Logistics xanh để làm gì?

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 17/04/2024 11:20

Nhiều doanh nghiệp cho rằng "xanh hóa hoạt động logistics" là việc của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp lớn, thậm chí chưa có ảnh hưởng vì thời gian còn dài…

Những thách thức trong xanh hóa logistics

Logistics xanh để làm gì?- Ảnh 1.

TRANSIMEX ICD đã lắp đặt hệ thống Solar Panel để vận hành kho lạnh, các thiết bị khai thác tại CY, kho CFS, ngoại quan thuộc ICD

Theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi bổ sung Quyết định số 200/TTg ngày 14/2/2017) phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của logistics đến năm 2025 vào GDP đạt 5 - 6%. Đây là tỷ trọng rất cao khi so với tỷ trọng tương ứng của nhiều ngành kinh tế.

Tốc độ tăng logistics theo mục tiêu đến năm 2025 đạt 15-20%. Đây là tốc độ tăng rất cao, cao gấp đôi, gấp ba tốc độ tăng tương ứng của GDP cả nước theo kế hoạch 2021-2025 (6,5 - 7%) và khó có ngành nào trong 21 ngành kinh tế đạt được.

Cũng theo Quyết định 221/QĐ-TTg, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics theo mục tiêu đến năm 2025 đạt 50-60%; Giảm chi phí logistics xuống tương ứng 16 - 20% GDP.

Thực tế, tỷ lệ chi phí logistics của Việt Nam thời gian qua thuộc loại cao, ảnh hưởng đến giá cả, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành và của toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, logistics không chỉ tăng trưởng cao, tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP, mà còn phải giảm chi phí, giảm giá thuê dịch vụ này, trên cơ sở đó giảm giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tăng GDP chung của cả nước.

Tại "Hội thảo APEC về thúc đẩy logistics xanh hướng tới tăng trưởng bao trùm và bền vững" do Bộ Công thương tổ chức ngày 16 và 17/4 tại Hà Nội, các diễn giả đến từ nhiều quốc gia đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm, thực tiễn tốt và đề xuất các khuyến nghị về cách thúc đẩy logistics xanh hướng tới tăng trưởng bền vững và toàn diện. Đại biểu tham dự cũng được trao đổi về việc hiện đại hóa phương tiện, chuyển đổi năng lượng tái tạo hoặc sử dụng nhiên liệu sinh học thân thiện môi trường, giảm phát thải…

Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 cũng xác định "Logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường". Xanh hóa logistics nhằm giảm tác động tiêu cực của hoạt động logistics, cân bằng bền vững giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, từ đó góp phần đảm bảo cho phát triển bền vững.

Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho hay, tỷ lệ hao hụt trong quá trình vận chuyển, xử lý và bảo quản hàng hóa như sau: Vận tải 10%; xử lý 2%; kho 2%. Trong đó, đối với hoạt động vận tải chịu các tác động của khí thải, ùn tắc giao thông, tiếng ồn phương tiện. Theo ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), giải pháp cho vấn đề này là chuyển đổi phương thức vận tải đường bộ sang đường thủy, đường biển, đường sắt; Dùng phương tiện vận tải ít phát thải Các-bon; Tối ưu mạng lưới vận chuyển.

Trong khi đó, với hoạt động kho bãi, để khắc phục việc sử dụng năng lượng không tái tạo (như xăng, dầu cho chiếu sáng, trang thiết bị trong kho), thiết kế, vận hành trong kho bãi chưa phù hợp, giải pháp là tự động hóa giải pháp kho bãi và quy trình quản lý; Tối ưu vị trí xây dựng kho bãi; Tối ưu hóa thiết kế kho bãi; Tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong kho bãi.

Với hoạt động đóng gói (xử lý), trước nguyên nhân của việc cấu tạo của vật liệu, thước, hình dạng bao bì có ảnh hưởng đến kích chi phí vận chuyển, lưu kho; Bao bì không phù hợp có thể gây lãng phí bao bì, nhiều rác thải và gây hư hỏng hàng hóa… thì giải pháp cần thiết là sử dụng công nghệ đóng gói hiện đại, sáng tạo; Sử dụng bao bì xanh.

Ngoài ra, hệ thống thông tin tốt cũng góp phần xanh hóa hoạt động logistics như cung cấp thông tin thực tế về thời gian, phối hợp tối ưu các hoạt động như vận chuyển, lưu trữ, đóng gói, phân phối, bốc dỡ, xử lý hàng tồn kho... giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, số hóa dữ liệu giảm việc in ấn tài liệu, giảm sử dụng giấy và các vật liệu in; Giảm thủ tục hành chính bằng việc liên kết thông tin với cơ quan quản lý, giảm đi lại, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động, góp phần xanh hóa, giảm tác động tới môi trường.

Cũng theo ông Ngô Khắc Lễ, hiện nay, nhận thức về xanh hóa logistics đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là việc của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp lớn; Chưa có ảnh hưởng vì thời gian còn dài; Hiểu chưa đúng, hiểu quá đơn giản về xanh hóa logistics. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng của yếu tố nguồn lực tài chính. Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, Việt Nam có hơn 98,1% doanh nghiệp nhỏ và vừa và 99% doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về vốn. "Khả năng tài chính của doanh nghiệp là thách thức lớn nhất, ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển logistics xanh, trong đó có mục tiêu tái cơ cấu hoạt động, thay đổi trang thiết bị…", Phó Tổng thư ký VLA chia sẻ.

Một thách thức nữa không thể bỏ qua là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực logistics chất lượng cao. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), cho hay, đến năm 2030, ngành logistics cần thêm 2,2 triệu nhân lực, trong đó khoảng 200.000 nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.

Thách thức tiếp theo là về cơ sở hạ tầng logistics. Trong đó, chất lượng cảng, hạ tầng giao thông chưa tốt; Quy hoạch, mạng lưới giao thông chưa tối ưu; Các phương thức vận tải chưa được quy hoạch, sử dụng phù hợp gây ùn tắc, quá tải; Mức độ áp dụng công nghệ thông tin trong logistics thấp; Hệ thống chưa đồng bộ gây chậm trễ trong hoạt động logistics.

Cũng không thể bỏ qua phạm trù các quy định, chính sách, bởi có tình trạng đang chủ yếu tập trung vào lĩnh vực vận tải so với các lĩnh vực logistics khác. Trong khi đó, những quy định về việc khuyến khích sử dụng tài nguyên tái tạo, tái chế, bao bì thân thiện với môi trường cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics theo hướng chuyên môn hóa các khâu

Logistics xanh để làm gì?- Ảnh 2.

Cảng Gemadept Dung Quất tiên phong triển khai tiêu chuẩn Cảng xanh gồm các yêu cầu về quản lý môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm khí thải và tăng cường an toàn lao động

Trong thực tế, câu chuyện logistics xanh hoặc xanh hóa logistics cũng không quá xa lạ với không ít doanh nghiệp, bởi đây là vấn đề nhận thức – lợi ích.

Đơn cử như TRANSIMEX ICD đã lắp đặt hệ thống Solar Panel để vận hành kho lạnh, các thiết bị khai thác tại CY, kho CFS, ngoại quan thuộc ICD. Toàn bộ thiết bị khai thác tại các trung tâm Logistics TRANSIMEX sử dụng điện từ hệ thống Solar Panel. Trong khi hệ thống VNA rack tối ưu hóa khả năng chất xếp.

Hay như Cảng Gemadept Dung Quất tiên phong triển khai tiêu chuẩn Cảng xanh (TCCS 02:2022 CHHVN) gồm các yêu cầu về quản lý môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm khí thải và tăng cường an toàn lao động. Đồng thời áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 (Hệ thống quản lý môi trường).

Dưới góc độ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng thư ký VLA đề xuất một số giải pháp trong việc xanh hóa hoạt động logistics, gồm: Tăng cường và hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics (kho bãi và vận tải) theo hướng chuyên môn hóa các khâu nhằm giảm thiểu hoạt động vận tải.

Ngoài ra, quản lý tốt hoạt động logistics ngược là một việc làm quan trọng để bảo vệ môi trường, tài nguyên. Ví dụ: Sau khi thu hồi phế thải như bao bì, sản phẩm hư hỏng, hết hạn sử dụng, cần xử lý sao cho không ảnh hưởng đến môi trường nhưng cũng đòi hỏi chi phí, công nghệ phù hợp.

Bên cạnh đó, tăng cường giao thông thân thiện với môi trường để giảm khí thải; Đầu tư hệ thống kho Xanh đáp ứng nhu cầu Kho Xanh và Bao Bì Xanh.

Đồng thời, nâng cấp và xây dựng mới các kho chuyên dụng (Smart Warehouse) sử dụng công nghệ kho lạnh hiện đại, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tác động đến môi trường của các cơ sở vận hành.

Thông qua dịch vụ logistics, tính chuyên nghiệp của các hoạt động dịch vụ sẽ gia tăng. Các doanh nghiệp logistics nhờ tính chuyên nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp khác có điều kiện tập trung hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nghiệp vụ chính cũng sẽ làm cho các hoạt động chính đạt hiệu quả, hiệu suất cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế - xã hội. Hiệu quả chung cho kinh tế- xã hội đạt hiệu quả "kép" cũng theo xu hướng này.