Bất cập tại trạm La Sơn - Túy Loan là không thể lường trước
Bộ GTVT vừa có dự thảo tờ trình Chính phủ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Bộ GTVT cho biết, trong tổng số 72 dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT do Bộ GTVT quản lý, đến nay còn 4 dự án có bất cập về trạm thu phí, 1 dự án có phương án thu phí không khả thi và 3 dự án vướng mắc về doanh thu, phá vỡ phương án tài chính.
Cụ thể, đối với trạm La Sơn - Túy Loan thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả là công trình trọng điểm quốc gia, gồm: Hầm Đèo Cả dài 4,125 km, hầm Cổ Mã dài 0,5 km, hầm Cù Mông dài 2,6 km, hầm Hải Vân 6,29 km, chiều dài đường dẫn và công trình cầu khoảng 18,435 km.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 21.612 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư huy động khoảng 16.564 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.750 tỷ đồng, vốn vay khoảng 14.814 tỷ đồng), vốn nhà nước tham gia hỗ trợ khoảng 5.048 tỷ đồng. Phương án hoàn vốn thông qua các trạm thu phí: Ninh An, Bàn Thạch, Đèo Cả, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Phước Tượng - Phú Gia. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 27 năm 5 tháng.
Đến nay, toàn bộ các công trình thuộc dự án (bao gồm hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân) đã hoàn thành đưa vào khai thác, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy phát triển KT-XH các tỉnh duyên hải miền Trung.
Dự án đã được các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm toán (1 đoàn thanh tra Bộ Xây dựng và 6 đoàn Kiểm toán Nhà nước). Công tác quyết toán dự án đã cơ bản hoàn thành.
Theo Bộ GTVT, vướng mắc, bất cập hiện hiện nay là tuyến đường bộ cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan (tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng) được đầu tư phân kỳ theo hình thức hợp đồng BT (thanh toán bằng tiền từ ngân sách nhà nước), quy mô đầu tư phân kỳ 2 làn xe, hướng tuyến song song với QL1 đoạn qua đèo Hải Vân.
Do đó, việc đặt trạm thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả có thể gây phản ứng của người sử dụng dịch vụ, dẫn đến mất an ninh trật tự không thể thu phí được.
Lý giải về nguyên nhân, Bộ GTVT cho biết, tại thời điểm các bộ, ngành và địa phương xem xét phương án sử dụng trạm thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan (năm 2015), rất nhiều dự án BOT đã hoàn thành, đưa vào khai thác và tổ chức thu phí hoàn vốn nhưng chưa phát sinh tình trạng người sử dụng dịch vụ tụ tập, phản đối về thu phí BOT trên đường hiện hữu, đường song hành.
Đến đầu năm 2018, nhiều trạm thu phí BOT trong cả nước phát sinh tình trạng người dân tụ tập phản đối việc thu phí BOT, gây ùn tắc giao thông, thậm chí một số trạm mất an ninh trật tự.
"Những bất cập về trạm dẫn đến việc không được thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan là nội dung xuất hiện sau, quá trình triển khai ban đầu các bên liên quan không thể lường trước", Bộ GTVT cho biết.
Bổ sung vốn nhà nước để thay thế quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan
Theo Bộ GTVT, căn cứ quy định tại Điều 420 Bộ Luật dân sự năm 2015 có thể đánh giá việc không được thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan do hoàn cảnh thay đổi cơ bản (do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng, tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh, hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác).
Để giải quyết bất cập này, từ năm 2018, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp xử lý bất cập tại trạm La Sơn - Túy Loan theo hướng: Không sử dụng trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả; bổ sung vốn ngân sách nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) để hỗ trợ dự án nhằm bảo đảm phương án tài chính; Xây dựng đề án thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan để nộp ngân sách nhà nước và giảm ảnh hưởng đến phân chia lưu lượng giao thông với tuyến QL1 đi qua hầm Hải vân.
Giải thích rõ về cơ cở đề xuất, Bộ GTVT cho biết, việc không được thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan là hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định tại Điều 420 Bộ Luật dân sự năm 2015.
Về quy định tại hợp đồng dự án, tại thời điểm thực hiện dự án, pháp luật về PPP cũng như hợp đồng dự án chưa quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Theo quy định tại khoản 52.7 Điều 52 hợp đồng dự án, Bộ GTVT có trách nhiệm bồi thường cho nhà đầu tư khi quyết định dừng thu phí (không do lỗi của nhà đầu tư).
Đối với quy định của pháp luật, tại thời điểm ký kết hợp đồng dự án, pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP chưa có quy định xử lý khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Hợp đồng dự án BOT được ký kết căn cứ quy định tại Bộ luật Dân sự. Theo quy định tại Điều 420 của Bộ Luật dân sự 2015, trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, theo nguyên tắc cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
"Căn cứ quy định nêu trên, Bộ GTVT, nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng (Vietinbank) thống nhất phương án xử lý của Bộ Tài chính, kiến nghị bổ sung vốn nhà nước để thay thế quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan. Mức vốn nhà nước hỗ trợ (khoảng 2.280 tỷ đồng) xác định thông qua tính toán phương án tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên", Bộ GTVT kiến nghị.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.