Sự dấn thân thường đi kèm với hiểm nguy, song mong muốn thường trực trong tâm trí làm nghề của chúng tôi là đưa đến cho độc giả những hình ảnh chân thật nằm sâu bên trong những "ngóc ngách" tận cùng của vấn đề, bao trùm mọi hoạt động của ngành GTVT. Đây cũng chính là nguồn động lực thôi thúc PV Tạp chí GTVT không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao nghiệp vụ nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị.
"Nhập vai" ghi nhận xe khách trá hình
Trong những ngày cuối tháng 5/2023, tôi đăng ký với Ban biên tập đề tài điều tra, phản ánh, ghi nhận đối với loại hình ô tô khách hợp đồng nhưng hoạt động đón, trả khách tuyến cố định trá hình quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình, TP. Hà Nội.
Qua ghi nhận, các nhà xe thuê văn phòng rồi mở dịch vụ nhận hàng phát chuyển nhanh. Đây không chỉ là nơi tập kết hàng mà còn là địa điểm trung chuyển, tập kết đón, trả khách như tuyến cố định. Để hoạt động được lưu thông cũng như "né" cơ quan chức năng, các nhà xe này luôn cảnh giác cao, bố trí nhân viên, thậm trí thuê đội ngũ xe ôm, người bán trà đá làm "chim lợn" để cảnh giới cơ quan chức năng cũng như "đối thủ" gây bất lợi cho mình.
Tôi đã vào vai một người dân bản địa đi tập thể dục để không bị các "chim lợn", báo cho nhà xe cảnh giới, do đó tôi đã xâm nhập thành công, "bóc" các "chiêu trò" của những nhà xe này. Từ thực tế ghi nhận, sau khu vực Bến xe Mỹ Đình dày đặc văn phòng đại diện của các nhà xe, đủ các tuyến từ Hà Nội đi các tỉnh nhận phát chuyển nhanh, cùng với đó là hàng loạt ô tô các loại "chạy dù" dừng đỗ, chờ thời gian, ngày cao điểm để "vợt" khách.
Tuy nhiên, chỉ cần có xe của lực lượng TTGT hoặc CSGT xuất hiện là các nhà xe này sẽ "án binh bất động", nhiều trường hợp bỏ xe không trên đường chờ cơ quan chức năng rút, sau đó đâu lại vào đấy, hoạt động tấp nập trở lại, đặc biệt nhiều nhà xe hoạt động như một "bến cóc" thu nhỏ.
Có mặt trên đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) - nơi có nhiều xe ô tô khách thường xuyên dừng, đỗ, đón, trả khách, tôi mới chỉ vừa vào quán trà đá, chọn chỗ ngồi để có thể quan sát ra phía ngoài thì ngay lập tức "chim lợn" của các nhà xe Hải Phòng đã chụp ảnh rồi dùng điện thoại thông báo cho các xe không đỗ, dừng ở khu vực.
Trước đó, khoảng 3h sáng vào một ngày cuối tháng 5, tôi theo chân cùng tổ công tác Đội TTGT Đường bộ (Thanh tra Sở GTVT Hà Nội) tại khu vực ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Phạm Hùng để "đón lõng" bám theo bắt ô tô khách chạy sai hành trình từ các tỉnh phía Nam về khu vực Bến xe Mỹ Đình. Tuy nhiên, chuyến "mật phục" của lực lượng chức năng dường như đã bị phát hiện nên tài xế không dừng, đỗ bất kỳ điểm nào mà chạy thẳng hướng đi cầu Thăng Long.
Qua thực tiễn công tác, tôi thấy rằng việc xử lý đối với những xe khách hợp đồng vận chuyển khách tuyến cố định trá hình cần đảm bảo bí mật, bất ngờ mới mang lại hiệu quả cao.
Mái nhà Tạp chí GTVT - nơi giúp tôi trưởng thành
Từ những ngày đầu chập chững vào nghề báo, tôi từng không biết viết gì và đi những đâu, tiếp đó là đối diện với những khó khăn lớn khi là PV thường trú tại TP. Hồ Chí Minh (địa phương năng động và phát triển bậc nhất cả nước) và các tỉnh khu vực phía Nam (địa bàn tập trung nhiều công trình giao thông trọng điểm). Cho đến nay, khi về mái nhà Tạp chí GTVT được 7 năm, tôi đã trưởng thành hơn, ngòi bút "cứng cáp hơn", đặc biệt là những trải nghiệm tại nhiều sự kiện quan trọng của Ngành, những dự án giao thông khắp mọi nẻo đường mà tôi được đặt chân đến.
Với sự đoàn kết, gắn bó, tinh thần tập thể, hướng đến phát triển thông tin chuyên sâu của ngành GTVT, lãnh đạo Tạp chí GTVT đã cùng anh em PV xây dựng môi trường làm việc khoa học, phương pháp làm báo hiện đại để tin tức đến nhanh và chính xác nhất với bạn đọc.
Từ bước đệm đó, bản thân PV cũng phải nỗ lực không ngừng. Có những ngày, lịch trình làm việc của đoàn công tác dày đặc, di chuyển liên tục nhiều tỉnh, thành, những cuộc họp xuyên trưa, những buổi kiểm tra công trường xuyên đêm... Do đó, PV luôn phải ý thức đảm bảo sức khỏe, bám được lịch trình, tác nghiệp nhanh tại hiện trường và phối hợp cùng các cơ quan đơn vị để có thông tin hay, thời sự, đặc biệt là truyền tải được không khí thi công tại công trường, những khó khăn vướng mắc tại dự án, những chia sẻ của ban QLDA, nhà thầu trong quá trình hoạt động.
Thực tế hiện nay, hầu hết các dự án giao thông đều gặp khó khăn, từ nguồn vật liệu đến mặt bằng, nguồn lực. Vì vậy, bản thân PV phải luôn bám sát từng dự án, lắng nghe, chia sẻ và "nhập vai" cùng nhà thầu và các địa phương để có cái nhìn chân thực nhất.
Sau nhiều năm cố gắng, khu vực địa bàn mà PV phụ trách đều đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó, đảm bảo nguồn thông tin chính thống, nhanh và chính xác. Thời gian tới, PV tiếp tục học hỏi, trang bị thêm nhiều kiến thức, tiếp cận và thực hiện tốt phương thức làm báo hiện đại, đa phương tiện, thông tin chuyên sâu, hấp dẫn.
Công việc là những ngày xuyên lễ, Tết
Là PV thường trú, tôi luôn đặt mình ở vị trí sẵn sàng xách ba lô lên và đi. Vào các dịp cao điểm như lễ, Tết, các sự kiện như khởi công, thông xe thì tin bài cần đảm bảo tính thời sự nên đòi hỏi PV phải cập nhật liên tục ở các "điểm nóng" giao thông như bến xe, nhà ga, sân bay... với mong muốn mang đến những thông tin, hình ảnh nhanh, chính xác và bổ ích để bạn đọc lựa chọn các tuyến đường, lộ trình di chuyển phù hợp.
Đặc thù của ngành GTVT trong những ngày kỉ niệm, lễ, Tết là thường tổ chức các sự kiện khởi công, khánh thành các dự án giao thông trọng điểm, các chương trình pháo hoa, lễ hội... nên hầu như những ngày này vợ, con mặc định là PV sẽ vắng nhà. Nghề báo là vậy, PV giao thông lại càng phải xác định rõ trách nhiệm trong công việc và rất cần sự cảm thông, chia sẻ từ gia đình, người thân.
Vượt lên mọi khó khăn vất vả, với lòng yêu nghề, tôi luôn cảm nhận được niềm vui trong từng bài viết, ở đó cho tôi thêm kiến thức, mở rộng các mối quan hệ xã hội, cập nhật những thông tin, hình ảnh, video nhanh và chính xác nhất để phục vụ bạn đọc, hoàn thành sứ mệnh của một PV trong thời đại công nghệ số.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.