Dự án KĐT Đa Phước Đà Nẵng:Bị "nhắc nhở" vì chậm nộp tiền thuế đất

Tác giả: Dương Hằng Nga

saosaosaosaosao
Ý kiến 10/05/2017 17:59

Kỳ 7 - Những câu hỏi "nghi vấn" chưa có lời giải xung quanh việc các cơ quan chức năng địa phương "lên tiếng" về dự án Khu đô thị lấn biển Đà Nẵng

unnamed
Sàn giao dịch bất động sản, căn hộ mẫu của The Sunrise Bay

Ngày 16/2/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng nhận hồ sơ đề nghị cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án Khu đô thị Quốc tế Đa Phước - TP Đà Nẵng (giai đoạn 1) của Công ty TNHH The Sunrise Bay do ông Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975) làm Chủ tịch Hội đồng thành viên (tên doanh nghiệp cũ: Công ty TNHH Daewon Cantavil). Thời gian thực hiện 50 năm kể từ ngày 25/9/2007; tiến độ thực hiện dự án dự kiến hoàn thành công tác xây dựng trong vòng 10 năm kể từ ngày tiếp nhận địa điểm thực hiện dự án.

Ngày 22/11/2016, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 8054/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của cả dự án: điều chỉnh từ nhà cao tầng (chung cư cao tầng, thương mại và dân cư) thành nhà thấp tầng (chủ yếu là nhà phố và biệt thự) nhằm thay đổi mục tiêu và quy mô của dự án. Căn cứ Điều 34 Luật Đầu tư năm 2014 quy định "Trường hợp điều chỉnh mục tiêu, địa điểm đầu tư, công nghệ chính; tăng hoặc giảm vốn đầu tư trên 10% tổng vốn đầu tư làm thay đổi mục tiêu, quy mô và công suất của dự án đầu tư thì UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư". Do đó, dự án KĐT Quốc tế Đa Phước phải có chủ trương đầu tư theo quy định trước khi thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Theo Công văn số 490/SKHĐT-ĐN ngày 8/3/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP trình UBND TP Đà Nẵng, tổng diện tích thực hiện dự án 1.759.995 m2 (trong đó diện tích mặt nước là 62.291 m2), diện tích mặt bằng để xây dựng các cụm nhà ở gồm: nhà ở thương mại, nhà phố và các biệt thự (của giai đoạn 1) là 600.000 m2 (hiện trạng đã có đất) nhưng đánh giá tác động môi trường: Chưa có. Vậy, tại sao dự án vẫn được thực thi?

IMG_1172
"Quảng cáo" rầm rộ nhà phân phối dự án Nova Land-  Nova 79 (Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79) The Sunrise Bay trên đường Nguyễn Tất Thành- Đà Nẵng

Tại công văn số  1428/SXD-QLQH ngày 23/2/2017 Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho hay, dự án mới chỉ được cấp phép xây dựng hạng mục Hạ tầng kỹ thuật Phân kỳ 1 (giấy phép xây dựng số 804/GPXD-HT ngày 23/1/2017 của Sở Xây dựng). Nên trong các bước xây dựng cơ bản tiếp theo, chủ đầu tư phải có trách nhiệm triển khai xây dựng theo đúng Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết được duyệt và Giấy phép xây dựng Hạ tầng kỹ thuật được cấp.

Hiện nay dự án đang thực hiện thủ tục trình phê duyệt "Thiết kế đô thị và Quy định quản lý kiến trúc, xây dựng công trình giai đoạn 1" (Tờ trình số 1339/SXD-TTr ngày 21/2/2017 của Sở Xây dựng trình UBND TP phê duyệt).Vì vậy, Sở Xây dựng Thành phố chưa có ý kiến đối với thông tin về số lượng, tổng diện tích sàn của từng loại hình phát triển nhà ở theo thuyết minh dự án đầu tư. Đây là dự án đầu tư xây dựng nhà ở (theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Nhà ở) nên ngoài các nội dung đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư còn cần xem xét quy định tại khoản 2, điều 10, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP NGÀY 20/10/2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật Nhà ở (Trong đó, lưu ý phương án quản lý hoặc bàn giao cho địa phương các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án sau khi việc hoàn thành việc đầu tư xây dựng). Như vậy, tại sao dự án vẫn được rầm rộ ngang nhiên giao dịch mua bán nhà ở với khách hàng và rao  "bán thốc bán tháo", bán có khuyến mãi lớn cho khách hàng trên các trang truyền thông mạng? Phải chăng chủ đầu tư xem nhẹ mỗi ngôi nhà biệt thự, mỗi căn nhà phố liền kề chỉ như là bán... mớ rau?

Ngoài ra, đối với các công trình hạ tầng xã hội của dự án, căn cứ Điều 35, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 12/1/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định: "(1). Chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội, theo tiến độ phù hợp với các công trình nhà ở, đảm bảo chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân đến ở. (2). Trường hợp chính quyền địa phương trực tiếp đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thì đơn vị được Nhà nước giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình phải thực hiện đầu tư xây dựng các công trình này theo đúng tiến độ của dự án đã được phê duyệt và đảm bảo sự thống nhất trong tổng thể dự án như là chủ đầu tư thứ cấp. (3). Trường hợp chính quyền địa phương không thể bố trí vốn ngân sách để xây dựng các công trình này theo đúng kế hoạch ban đầu của dự án thì chủ đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình này theo hình thức phù hợp (như BT, BOT...)". Hiểu theo quy định tại Điều 35 trên thì việc đầu tư các công trình hạ tầng xã hội có thể là do chủ đầu tư hoặc do UBND TP thực hiện. Vì vậy, đối với dự án này, Sở Xây dựng Tp Đà Nẵng đề nghị ngay trong bước quyết định chủ trương đầu tư, cần làm rõ nghĩa vụ giữa chủ đầu tư và UBND TP đối với việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội.

Tại Công văn số 364/STC-ĐT ngày 23/3/2017, Sở Tài chính Đà Nẵng cho rằng, theo hồ sơ, tổng vốn đầu tư là 4.465.808.000.000 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn chủ sở hữu là 672.871.000.000 đồng, còn lại là nguồn vốn vay, huy động ngoài 3.792.937.000.000 đồng.Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án, đề nghị nhà đầu tư cung cấp văn bản của tổ chức tín dụng cam kết cho vay để thực hiện dự án. Và cũng đề nghị nhà đầu tư cung cấp đầy đủ các nội dung theo quy định tại Khoản 1, Điều 33 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư (hồ sơ đơn vị cung cấp báo cáo tài chính năm 2014 và năm 2015), bảo lãnh năng lực tài chính của Nhà đầu tư.

Ngày 25/2/2017, bằng Công văn số 555/CT-THNVDT, Cục Thuế Đà Nẵng cho biết, căn cứ Điều 15, Điều 16 Nghị định 218/2013NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Danh mục địa bàn ưu đãi kèm theo; căn cứ Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế thì dự án Khu đô thị Đa Phước không nằm trong lĩnh vực và Danh mục địa bàn ưu đãi nên không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi, miễn, giảm thuế Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cục Hải quan thành phố ngày 20/2/2017 cũng đã có Công văn số 291/HQĐNg-KTSTQ gửi các ban ngành chức năng Đà Nẵng nhận định, căn cứ Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014; Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu thì dự án Khu đô thị Đa Phước không thuộc đối tượng ưu đãi về thuế nhập khẩu theo quy định.

IMG_1126
"Cổng chào, bảng hiệu" Khu đô thị quốc tế Đa Phước Đà Nẵng

Việc ký kết Thoả thuận nguyên tắc giữa UBND TP Đà Nẵng với Nhà đầu tư Khu đô thị Đa Phước ngay từ "buổi ban đầu" đã nêu rõ tại điểm 3.1.1 Khoản 3.1 Điều 3 ghi rõ: Tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai trong thời gian 50 năm là 10 triệu đô la Mỹ. Việc thanh toán tiền chuyển quyền sử dụng đất và thuê đất, thuê mặt nước cho bên A (UBND TP Đà Nẵng) là việc thanh toán trọn gói cho toàn bộ dự án. Tiến độ thanh toán tiền gồm 2 đợt: đợt 1 là 5.000.000 USD (tiền đặt cọc) và đợt 2 là 5.000.000 USD còn lại được trả trong vòng 15 ngày sau khi bên B (chủ đầu tư) ký hợp đồng thuê đất và địa điểm dự án được bàn giao chính thức. Nhưng cho đến ngày 23/9/2016, UBND TP Đà Nẵng đã có Báo cáo số 168/BC-UBND gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường rằng, chủ đầu tư đã nộp 5.000.000 USD vào ngân sách thành phố, số tiền còn lại 5.000.000USD đến nay đơn vị vẫn chưa nộp. UBND TP Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư phải nộp số tiền 5.000.000 USD (còn lại) theo Thoả thuận nguyên tắc đã ký trước đây và phải nộp thêm tiền chậm nộp theo quy định.

Ngày 14/11/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 5271/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND TP Đà Nẵng nhất trí với kết luận của UBND TP Đà Nẵng: chủ đầu tư Khu đô thị Đa Phước (Công ty TNHH The Sunrise Bay) phải tiếp tục nộp số tiền còn lại đã được UBND TP Đà Nẵng quyết định theo thẩm quyền và phải nộp thêm tiền chậm nộp theo mức quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành theo quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 31 của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền thuê đất và mặt nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ rõ: Trường hợp quy hoạch xây dựng chi tiết dự án có thay đổi so với quy hoạch dẫn đến thay đổi hệ số sử dụng đất thì phải xác định số tiền chênh lệch theo quy định tại Khoản 5, Khoản 7 Điều 5 của Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Vậy, dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước của "ông chủ" Phan Văn Anh Vũ khi nhận "tiếp quản" từ Công ty TNHH Daewon Catavil để đổi tên thành The Sunrise Bay đã thực hiện nghĩa vụ của mình đến đâu đối với chính quyền TP Đà Nẵng với những khoản tiền phải nộp nêu trên? Khi chưa thực hiện hết trách nhiệm của một nhà đầu tư thì việc "đổi chủ thay tên" có đúng với quy định pháp luật? Đó là chưa kể đến, chỉ trong 1 thời gian ngắn từ khi "đổi tên" thành The Sunrise Bay, theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH The Sunrise Bay là ông Phan văn Anh Vũ, nhưng người ký các văn bản đề nghị thực hiện dự án lại là ông Dương Trường Sơn (ghi chức danh Tổng giám đốc) và liên tục thay đổi chức danh Tổng giám đốc, đến nỗi khiến cho các cơ quan chức năng phải lên tiếng đề nghị The Sunrise Bay rà soát bổ sung các giấy tờ liên quan về uỷ quyền cho phù hợp. Vì sao lại có sự "mập mờ" này? Mời quý độc giả tiếp tục đón đọc kỳ sau.

Ý kiến của bạn

Bình luận