Ảnh minh hoạ |
Tại Singapore, mặc dù các cơ quan chức năng chưa có quy định về việc bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy trên ô tô cá nhân, song đều đưa ra khuyến cáo người dân nên trang bị bình chữa cháy trên ô tô.
Thời gian vừa qua, tại Singapore cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy xe khi đang vận hành trên đường. Thống kê của Lực lượng phòng vệ dân sự Singapore (SCDF) cho thấy trong nửa đầu năm 2015 đã có 93 trường hợp ô tô bị bốc cháy trên đường, tuy có giảm so với con số 114 vụ của cùng kỳ năm ngoái, song đây cũng là một thực trạng cần lưu ý.
Nhiều chuyên gia cho hay, bên cạnh việc xe bị hao mòn và bảo dưỡng kém, thì nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ cháy ô tô bắt nguồn từ việc động cơ ở trong tình trạng quá nóng hay hệ thống điện trên xe bị quá tải, đặc biệt là do thời tiết nắng nóng...
Mặt khác, quá trình tiếp xúc của vật liệu với thời tiết, nhiệt kéo dài, chuyển động cơ khí lặp đi lặp lại và các hoạt động khác có thể dẫn đến sự rạn nứt của lớp bảo vệ như vỏ dây cáp điện và đường dây dẫn dầu... cũng dễ gây ra cháy nổ.
Ông Bernard Tay - Chủ tịch Hiệp hội ô tô Singapore (AA), cũng nhấn mạnh rằng việc nhiều chủ xe lắp đặt thêm các thiết bị vào xe của họ, bao gồm cả hệ thống giải trí, sửa đổi trái phép để nâng cao công suất động cơ, chẳng hạn như làm thay đổi các ống nhiên liệu hay hệ thống chiếu sáng... cũng gây ra nguy hiểm và nguy cơ thậm chí còn cao hơn khi những thiết bị này không được trang bị đúng cách, tiêu chuẩn chất lượng không đảm bảo.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều người dân Singapore cũng cho biết họ thấy việc trang bị bình chữa cháy trên ô tô là điều hết sức cần thiết.
Hiện có 14 quốc gia châu Âu quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô: LB Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Hy Lạp, Bỉ, Ba Lan, Bulgaria, Belarus, Estonia, Latvia, Romania, Macedonia, Lithuania.
Theo quy định tại Bỉ, việc trang bị bình chữa cháy trên xe chỉ hợp pháp khi được đặt trong tầm với của tài xế tính từ ghế lái. Khi xe bị hỏng trên đường cao tốc, người lái xe phải mặc một chiếc áo khoác phản quang để gây sự chú ý.
Một quốc gia châu Âu khác cũng yêu cầu trang bị bình chữa cháy trong ô tô là Hy Lạp. Tuy nhiên, cảnh sát chỉ kiểm tra ngẫu nhiên các phương tiện và không thường xuyên. Tình huống buộc tài xế sử dụng bình chữa cháy hiếm khi xảy ra nhưng không phải không có.
Luật pháp Hy Lạp không quy định vị trí cụ thể đặt bình chữa cháy nên hầu hết người lái xe để trong cốp thay vì dưới ghế lái hoặc các vị trí xung quanh.
Tại Mexico, các phương tiện giao thông công cộng bị buộc phải trang bị bình cứu hỏa. Mexico yêu cầu mọi loại xe phải trang bị bình này nhưng nguồn lực giám sát ở một số bang quá thiếu khiến việc thực thi không toàn diện. Ngoài ra, các bình chữa cháy thường quá hạn sử dụng trong mỗi lần kiểm tra vì ít được dùng tới. Trong khi đó, người dân nước này nói rằng khá khó để dập tắt một đám cháy ô tô với loại bình chữa cháy nhỏ trang bị trên xe hơi.
Ở châu Á có Ấn Độ đang đề xuất bắt buộc trang bị bình chữa cháy cho tất cả các loại phương tiện giao thông. Các nước khác như Nam Phi và một số nước châu Phi cũng quy định trang bị bình chữa cháy trên xe buýt và mini buýt.
Theo trang Herald, tại Zimbabwe, lái xe có thể bị phạt tiền hoặc ngồi tù nếu ô tô không có bánh xe dự phòng, gương chiếu hậu và bình chữa cháy. Quy định này mới được chính phủ ban hành vào tháng 12/2015 nhằm giảm thiểu tai nạn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.