Xây dựng tòa soạn văn hóa mang đặc sắc riêng Tạp chí GTVT: Tròn sứ mệnh kết nối giá trị khoa học vào cuộc sống

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Chính trị 20/06/2023 10:41

Hiện nay, cả nước có gần 800 cơ quan báo chí với hơn 1.000 ấn phẩm. Với lịch sử ra đời và phát triển từ những năm 1960 thì không phải cơ quan báo chí nào cũng có bề dày truyền thống và vị thế uy tín như Tạp chí GTVT.


Với nhiều tên gọi khác nhau cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển của Ngành và đất nước, trải qua nhiều giai đoạn, Tạp chí GTVT vẫn luôn khẳng định, giữ vững là kênh thông tin lý luận khoa học công nghệ (KHCN) của Bộ GTVT, diễn đàn của các nhà khoa học, nhà quản quản lý…, đặc biệt là "món ăn" tinh thần quan trọng với bạn đọc trong suốt 64 năm qua.

Tròn sứ mệnh kết nối giá trị khoa học vào cuộc sống - Ảnh 1.

Thư viện của các vấn đề "nóng" về KHCN GTVT

Kế thừa truyền thống của nhiều tên gọi khác nhau như Tập san Kỹ thuật giao thông xuất bản số đầu tiên tháng 01/1960, Tập san Khoa học Kỹ thuật GTVT, Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật GTVT, Tạp chí Giao thông và Bưu điện..., từ năm 1992, cái tên Tạp chí GTVT được bạn đọc mặc nhiên thừa nhận trọng trách là "Cơ quan thông tin lý luận và thực tiễn về KHCN, kinh tế, kỹ thuật và quản lý, hoạt động của Bộ GTVT". Theo đó, nội dung của Tạp chí cũng đòi hỏi phải thay đổi từng bước, thông tin được cập nhật nhanh và chính xác, hấp dẫn hơn.

Theo đó, các bài báo đăng trên Tạp chí đã tạo thành diễn đàn KHCN quan trọng của Ngành, trở thành một kênh tham khảo, thư viện tri thức... về lĩnh vực chuyên môn cho cán bộ, nhất là các cấp lãnh đạo, quản lý về chiến lược, định hướng, chính sách, giải pháp vĩ mô, vi mô trên cơ sở nền tảng KHCN GTVT. GS. TS. Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành GTVT nhận định: "Giá trị của Tạp chí GTVT nằm ở những đóng góp "hội tụ và lan tỏa" đối với sự phát triển KHCN và ý nghĩa cụ thể mà Tạp chí hướng tới. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của ngành GTVT những năm qua cho thấy, Tạp chí luôn mang hơi thở và nhịp đập của toàn Ngành, việc ứng dụng KHCN vào hoạt động và sản xuất kinh doanh có vai trò quan trọng nếu không muốn nói là có tính chất quyết định nhất...".

Không dừng lại ở "phản ánh", nhiều công trình đăng tải trên Tạp chí thật sự có hàm lượng khoa học cao, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, nhà khoa học, đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật và độc giả. Nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Ngành sau khi được triển khai thành công có ý nghĩa thực tiễn lớn đều được tổng kết đánh giá và giới thiệu trên Tạp chí GTVT.

PGS. TS. Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam chia sẻ: "Những năm qua, lãnh đạo Bộ GTVT đã nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về KHCN trong phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo ATGT... đối với hiệu quả hoạt động của ngành GTVT. Là cơ quan báo chí của Bộ, Tạp chí GTVT đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, từ đó đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt, khẳng định uy tính của một tờ tạp chí khoa học hàng đầu ngành GTVT".

Công cụ đo lường sự tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ ngành GTVT

Xác định đúng tôn chỉ mục đích là lấy KHCN làm trọng tâm, điểm tựa, kim chỉ nam xuyên suốt quá trình hoạt động, Tạp chí luôn tập trung đổi mới, đa dạng hóa phương thức truyền tải bằng cách tiếp cận từ nhiều khía cạnh, phân tích làm sáng tỏ vấn đề khoa học, thể hiện phong phú đề tài, đa chiều về nội dung thông tin. Một trong những giá trị quan trọng của Tạp chí GTVT chính là cầu nối giữa lý luận với thực tiễn, thực tiễn với lý luận, nơi lưu giữ và truyền tải lượng thông tin KHCN cấp thiết và thời sự nhất, nơi trải nghiệm và khẳng định năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ khoa học, nhà quản lý; là địa chỉ tin cậy để các tác giả trao gửi những "đứa con" tinh thần, những tâm huyết và trách nhiệm đối với sự phát triển của ngành GTVT.

Ngược dòng thời gian trở lại năm 2012, hiện tượng cháy xe máy xảy ra hàng loạt ở các địa phương trong cả nước. Trước vấn đề này, đội ngũ các nhà khoa học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an)... đã tập trung nghiên cứu đi sâu tìm hiểu từ nhiên liệu (xăng) đến mổ xẻ động cơ dưới các góc độ khác nhau để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này. Qua một thời gian nghiên cứu, 15 bài báo khoa học đã được đăng tải trên Tạp chí GTVT. Sau khi các bài báo được giới thiệu, nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức, các dẫn chứng khoa học từ các bài báo được làm sáng tỏ, qua đó chỉ ra nguyên nhân của việc cháy xe hàng loạt là do xăng không đảm bảo chất lượng gây ra.

Chắc chúng ta vẫn chưa quên khoảng thời gian tháng 6/2013, trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đăng tải về hiện tượng vệt lún hằn bánh xe trên các tuyến đường từ quốc lộ đến cao tốc, dù mới được đưa vào khai thác 1, 2 năm cho đến các tuyến được khai thác 5, 7 năm. Trước vấn đề "nóng" đó, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã ra nghị quyết, đồng thời lãnh đạo Bộ GTVT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trực tiếp xuống các tuyến đường, các dự án... để tìm cách khắc phục hiện tượng vệt lún hằn bánh xe. Dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, đội ngũ nhà khoa học Trường Đại học GTVT, Viện KH&CN GTVT, CIENCO 1, CIENCO 4... đã tập trung nghiên cứu nguyên nhân của hiện tượng trên. Kết quả, hàng loạt bài báo khoa học đã được đăng tải trên Tạp chí dưới các góc nhìn khác nhau như: Vật liệu đưa vào các dự án, vật liệu của các vùng miền; quá trình thi công từ cốt nền, móng đường, lu lèn K95, K98, thảm lớp mặt bê tông nhựa; quá trình vận hành các trạm trộn; quá trình thảm mặt đường trong các điều kiện thời tiết khác nhau; những phân tích về nhựa đường được sử dụng trong các dự án khác nhau... Sau hàng loạt bài báo được đăng tải trên Tạp chí, rất nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được xem xét sửa đổi cho phù hợp; công tác giám sát thi công, nghiệm thu được chấn chỉnh, chất lượng vật liệu đưa vào dự án được kiểm soát kỹ hơn... Từ đó, chất lượng công trình đã được cải thiện đáng kể, hiện tượng vệt lún hằn bánh xe cơ bản được khắc phục.

Thời gian qua, Ban biên tập Tạp chí GTVT đã chỉ đạo các phóng viên bám sát vào các lĩnh vực của Ngành để xây dựng các tuyến bài chuyên sâu, giải quyết tận cùng của vấn đề. Do đó, nhiều tuyến bài như: Huy động nguồn vốn bằng mô hình đối tác công tư, những bất cập về đơn giá định mức, dùng cát biển làm đường cao tốc... Đặc biệt năm 2021 - 2022, Tạp chí tổ chức cuộc thi "Ứng dụng KHCN, ý tưởng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT" với mục đích hiến kế các ý tưởng, sáng kiến, ứng dụng các thành tựu KHCN, giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, góp phần đẩy lùi tai nạn và UTGT. Những tác phẩm, công trình nghiên cứu khoa học với nhiều giải pháp thuyết phục, có tính ứng dụng cao được đăng tải trên Tạp chí là cơ sở để phổ biến, triển khai hiệu quả trong thực tiễn gây được tiếng vang, thu hút sự quan tâm của độc giả, là tài liệu quý đối với cơ quan quản lý nhà nước, góp phần vào sự phát triển ngành GTVT nói riêng và đất nước nói chung.

Có thể nói, ngành GTVT tự hào đã tạo dựng được một tạp chí KHCN chuyên ngành có diện mạo "tầm cỡ". Song để phát huy giá trị đạt được trong thời gian qua, theo GS. TS. Nguyễn Xuân Khang thì Tạp chí cần cập nhật kiến thức KHCN GTVT mới trên thế giới để truyền tải tới bạn đọc, đồng thời tạo điều kiện và khuyến khích công bố các nghiên cứu mới, xuất bản bài báo chất lượng mang tính chuyên sâu.

Ngoài ra, Tạp chí cần tạo môi trường và không gian để các chuyên gia, nhà nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm, bài viết chuyên ngành, xây dựng cộng đồng khoa học nhiệt huyết, trách nhiệm và năng lực, phục vụ cho sự phát triển KHCN của Ngành.

Trong thời đại công nghệ thông tin, Tạp chí xác định hội nhập và số hóa là những mục tiêu và hướng đi chiến lược bên cạnh việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hàm lượng khoa học công nghệ trong mỗi bài báo, công trình khoa học. Giai đoạn tiếp theo, Tạp chí GTVT tiếp tục xây dựng kế hoạch để hội nhập quốc tế, đưa Tạp chí từng bước tiến lên đạt các tiêu chuẩn ACI và cao hơn nữa.