Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã bị quá tải từ nhiều năm nay, vì vậy việc đầu tư, mở rộng là rất cần thiết |
Đánh thức tiềm lực kinh tế tư nhân
Thời gian qua, thị trường hàng không đã có bước tăng trưởng ấn tượng và đang tiếp tục đón nhận những làn sóng mới. Nếu như trước kia, các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy hay hàng hải thì nay với cơ chế mở cửa, hàng không lại đang là sự lựa chọn không thể bỏ qua. Xã hội hóa hạ tầng hàng không tạo ra sân chơi cho nhiều doanh nghiệp.
Khởi đầu cho làn sóng mới này chính là việc Tập đoàn Sun Group đầu tư, xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn theo hình thức BOT (Xây dựng - Khai thác - Chuyển giao) với số vốn 7.463 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư khác cũng giành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực hạ tầng hàng không. Tập đoàn FLC đã có công văn gửi Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ đề nghị được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga T3 tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Với điều kiện hiện có, Bamboo Airways - hãng hàng không do Tập đoàn FLC quản lý có nhu cầu xây dựng một hãng hàng không tự chủ về nhà ga hành khách để quản lý, sử dụng và phục vụ hành khách một cách tốt nhất. FLC mong muốn xây dựng một hệ sinh thái đồng bộ từ hạ tầng, kỹ thuật, dịch vụ cho đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực hàng không.
Cũng thể hiện sự quan tâm đối với nhà ga T3 (Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã hai lần đề nghị được cùng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư nhà ga này. Trước đó, IPP cũng đã đề nghị Bộ GTVT cho phép được tham gia đầu tư dự án xây dựng thêm một đường cất/hạ cánh và Nhà ga hành khách quốc tế T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc và cùng xin tham gia đầu tư nhà ga hành khách mới tại Cảng Hàng không Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) với công suất 8 triệu lượt hành khách/năm. Không nằm ngoài xu hướng đó, Hãng hàng không Vietjet Air cũng đã đề xuất đầu tư, nâng cấp sân bay Điện Biên...
Đảm bảo hài hòa lợi ích trong xã hội hóa hạ tầng cảng hàng không
Bày tỏ sự mong muốn được đầu tư vào sân bay Điện Biên, ông Vũ Phạm Nguyên Tùng - Giám đốc Dự án Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet Air cho rằng, Điện Biên là sân bay quan trọng, tuy nhiên do đường băng nhỏ nên các máy bay cỡ lớn không thể đến được. Đây có thể coi là điều đáng tiếc khi vùng Tây Bắc mất đi một cơ hội lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Vietjet đã đề xuất được đầu tư sân bay này nhưng đơn vị gặp vướng mắc từ cơ chế sử dụng vốn để làm quy hoạch đến những yêu cầu khác vì theo quy định hiện hành vốn quy hoạch phải là vốn nhà nước. Ngoài ra, đơn vị phải đầu tư công nghệ góp phần nâng cao năng lực của cảng hàng không. Theo ông Tùng, việc này một mình Vietjet không làm được mà phải đồng bộ từ Chính phủ đến chính quyền địa phương…
Với nhiều băn khoăn, ông Đặng Tất Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, nếu cơ chế cho phép FLC sẽ cam kết đầu tư xây dựng nhà ga T3 (Cảng Hàng không tế Tân Sơn Nhất) trong vòng 1 - 1,5 năm là hoàn thành, tuy nhiên khi nhiên cứu cụ thể thì lại xuất hiện nhiều vướng mắc.
Giải thích lý do tại sao một số nhà đầu tư tư nhân đang gặp khó khi muốn tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông, ông Đỗ Đức Tú - Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Nhà nước luôn khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và hàng không nói riêng mà minh chứng rõ nhất chính là Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn được Sun Group đầu tư xây dựng, vận hành. Hiện tại, một số nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào hạ tầng hàng không nhưng chưa được chấp thuận là do vướng mắc về cơ chế. Chúng ta đều biết hạ tầng khu bay là tài sản của Nhà nước, đang được bàn giao cho ACV quản lý và phải bỏ tiền ra để duy tu, bảo dưỡng rất lớn. Do đó, phải tạo điều kiện cho ACV có nguồn thu để đầu tư, nâng cấp khu bay. Nhà nước rất mong các nhà đầu tư nghiên cứu cơ hội đầu tư và có đề xuất xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không trong tương lai.
Theo ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT ACV, cảng hàng không, sân bay thuộc hạ tầng giao thông quốc gia, thực hiện theo nguyên tắc giao thông đi trước một bước. Do là kết cấu hạ tầng giao thông nên phải được quản lý chặt chẽ bằng kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển của Nhà nước. Xã hội hóa phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư và xã hội. Nhà nước nên xã hội hóa kêu gọi đầu tư toàn bộ cảng, không nên chỉ kêu gọi một hạng mục riêng biệt. Ông Thanh nêu dẫn chứng, xã hội hóa đầu tư phải như mô hình Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn. Ở đây, chủ đầu tư đầu tư đồng bộ từ khu bay đến nhà ga, sân đỗ và các hạng mục công trình phụ trợ khác. Sun Group đầu tư vào Vân Đồn cũng còn cân đối từ hiệu quả chung chứ không đơn thuần trông chờ vào tiền thu từ dịch vụ hàng không. Ông Thanh nhấn mạnh, việc xé lẻ xã hội hóa các công trình mang tính thương mại có hiệu quả kinh tế trong cảng hàng không và để doanh nghiệp nhà nước đầu tư quản lý khu bay là không công bằng, về lâu dài sẽ dẫn đến sự suy yếu của ACV, ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, đến sự duy trì phát triển ổn định của cảng hàng không, bao gồm tất cả các thành tố khu bay và các hạng mục thương mại khác. Thực tế, không phải cảng hàng không nào cũng mang lại nguồn lợi trực tiếp. Nhà nước phải duy trì toàn bộ các cảng, trong đó có những cảng hàng không địa phương chỉ mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương chứ không mang lại lợi ích cho chính cảng hàng không đó
Nguyên tắc thực hiện đầu tư xã hội hóa đối với hạ tầng hàng không Để thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không cần thiết phải đảm bảo các nguyên tắc chủ yếu sau: Đảm bảo quyền lợi, lợi ích của Nhà nước, của người dân và doanh nghiệp; đảm bảo vai trò kiểm soát của Nhà nước tại các sân bay quan trọng đối với thị trường vận chuyển hàng không; đảm bảo vai trò kiểm soát, chi phối của thành phần kinh tế nhà nước tại các sân bay trong quá trình xã hội hóa đầu tư; không làm suy yếu các thành phần kinh tế nhà nước tại sân bay mà phát triển đồng bộ, song song giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; đảm bảo an toàn, an ninh đối với các hoạt động hàng không dân dụng; thực hiện thận trọng, cân nhắc lộ trình đầu tư phù hợp; đấu thầu công khai, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư. Ông Đinh Việt Thắng Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.