Ngành GTVT đồng thuận “xông pha” vượt khó

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Sự kiện 12/02/2021 00:17

5 lĩnh vực đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa và đường sắt như 5 ngón tay tỏa đi khắp các vùng miền phục vụ phát triển đất nước. Trước những khó khăn thiên tai dịch bệnh trong năm 2020, mỗi ngành đã tự chắt chiu cơ hội, phát huy nội lực, mạnh dạn thực hiện những bước đi, kế hoạch táo bạo mở ra những kỳ vọng. Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, Tạp chí GTVT đã trao đổi với "tư lệnh" 5 lĩnh vực trọng yếu này của ngành GTVT.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: "Tạo sự đồng thuận thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ chính trị"

ong Huyen

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN


Năm 2021, Tổng cục ĐBVN tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng ủy Khối, Đảng ủy Bộ, các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Bộ cũng như tạo sự đồng thuận để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ chính trị của Ngành năm 2021.

Trong đó, Tổng cục ĐBVN tập trung tiếp thu, chỉnh sửa, xây dựng Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), tăng cường kiểm soát tải trọng xe, bảo trì và áp dụng công nghệ khoa học trong quản lý điều hành, đặc biệt là ứng dụng các thiết bị hiện đại trong quản lý, kiểm tra cầu, đường và kết cấu hạ tầng đường bộ, bảo đảm giao thông an toàn, êm thuận. Đồng thời, Tổng cục tiếp tục rà soát các văn bản QPPL, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN: "Hạ tầng hàng hải là bệ phóng cho sự phát triển"

xuan sang

Ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Chúng ta đã hình thành được hệ thống cảng biển đồng bộ, có nhiều cảng biển hiện đại từ Bắc vào Nam trên 6 nhóm cảng biển. Năng lực hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của chúng ta khoảng 550 triệu tấn theo thiết kế, nhưng thực tế đến nay hàng hóa thông qua vẫn đạt hơn 664 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019 dù đại dịch Covid-19 hoành hành.

Kết quả này là minh chứng cho chủ trương đúng đắn là đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, xếp dỡ hàng hóa. Nước ta đã có những cảng biển nước sâu đón được tàu tải trọng lớn. Hàng tuần Cảng Cái Mép - Thị Vải có gần 20 chuyến tàu đi thẳng đến bờ Tây nước Mỹ, châu Âu. Hàng hóa của chúng ta không phải thông qua các cảng trung gian làm giảm giá thành vận tải. Đây chính là một mắt xích đặc biệt quan trọng góp phần làm giảm giá thành, giảm chi phí, tăng mức xếp hạng logistics.

Ngoài quy hoạch đầu tư phát triển hệ thống cảng biển thì trong 4 - 5 năm qua, triển khai thực hiện chủ trương đúng đắn của Bộ GTVT, hàng hải đã công bố lại các tuyến luồng, thay vì công bố theo tải trọng tàu thì công bố theo thông số kỹ thuật của các tuyến luồng.

 

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN: "Thị trường hàng không phục hồi sớm là tín hiệu tốt"

Dinh Viet Thang

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Khi Việt Nam bước đầu kiểm soát dịch, nới lỏng giãn cách xã hội, chỉ trong một thời gian ngắn, các hãng hàng không đã khôi phục nhanh chóng và đều triển khai rầm rộ dịch vụ của mình. So với các quốc gia khác, Việt Nam có khả năng phục hồi sớm hơn bởi lý do thị trường nước ta đang trong giai đoạn phát triển. 

Chúng tôi tính toán rằng phải tới cuối năm 2021 thì thị trường nội địa mới có khả năng phục hồi, nhưng đến nay mọi việc đang diễn ra theo chiều ngược lại. Tần suất khai thác của các hãng hàng không tăng cao, các chuyến bay nội địa luôn lấp đầy khách, đặc biệt là trên đường bay trục và đường bay tới điểm du lịch khách tăng cao đột biến. Diễn biến thị trường này đã chứng tỏ thị trường hàng không nội địa Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.

 

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN: "Tập trung nguồn lực để đường thủy nội địa phát triển bền vững"

chan dung ông Thu

Ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

Năm 2021 và những năm tiếp theo, đường thủy nội địa có thể sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi cam kết sẽ luôn đoàn kết, thống nhất để tập trung nguồn lực, trí tuệ, từ đó chú trọng thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đường thủy nội địa, xây dựng văn bản QPPL, trong đó dự kiến sớm hoàn thành nghị định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa. 

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ tập trung mọi nguồn lực trong công tác quản lý hoạt động vận tải thủy ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng ngay trong ngày đầu, tháng đầu của năm mới. Đồng thời, Cục tiếp tục chú trọng tới công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin với phương châm ngày càng tạo mọi sự thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện mọi giải pháp để tháo gỡ những “nút thắt”, xóa bỏ những “điểm nghẽn” về vận tải thủy.

 

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đường sắt VN: "Sẽ tái cơ cấu mạnh mẽ, dù có động chạm đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức"

Anh ca nhan ong Vu Anh Minh
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Năm 2021 sẽ là năm rất gian nan. Dù phải đối diện với một viễn cảnh hết sức khó khăn nhưng toàn ngành Đường sắt đã sẵn sàng bước vào năm mới với tâm thế quyết liệt, đoàn kết triển khai tất cả các giải pháp tháo gỡ để đón chào tương lai tốt đẹp hơn. Năm 2021 sẽ kết thúc với kì vọng hoàn thành gói 7.000 tỷ đồng cải tạo hạ tầng để có dư địa vận tải tốt hơn.

Hi vọng dịch Covid-19 sẽ chấm dứt sớm để khôi phục vận tải hành khách, ngành Đường sắt sẽ đầu tư để thu hút lại hành khách ở những đoạn tuyến còn dư địa tăng trưởng, song song với chủ trương tăng cường vận tải hàng hóa để bù đắp vận tải hành khách. Ngành Đường sắt cũng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để bàn giao cho Ngành 297 khu ga hoặc đề xuất thí điểm khai thác lợi thế, nguồn lực một số khu ga nhằm bù đắp một phần sản xuất kinh doanh. Quan trọng hơn hết, trong giai đoạn tới và đặc biệt năm 2022, ngành Đường sắt sẽ thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, dù có động chạm đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức. Đó là trách nhiệm của tất cả CB, CNV và đầu tiên là của lãnh đạo ngành Đường sắt.

Ý kiến của bạn

Bình luận