Đường bộ tăng kết nối, đảm bảo liên kết hiệu quả các ngành kinh tế

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao

Ngành Đường bộ đang chiếm thị phần vận tải lớn nhất trong các phương thức vận tải bởi những ưu thế có được. Xây dựng quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050 với mục tiêu kết nối và phát triển hài hòa các phương thức vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh là mục tiêu cơ bản của quy hoạch ngàng Đường bộ.

 

Cao toc TP HCM - Trung luong
Cao tốc TP. Hồ Chí MInh - Trung Lương

Phát triển các trục giao thông và liên kết vùng

Có thể nói, giai đoạn 2011 - 2020, nhiều công trình được đưa vào khai thác và phát huy hiệu quả như: mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đưa vào khai thác 1.163 km đường bộ cao tốc... Tuy nhiên, đến hết năm 2020, hệ thống quốc lộ vẫn còn 11,04% có quy mô 1 làn xe chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, một số đầu mối giao thông quan trọng, đặc biệt là cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội thường xuyên xảy ra tắc nghẽn. Hệ thống đường ven biển xây dựng được 1.259 km, đạt 59% chiều dài quy hoạch. Hệ thống đường cao tốc mới chỉ đạt 59% mục tiêu quy hoạch, chưa thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến có nhu cầu vận tải cao chưa xây dựng được như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là cơ sở để xây dựng quy hoạch đường bộ phát triển trong tương lai.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, dựa trên định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Tổng cục ĐBVN đã xây dựng mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030. Dự báo về vận tải hàng hóa sẽ đạt 2,764 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 62,81%; hành khách đạt 9.430 triệu khách, chiếm thị phần 90,16%. Khối lượng luân chuyển hàng hóa nội địa đạt 163 tỷ tấn.km, chiếm thị phần khoảng 30,5%; hành khách nội địa đạt 297 tỷ khách.km, chiếm thị phần 73,7%.

Mạng lưới đường bộ quốc gia và mạng lưới đường bộ các địa phương là một chỉnh thể thống nhất, trên cơ sở đó hình thành hành lang trục dọc quốc gia Bắc - Nam. Khu vực phía Bắc địa hình dạng nan quạt với trung tâm là Thủ đô Hà Nội, hình thành các hành lang hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội; quy hoạch hành lang Đông - Tây để kết nối dạng nan quạt khu vực miền núi phía Tây ra các cảng biển khu vực phía Đông. Khu vực miền Trung do địa hình hẹp, lợi thế của các cảng biển, hình thành các trục Đông - Tây kết nối khu vực phía Tây với các cảng biển khu vực phía Đông và liên kết đối ngoại với các nước Lào - Campuchia. Khu vực phía Nam địa hình trải rộng quy hoạch thành các hành lang dạng lưới theo trục Đông - Tây và Bắc - Nam.

Tại các trung tâm đô thị đặc biệt như Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, để phân bổ lưu lượng, hạn chế giao thông đối ngoại đi về đô thị, phát triển đô thị vệ tinh, quy hoạch đã hình thành các tuyến vành đai và các trục hướng tâm kết nối vành đai với trung tâm thành phố.

Bên cạnh đó, hệ thống đường bộ cao tốc sẽ là trục chính trong mạng lưới đường bộ quốc gia trên các hành lang vận tải đường bộ có lưu lượng vận tải lớn; kết nối các cảng biển đặc biệt, sân bay quốc tế, cửa khẩu quốc tế chính, các trung tâm kinh tế chính trị có xét đến cân đối thị phần vận tải để phát huy lợi thế của các phương thức vận tải trên hành lang. Mạng lưới đường bộ cao tốc được hình thành theo các trục Bắc - Nam, Đông - Tây, vành đai đô thị đặc biệt với tổng chiều dài mạng lưới quy hoạch khoảng 9.014 km. Trong đó, trục dọc Bắc - Nam gồm 2 trục cao tốc (cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đến TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.096 km, quy mô từ 6 đến 10 làn xe; trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đến Rạch Sỏi, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, chiều dài khoảng 1.205 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe).

Khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe. Các tuyến hướng tâm Thủ đô Hà Nội kết nối với Vành đai 3 - TP. Hà Nội. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô cao tốc từ 4 - 6 làn xe. Khu vực miền Nam gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.259 km, quy mô cao tốc từ 4 - 10 làn xe. Các tuyến hướng tâm vào TP. Hồ Chí Minh kết nối với đường Vành đai 3.

Đối với Vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh: Tuyến đường bộ ven biển đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài khoảng 3.039 km, quy mô tối thiểu đường cấp III, IV. Các đoạn đi chung quốc lộ theo quy mô quốc lộ; các đoạn đi qua khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch và các khu vực có quy hoạch riêng, quy mô theo các quy hoạch này.

Định hướng đến năm 2050 sẽ hoàn thiện mạng lưới đường bộ trong cả nước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, bảo đảm thuận tiện, an toàn, chi phí hợp lý.

anh thay bai duong bo
Đường La Sơn - Túy Loan

Liên kết vùng và liên ngành

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, các hành lang vận tải đường bộ được hoạch định bảo đảm kết nối nội vùng, liên vùng, kết nối các phương thức vận tải được tính toán, xây dựng trên nguyên tắc: vận tải đường bộ có tính linh hoạt cao, chiếm ưu thế trong vận chuyển cự ly ngắn, vì vậy là phương thức chủ động trong việc kết nối tới các phương thức vận tải khác. Đường thủy nội địa, đường sắt đóng vai trò hỗ trợ đường bộ trong việc thu gom và giải tỏa hàng hóa tại các đầu mối vận tải. Cảng biển và cảng hàng không có những yêu cầu đặc biệt về vị trí, quy mô nên sẽ là phương thức thụ động trong kết nối, được ưu tiên xác định vị trí và yêu cầu đối với các phương thức còn lại phải chủ động kết nối.

Với nguyên tắc và kết quả quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 đã hình thành hệ thống quốc lộ, cao tốc phân bổ tương đối đồng đều trên phạm vi lãnh thổ, tổ chức thành các trục dọc, trục ngang, đường hướng tâm, vành đai phù hợp với điều kiện tự nhiên, tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội kết nối các địa phương, các trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, khu kinh tế, cảng biển, cửa khẩu biên giới... tạo nên các trục giao thông (30 hành lang) và kết hợp với hệ thống đường địa phương tạo thành mạng lưới đường bộ liên hoàn. Tất cả các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không đều có tuyến cao tốc, quốc lộ kết nối thuận lợi để vận chuyển hàng hóa, hành khách tại các đầu mối vận tải này. Hệ thống đường bộ đối ngoại (thuộc nhóm đường ASEAN, AH) được quy hoạch với quy mô tối thiểu đáp ứng tiêu chuẩn chung cấp đường ASEAN.

“Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng và sẽ phải thực hiện đủ, hiệu quả các cam kết quốc tế. Tổng cục ĐBVN xây dựng quy hoạch ngành Đường bộ giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn 2050 dựa trên quy hoạch ngành GTVT, các địa phương để thực hiện, đảm bảo tính kết nối vùng, liên vùng, kết nối khu vực, quốc tế theo đúng tinh thần “đi trước mở đường” tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, vùng, liên vùng”, ông Cường nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận