Giao thông Hà Nội: Bài toán khó giải |
Lộ trình bất cập
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Hà Huy Quang - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn TP. Hà Nội” được UBND Thành phố giao cho Sở GTVT phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT của Bộ GTVT thực hiện. Thành phố cũng đang muốn gắn đề án hạn chế phương tiện cá nhân với việc xây dựng hệ thống giao thông đô thị thông minh cho Hà Nội. Cùng với đó sẽ xem xét việc hạn chế xe máy với toàn bộ xe chứ không riêng gì xe mang biển ngoại tỉnh. Theo đó, lộ trình cấm xe máy sẽ thực hiện 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2020): Hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần, lễ, Tết. Năm 2021, dừng hoạt động đối với xe máy vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 - 19h hằng ngày; hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. Giai đoạn 2 (từ năm 2023): Dừng hoạt động đối với xe máy trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3 (đến năm 2025): Cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3.
Với ô tô cá nhân sẽ hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Khi triển khai đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại khu vực nội đô sẽ lựa chọn các tuyến có đầy đủ hạ tầng từ trông giữ phương tiện đến việc vận hành hiệu quả các phương tiện vận tải khách công cộng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Quang thì đây mới chỉ là dự thảo Đề án, khi các tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu mới tiến hành cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân và để triển khai đề án này thì cần phải thuê tư vấn của nước ngoài có kinh nghiệm để nghiên cứu, lên các phương án để xin ý kiến các nhà chuyên môn, các nhà khoa học.
Nhìn nhận khách quan, từ năm 2004 đến nay, rất nhiều lần Thủ đô Hà Nội từng thí điểm cấm xe máy và hạn chế phương tiện cá nhân để giảm UTGT, tuy nhiên đều chưa thành công và tính khả thi vẫn còn là một ẩn số khi vấn đề mới chỉ dựa trên ý kiến của một số chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, chứ chưa dựa trên lợi ích của người dân. Năm 2008, khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào TP. Hà Nội với mục tiêu mở rộng thủ đô, giảm mật độ dân số tại các khu vực nội thành nhưng thực tế từ đó đến nay, nội đô ngày càng bị “chất thêm tải”. Hà Nội đã thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt đối với lĩnh vực quản lý và quy hoạch đô thị, làm tăng áp lực quá lớn lên hệ thống giao thông, gia tăng ùn tắc.
Đánh giá về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho hay, không nên cấm xe máy như Đề án đưa ra, lộ trình như thế cũng rất bất cập. Chúng ta cứ phát triển phương tiện giao thông công cộng trước, người dân sẽ tự điều chỉnh thói quen đi lại khi tham gia giao thông nếu phương tiên giao thông công cộng thuận tiện. Hạn chế phương tiện ngoại tỉnh là biện pháp sai lầm, không khả thi, sẽ gây cảm giác cục bộ địa phương.
“Người ngoại tỉnh hàng ngày vào thành phố làm việc, góp phần xây dựng thành phố, vì vậy cấm xe của họ là không đúng. Có ai chắc rằng xe tỉnh bớt thì xe Hà Nội cũng giảm theo hay lại đột biến tăng lên do đứng tên hộ, cho thuê cho mượn? Có ai tin xe máy biển ngoài Thủ đô gây tắc đường nhiều hơn ô tô, xe buýt và xe hai bánh ở Hà Nội? Hãy cho dư luận những con số chứng minh, những phương tiện thay thế và những lý do thuyết phục để thấy rõ thủ phạm ùn tắc, để biết chẳng cần xe máy vẫn lưu thông dễ dàng và để hiểu Hà Nội không phân biệt vùng miền, trân trọng đóng góp của lao động nhập cư”, TS. Nguyễn Xuân Thủy phân trần.
Chưa thực tế với nhu cầu của người dân
Mặc dù chỉ mới là dự thảo đang được xây dựng và hoàn thiện, nhưng ngay sau khi công bố, dự thảo đã vấp phải nhiều ý kiến phản hồi từ người dân. Nhiều người cho rằng ô tô mới là phương tiện gây ùn tắc chính trên các cung đường ở Hà Nội hiện nay. Nhiều chuyên gia đặt ra vấn đề khi cấm xe máy, những người dân có thu nhập thấp và trung bình sẽ phải chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, trong khi các phương tiện công cộng này còn chưa phát huy tác dụng, người dân còn chưa “mặn mà”. Xe buýt là một trong những phương tiện giao thông công cộng góp phần giảm ùn tắc của Thủ đô, tuy nhiên văn minh xe buýt còn nhiều hạn chế, thêm vào đó là các vụ việc móc túi, quấy rối tình dục đã làm cho nhiều người “sợ” đi xe buýt.
Nếu muốn giảm các phương tiện cá nhân, nhất là xe máy thì Hà Nội sẽ phải đầu tư mạnh vào phát triển các phương tiện công cộng, đáp ứng nhu cầu di chuyển đến nơi làm việc, đến trường, đến khu vui chơi, giải trí, mua sắm cho người dân. Nhưng sẽ phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này. Vấn đề người dân sẽ đi làm, đi học bằng gì thì vẫn chưa có lời giải. Cấm xe máy, người dân cũng có thể mua ô tô để đi lại, nếu điều đó xảy ra dĩ nhiên tình trạng ùn tắc không những không giảm đi mà còn tăng lên trong bối cảnh tình trạng giao thông còn quá nhiều bất cập như hiện nay. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, quy hoạch đô thị của Thủ đô còn chưa hợp lý, tồn tại nhiều bất cập. Do đó, Hà Nội với bài toán cấm xe máy theo lộ trình từ nay đến năm 2025 liệu có phải là một thử thách?
Theo TS. Đinh Thị Thanh Bình - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT) thì việc cấm xe máy ngoại tỉnh phải dựa vào thực tiễn và nhu cầu của người dân. Chúng ta cần tính đến cả những trường hợp nhiều người ở địa phương khác đang làm việc, mưu sinh tại Hà Nội nhưng không có hộ khẩu ở Hà Nội thì vẫn phải đi xe máy ở tỉnh lẻ thì sẽ cấm như thế nào, liệu có khả thi hay không, họ có đồng tình không, bởi số lượng này là khá lớn. Theo TS. Bình, giờ cần lấy ý kiến nhân dân để làm sao bảo đảm hài hòa giữa cái chung và cái riêng. Việc phân làn phân tuyến của từng tuyến đường thì ta có thể làm được để đảm bảo TTATGT. Tuy nhiên, cấm xe máy thì phải có các phương tiện công cộng hỗ trợ, thay thế để đảm bảo cho người dân đi lại, nhưng liệu phương tiện này có đảm bảo, thay thế xe máy được không? Ví dụ như phương tiện giao thông công cộng, hạ tầng giao thông khi đó đã đáp ứng được chưa?
Đối với một thành phố phát triển trong quá trình đô thị hóa mạnh của một quốc gia với nạn kẹt xe như ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì đề án đó là một giải pháp hành chính nhưng áp dụng như thế nào thì phải có một lộ trình cụ thể. Theo đó, Hà Nội cần giải quyết một loạt các vấn đề khác như phát triển phương tiện công cộng như thế nào? Phải tính được nếu các tuyến phố bị cấm xe thì mật độ đi lại, sinh sống của người dân sẽ ra sao để có giải pháp cho phù hợp?… Những việc làm này phải có bước đi hợp lý để người dân quen dần, đặc biệt là thay đổi thói quen sử dụng các loại phương tiện công cộng để đi lại trong thành phố.
“Theo tôi, nếu việc thực hiện đề án này mà ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của người dân thì cũng phải tính lại. Từ thực tế hiện nay, rõ ràng Hà Nội đang đối mặt với một vấn đề rất căng thẳng đó là giao thông, mà vấn đề giao thông ở bất cứ một đất nước nào trên thế giới cũng luôn là bài toán khó. Đặc biệt, những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội thì những quyền lợi khác của người dân cũng cần phải cân nhắc cho tương xứng, chứ không phải chỉ nghĩ đến việc đi lại thôi thì không đầy đủ”, TS. Bình nhấn mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.