Đàm phán tái khởi động gặp khó
Thông tin về tình hình triển khai cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT cho biết, về công tác GPMB, đến nay, trên tuyến chính còn một hộ thuộc gói thầu A2-2 địa phận huyện Bình Chánh - TP.Hồ Chí Minh. Hộ này trong phạm vi quỹ đất dành cho giai đoạn hoàn thiện, không ảnh hưởng đến việc thi công giai đoạn 1. Ngoài ra, một số công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm đường dây điện trung hạ thế và cáp quang viễn thông chưa được di dời, ảnh hưởng đến việc thi công của các nhà thầu.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án và Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tháng 10/2010, hoàn thành trong năm 2023.
Tổng chiều dài Dự án 57,8km qua các tỉnh: Long An (2,7km), Tp. Hồ Chí Minh (26,4km) và Đồng Nai (28,7km).
Tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn gồm: Vốn vay ADB (13.654,6 tỷ đồng), vốn vay JICA (11.975,7 tỷ đồng) và vốn đối ứng (5.689,7 tỷ đồng).
Dự án có 11 gói thầu xây lắp gồm: Đoạn 1 phía Tây (gói thầu A1÷A4) sử dụng vốn vay ADB, Đoạn 2 (gói thầu J1÷J3) sử dụng vốn vay JICA; Đoạn 3 phía Đông (gói thầu A5÷A7) sử dụng vốn vay ADB.
Về tiến độ thi công, tổng khối lượng thi công toàn bộ 11 gói thầu xây lắp đạt 79,57%. Trong đó, trên đoạn 1 phía Tây (gồm các gói thầu A1, A2-1, A2-2, A3, A4), hiện các gói thầu đã dừng thi công từ năm 2019 do hiệp định vay đã hết hạn vào 30/6/2019. Các gói thầu A2-1 và A3 đã cơ bản hoàn thành (chỉ còn các hạng mục phụ trợ). Sản lượng các gói thầu còn lại là: A1 đạt 81,24%; A2-2 đạt 68,47%; A4 đạt 78,1%.
"Hiện tại, Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã chủ động sử dụng nguồn vốn của VEC để đàm phán với các nhà thầu nhằm tái khởi động thi công toàn dự án gồm các gói thầu A2-1, A2-2, A3, A4 đồng ý tái khởi động, ký phụ lục hợp đồng và đang chuẩn bị thi công. Gói thầu A1 đang thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng. Dự kiến, các gói thầu đoạn phía Tây sẽ hoàn thành thi công trước ngày 31/12/2023", Bộ GTVT thông tin.
Trên đoạn 2 gồm các gói thầu J1, J2, J3, các gói thầu đã dừng thi công từ năm 2019 do không được bố trí vốn. Trong đó, gói thầu J2 đã hoàn thành, gói thầu J1 và J3 đã cơ bản hoàn thành phần cầu dẫn, cầu Bình Khánh (gói J1) và cầu Phước Khánh (gói J3) đã hoàn thành trụ tháp, khối K0. Khối lượng đã thi công gói J1 đạt 77,63% và gói J3 đạt 80,7%.
Đối với gói thầu J1, VEC và nhà thầu đang đàm phán để tái khởi động. "Tuy nhiên, nhà thầu yêu cầu thanh toán chi phí dừng chờ trước khi triển khai thi công. Trong trường hợp thương thảo không thành công sẽ phải chấm dứt hợp đồng và lựa chọn nhà thầu mới, dự kiến hoàn thành trong quý I/2025", Bộ GTVT thông tin.
Tại gói thầu J3, VEC và nhà thầu đã thống nhất chấm dứt hợp đồng, đang thực hiện các thủ tục theo điều kiện hợp đồng. Đồng thời, VEC đang triển khai các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công mới với mục tiêu hoàn thành thi công trong quý I/2025.
Trên đoạn 3 phía Đông, các gói thầu A5 và A7 đang triển khai thi công. Sản lượng gói thầu A5 đạt 95,08%, hoàn thành 30/9/2022. Sản lượng gói thầu A7 đạt 61,53%, hoàn thành 30/9/2023. Gói A6 đã thi công đạt 33,93%, VEC và nhà thầu đã thống nhất chấm dứt hợp đồng, đang thực hiện các thủ tục theo điều kiện hợp đồng. Đồng thời, VEC đang triển khai các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công mới với mục tiêu hoàn thành thi công trước ngày 31/12/2023.
Trong quá trình chờ cấp có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về vốn cho dự án, để sớm thi công trở lại, hạn chế khiếu kiện, Hội đồng thành viên VEC đã có các nghị quyết về chủ trương sử dụng cân đối sử dụng các khoản tiền nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ của VEC để tạm ứng cho các khoản thanh toán khối lượng hoàn thành và triển khai lại dự án.
Theo đó, VEC đã sử dụng nguồn vốn hợp pháp, nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ của VEC để thanh toán cho các nhà thầu Nhật Bản (gói thầu J1, J2, J3) và dự kiến sử dụng 750 tỷ đồng để tái khởi động dự án nhằm hoàn thành dự án theo tiến độ được phê duyệt. Tuy nhiên, một số nhà thầu yêu cầu VEC làm rõ tính pháp lý của nguồn vốn này và trì hoãn việc tái khởi động thi công trên công trường.
Các nhà thầu có thể tiếp tục dừng thi công
Theo đánh giá của Bộ GTVT, do dự án phải dừng từ năm 2019 vì không được bố trí vốn dẫn đến phát sinh một số vướng về quản lý hợp đồng; một số nhà thầu chấm dứt hợp đồng và khiếu kiện các chi phí phát sinh.
Điển hình là các nhà thầu thuộc gói A1, A3, A6, J1, J3 đã có các thư khiếu nại về các chi phí phát sinh do dừng chờ và phát sinh do việc chấm dứt hợp đồng với tổng chi phí khoảng 1.656 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu J1 là 649 tỷ đồng; gói thầu J3 là 448 tỷ đồng; gói thầu A1 là 351 tỷ đồng; gói thầu A3 là 136 tỷ đồng và gói thầu A6 là 72 tỷ đồng).
Ngoài ra, nhà thầu các gói thầu A2-1, A2-2,... cũng sẽ có khiếu nại về chi phí phát sinh dừng chờ. VEC đã làm việc với các nhà thầu, đề nghị triển khai khởi động lại dự án, các chi phí phát sinh hợp pháp sẽ xem xét giải quyết song song với triển khai lại dự án.
"Tuy nhiên, nếu không sớm giải quyết, có thể các nhà thầu tiếp tục dừng thi công", Bộ GTVT nêu.
Hiện nay, VEC đang đàm phán với nhà thầu để nối lại thi công gói thầu J1, tuy nhiên, nhà thầu J1 yêu cầu phải thanh toán chi phí phát sinh do dừng chờ trước khi triển khai thi công lại.
Các gói thầu A1, A6, J1 đang thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng và gói thầu A1 và J1 đang thực hiện khiếu kiện ra trọng tài kinh tế; việc thực hiện khiếu kiện này sẽ làm phát sinh các chi phí pháp lý (phí trọng tài, phí luật sư, phí bồi thường theo phán quyết trọng tài) và làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục chất dứt hợp đồng; có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn nhà thầu mới.
Về nguồn vốn cho dự án, chỉ có nguồn vốn cho JICA được thống nhất về chủ trương bố trí vốn, các nguồn vốn ADB và vốn đối ứng vẫn đang được các cấp có thẩm quyền rà soát; các gói thầu đang được triển khai bằng nguồn vốn do VEC bố trí từ việc cân đối các nguồn vốn hợp pháp của VEC. Nội dung này sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai, thanh quyết toán của các gói thầu phía Tây của dự án.
Theo đó, chưa đủ cơ sở về nguồn vốn để triển khai thủ tục lựa chọn nhà thầu gói thầu A1 theo quy định, việc này có khả năng ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành gói thầu trong tháng 12/2023. Đồng thời, trong trường hợp không được chấp thuận việc sử dụng vốn hiệp định lần 2, sẽ phát sinh thủ tục để điều chỉnh nguồn vốn thanh toán cho các gói thầu từ A1 đến A4 của dự án.
Một trong những khó khăn vướng mắc nổi cộm tại cao tốc Bến Lức - Long Thành là về công tác quản lý dự án. Từ năm 2018, VEC chuyển từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) theo Nghị định 131. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 75 ngày 21/5/2020 của Chính phủ, Bộ GTVT là cơ quản chủ quản, quyết định đầu tư đối với dự án.
Theo đó, VEC là chủ đầu tư dự án nhưng không trực thuộc Bộ GTVT (cấp quyết định đầu tư) ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, điều hành dự án của cấp quyết định đầu tư và phát sinh một số vấn đề chưa thống nhất về thẩm quyền xử lý.
Trong thời gian vừa qua, bên cạnh các vấn đề do vướng mắc về nguồn vốn, công tác quản lý dự án của VEC chưa đáp ứng được yêu cầu, việc triển khai các chỉ đạo của Bộ GTVT còn chậm (chưa thực hiện các chỉ đạo về xử lý các vấn đề kỹ thuật), triển khai các gói thầu đã có vốn chưa đáp ứng tiến độ (tiến độ gói A5 và A7 chậm trên 10%), chậm có các giải pháp thực chất để giảm thiệt hại do dừng thi công khi không được cấp vốn, chậm giải quyết dứt điểm các khiếu kiện nên nhiều gói thầu đề xuất dừng hợp đồng, chậm triển khai thi công lại các gói thầu khi đã cân đối được nguồn vốn cho dự án,… Nếu VEC không cải thiện được công tác quản lý, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.