Quy định mới không phải đeo mào mà dán tem lên kính xe là phù hợp với tâm tư của tài xế và người tiêu dùng. |
Kể từ ngày 1/4/2020 xe công nghệ không còn phải hoạt động dưới dạng thí điểm mà chính thức được công nhận và hoạt động theo quy chuẩn mới được quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 86/2014) tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ được xác định là taxi. Những xe này có quyền lựa chọn gắn "mào" taxi trên nóc xe hoặc phải dán chữ "XE TAXI" bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe.
Trường hợp xe dưới 9 chỗ đang thí điểm là xe hợp đồng, kể từ 1/4/2020 nếu tiếp tục hoạt động là xe hợp đồng phải cấp lại phù hiệu và dán lên kính xe, việc này sẽ phải thực hiện xong trước ngày 1/7/2020. Trường hợp có nhu cầu chuyển sang xe taxi, phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Chạy xe công nghệ từ những ngày đầu xuất hiện tại Việt Nam, anh Huỳnh Xuân Bình (33 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ: “Khi Nghị định có hiệu lực thì hoạt động xe công nghệ được quy chuẩn hơn, chỉ cần thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng là hoạt động bình thường, vẫn kết nối với khách qua ứng dụng công nghệ. Việc mở rộng địa bàn hoạt động là rất phù hợp với thực tiễn bởi nếu mình chở khách từ TP.HCM đi Vũng Tàu sẽ có nhiều khách đặt xe chiều về thay vì trước đây phải đi chiều xe rỗng. Ngoài ra quy định dán tem lên kính xe cũng không ảnh hưởng đến khách hàng, thậm chí còn giúp họ dễ nhận biết xe công nghệ hơn”.
Từ khi có mặt tại Việt Nam, dịch vụ xe công nghệ đã giúp cho những người tham gia giao thông có thêm sự lựa chọn và mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Nghị định 10 có hiệu lực đã quy định cụ thể để định danh cho loại hình xe công nghệ là cần thiết và tất yếu theo xu hướng của xã hội tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng xe công nghệ sẽ rộng đường phát triển nhờ Nghị định 10. |
Chuyên gia kinh tế, Đinh Thế Hiển phân tích: “Tiệc ích của xe công nghệ rất quan trọng bởi nó chạy được cả 2 chiều nên cước phí đi xe thấp như vậy người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Việc xe công nghệ được mở rộng phạm vi hoạt động trước tiên các địa phương được hưởng lợi vì góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại của người dân được thuận tiện hơn. Không phải địa phương nào cũng phát triển được loại hình taxi, trong khi lượng xe và nguồn lao động nhãn rỗi thì địa phương nào cũng có chỉ cần các hãng xe công nghệ kết nối phần mềm là đưa vào hoạt động được ngay”.
Nhìn nhận trên phương diện thực tế điều hành và quản lý ông Phạm Đăng Vỹ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Thương mại và Dịch vụ Nguyên Vỹ bày tỏ quan điểm: Nghị định 10 có những quy định cụ thể, minh bạch và mang tính cạnh tranh lành mạnh theo xu hướng tất yếu, mang lại tiện ích cho cả tài xế và người tiêu dùng. Vừa qua sau khi nghe thông tin dừng thí điểm xe công nghệ nhiều tài xế cũng rất lo lắng. Tuy nhiên sau khi có Nghị Định 10 của Chính phủ ra đời là một bước ngoặc rất lớn cho nền tảng xe công nghệ nói riêng và loại hình vận tải nói chúng giúp các anh, em tài xế yên tâm làm việc”.
Grab Việt Nam cho biết, quy định mới không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab trên thị trường. Trên tinh thần của Quyết định 146 và Nghị định 10, Grab cam kết tuân thủ pháp luật, đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế và hướng đến sự phát triển của cộng đồng.
Việc triển khai quản lý mô hình xe công nghệ theo Nghị định 10 cho thấy cơ chế của Nhà nước đã sâu sát hơn với nhu cầu thực tế của người dân, đúng theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo về sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.