Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vận tải container, phát triển logistics 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng

Vận tải 18/09/2023 16:08

Bộ GTVT khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện chở container trên đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường biển; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hoá.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vận tải container phát triển logistics 11 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Hồng - Ảnh 1.

Tàu container lưu thông trên sông Bạch Đằng, TP. Hải Phòng

Container hóa phương thức vận tải khối lượng lớn

Bộ GTVT vừa ban hành Kế hoạch phát triển vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và bảo đảm ATGT vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

Một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch này là nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác các cảng hàng không hiện có trong vùng; ưu tiên bố trí các trung tâm logistics tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm. Đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện chở container trên đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường biển; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hoá; đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường; kiểm soát chất lượng phương tiện và nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện và nhiên liệu sạch…

Đề cập đến các giải pháp chủ yếu, kế hoạch của Bộ GTVT nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ quan trọng trong các công tác về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải; phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội chuyên ngành…

Cùng với đó là nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về vận tải đảm bảo về chất lượng, số lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; đặc biệt chú trọng nhân lực trong lĩnh vực vận tải hàng không, hàng hải; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp vận tải, người dân; đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; có biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với những trường hợp thực hiện không nghiêm túc quy định về tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị…

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vận tải container phát triển logistics 11 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Hồng - Ảnh 2.

Phương tiện bốc xếp hàng hóa lên tàu hỏa tại Trung tâm logistics ITL ga Yên Viên, TP. Hà Nội

Tăng khối lượng, giảm chi phí

Đáng chú ý, trong các giải pháp chủ yếu của kế hoạch là phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics, Bộ GTVT yêu cầu ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc - Nam và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt và các cảng được điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch hệ thống cảng làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics. Tăng cường kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa - quốc tế với giá thành hợp lý, chất lượng cao.

Cùng với đó, cần tăng cường kết nối dịch vụ vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác bằng các hình thức xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các cảng đầu mối; nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải, logistics để tạo điều kiện kết nối giữa đơn vị vận tải và chủ hàng, tăng tính minh bạch của thị trường vận tải, nâng cao hiệu quả khai thác; khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải.

Kế hoạch của Bộ GTVT yêu cầu chú trọng đầu tư phương tiện chở container trên đường thủy nội địa, đường biển; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hóa, đặc biệt là các khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thủy, hải sản; thúc đẩy chuyển đổi phương thức vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy, vận tải ven biển; giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện, giảm ùn tắc hàng hóa trong hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.

Tag:

Ý kiến của bạn

Bình luận