường".

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT cho biết, Dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Km0+000 - Km123+105,17 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng theo hình thức hợp đồng BT do Công ty Cổ phần BT20 - Cửu Long là nhà đầu tư.

Dự án gồm hạng mục tuyến chính từ Km0+000-Km123+105,17 (thuộc địa bàn hai tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 9/2015) và các hạng mục bổ sung gồm: Nút giao Dầu Giây (thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai, đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 9/2022); tuyến tránh thành phố Bảo Lộc (thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng).

Trong quá trình triển khai, do vướng mắc việc hoàn thuế VAT nên nhà đầu tư phải dùng nguồn vốn của dự án để trả nợ khoản vay nước ngoài, cùng với đó là việc tăng kinh phí giải phóng mặt bằng so với tổng mức đầu tư được duyệt, dẫn đến khó khăn về nguồn vốn để triển khai hoàn thành dự án.

Vì vậy, Bộ GTVT đã cho phép dừng thi công tuyến tránh thành phố Bảo Lộc từ ngày 7/10/2020 (khối lượng thi công đạt 70% giá trị hợp đồng) để tập trung hoàn thiện nút giao Dầu Giây.

Đối với kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh Đồng Nai đã có các văn bản gửi Bộ GTVT về vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ của dự án. Theo đó, chi phí giải phóng mặt bằng đã được nhà đầu tư chuyển cho địa phương để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, quá trình triển khai từ năm 2016 đến nay, do cập nhật lại bản đồ thu hồi đất thuộc dự án so với bản đồ địa chính cũ nên UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất chủ trương kiểm kê, lập phương án và dự trù kinh phí bồi thường, hỗ trợ bổ sung về đất cho các hộ dân. Phần kinh phí giải phóng mặt bằng bổ sung chưa được phê duyệt do nguồn vốn của dự án đã hết, trong khi nguồn vốn vay nước ngoài không thể vay bổ sung.

Ngày 5/12/2023, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp giải quyết các khó khăn vướng mắc của dự án, trong đó có nội dung cho phép lập dự án để đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại của tuyến tránh Bảo Lộc bằng nguồn vốn đầu tư công, đồng thời với việc cân đối lại tổng mức đầu tư của dự án.

Sau khi được chấp thuận, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo nhà đầu tư, Ban QLDA 7 và các đơn vị liên quan rà soát, phối hợp với các bộ, ngành… để hoàn tất các thủ tục, đảm bảo nguồn vốn cho việc thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng còn thiếu cho địa phương.

Ý kiến của bạn

Bình luận