Những hành khách đầu tiên trên đường bay thường lệ Việt Nam - Mỹ |
Khó khăn chưa từng có
Phần lớn thời gian năm 2021, trong bức tranh chung của hàng không toàn cầu, Hàng không Việt Nam (HKVN) gần như phải hoạt động cầm chừng, chủ yếu thực hiện các chuyến bay nội địa, nhân đạo, cứu trợ hay vận chuyển vắc-xin, trang thiết bị y tế chống dịch. Chính vì thế, ngày 10/10 khi một số đường bay thương mại chở khách nội địa được nối lại, cái khó khăn đã ngay lập tức hiện hữu. Đó là, ngay trong ngày đầu tiên thực hiện thí điểm đã có 27 chuyến bay trên 14 đường bay nội địa không thể thực hiện được. Nguyên nhân là các hãng hàng không không kịp bán vé và đáp ứng các yêu cầu cách ly y tế khắt khe đối với hành khách của các địa phương.
Nhận định về những thách thức, ông Bùi Doãn Nề - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp HKVN cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến doanh thu ngành Hàng không sụt giảm nghiêm trọng. Mặc dù hoạt động vận tải sụt giảm, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi và năng lực sản xuất chỉ ở mức rất thấp, nhưng do tính chất đặc thù của ngành, các hãng bay vẫn phải trả chi phí cố định rất lớn như phí thuê tàu bay, phí bảo dưỡng, phí bãi đỗ và các chi phí duy trì hoạt động khác. Điều này khiến các hãng hàng không phải tiếp tục đối diện với nguy cơ suy kiệt về tiền mặt và gia tăng nợ phải trả quá hạn.
Có thể thấy rằng, thị trường hàng không nội địa năm 2020 là giai đoạn khó khăn chưa từng có, song năm 2021 lại là một năm khó khăn hơn khi liên tiếp nhiều đợt dịch bùng phát khiến nhu cầu đi lại sụt giảm, đặc biệt trong các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán và hè.
Sẵn sàng chờ cất cánh
Theo Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân, việc mở lại các chuyến bay thời điểm này chắc chắn sẽ không đạt được doanh thu. Nhưng quan trọng nhất bây giờ không phải là doanh thu mà là tìm ra các giải pháp thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, mở cửa từng bước để tập dượt các đường bay nội địa và sẽ tiến ra quốc tế.
Để chuẩn bị cho kế hoạch “mở cửa bầu trời” thực hiện trạng thái bình thường mới, Tổng công ty Cảng HKVN (ACV) đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn với hành khách, chuyến bay, nhân lực hàng không và từng cảng hàng không cũng đã triển khai. Bộ tiêu chí dễ nhận diện khi hành khách đến sân bay sẽ thấy các pano, hướng dẫn tuân thủ 5K. Tại các sân bay đều dán ở những vị trí để hành khách đứng làm thủ tục đảm bảo tiêu chuẩn giãn cách. Các khu vực tiếp xúc giữa hành khách và nhân viên sân bay đều có tấm chống giọt bắn, đeo khẩu trang...
Tại các sân bay, các hãng hàng không đều lắp đặt kính chống giọt bắn cho toàn bộ hệ thống phòng vé, quầy vé. Nhân viên được trang bị khẩu trang, mặt nạ chống giọt bắn, găng tay. Hành khách sẽ được điều phối di chuyển theo làn, đảm bảo khoảng cách để di chuyển an toàn, trật tự. Các hãng hàng không cũng đã phát triển và đẩy mạnh hệ thống làm thủ tục trực tuyến, bố trí máy quét mã check-in, giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc giữa nhân viên với hành khách.
Để có “chìa khóa” “mở cửa” bầu trời, ngày 02/9, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết đã thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên chuyến bay từ Hà Nội đi London (Anh). Trước đó, Vietjet cũng đã tham gia thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass. Theo các hãng hàng không, IATA Travel Pass sẽ giúp hành khách quản lý, xác thực các thông tin về sức khỏe khi đi du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu hiện hành về việc xét nghiệm hoặc tiêm phòng Covid-19 của nhà chức trách tại nơi đến; giúp việc di chuyển giữa các quốc gia an toàn và dễ dàng hơn trong bối cảnh đại dịch. Ngoài IATA Travel Pass, các doanh nghiệp và chuyên gia còn đề xuất nghiên cứu thẻ thông hành xanh áp dụng cho thị trường nội địa để khôi phục du lịch trong nước.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn khẳng định, ngành Hàng không đã sẵn sàng. Cục HKVN đã phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong việc xây dựng kế hoạch để sẵn sàng nối lại ngay các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ khi được phép.
Để chuẩn bị cho việc khai thác trở lại, các hãng hàng không cũng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, tạo sự an toàn, thoải mái cho hành khách trên các chuyến bay. Các hãng đã rà soát và hoàn thiện toàn bộ quy trình khai thác, đảm bảo an toàn phòng dịch cao nhất dựa trên các quy định của Cục HKVN, IATA và ICAO. Đơn cử, Vietjet đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, hoàn thiện quy trình, đẩy mạnh số hóa, sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, cộng thêm kinh nghiệm khai thác tích lũy trong thời gian qua, nên hãng tự tin vào những chuyến bay xanh và an toàn nhất. Cùng với việc chuẩn bị tốt nhất các yêu cầu về phòng chống dịch, Vietjet còn tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ phi công, tiếp viên.
Thí điểm đón khách quốc tế
Ngày 08/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất mở lại bay quốc tế thường lệ trở khách vào Việt Nam theo 3 giai đoạn. Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất điều kiện để mở lại đường bay quốc tế: hành khách nhập cảnh Việt Nam phải có xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong 72h, hành khách phải cài đặt và khai báo y tế điện tử, sàng lọc y tế tại cảng hàng không nơi đến...
Đối với các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam sẽ theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai từ quý I/2022, tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam (trừ khi có các yêu cầu của cơ quan thẩm quyền về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế). Giai đoạn 2 triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách có “hộ chiếu vắc-xin” từ quý II/2022. Giai đoạn 3 khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu tùy thuộc vào diễn biến dịch và tỉ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam và thế giới. Thị trường và tần suất khai thác sẽ do các hãng hàng không tự quyết định, triển khai từ quý III/2022...
Ngay trong tháng 11/2021, Việt Nam đã bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế qua các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và chuyến bay thương mại tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng... Về đối tượng nhập cảnh, nhất quán chủ trương tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đúng đối tượng đã được cho phép, có giấy chứng nhận tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19.
Tại cuộc Toạ đàm “Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn?” theo hình thức trực tuyến ngày 10/11, Phó Cục trưởng Cục HKVN Võ Huy Cường cho biết, hiện nay, các nước trên thế giới đã mở cửa hàng không, Việt Nam không phải ngoại lệ. Ngành Hàng không có thể tiếp tục các chuyến bay cứu hộ công dân, sử dụng rộng rãi hình thức khách tự trả chi phí cách ly nhập cảnh do Bộ Ngoại giao điều tiết, phù hợp với năng lực phòng chống dịch và khả năng tiếp nhận cách ly của các địa phương, từng bước tạo niềm tin cho khách quốc tế. Mở cửa bay quốc tế, ngành Hàng không sẽ có đánh giá ban đầu về quy trình thực hiện chuyến bay chở khách quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục HKVN Võ Huy Cường nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện tối đa cho du khách có hộ chiếu vắc-xin. Trong tương lai, hộ chiếu vắc-xin sẽ được áp dụng rộng rãi và đây là một phần mềm mà các nước tự xây dựng. Nhiều tổ chức quốc tế khác đang muốn tạo lập một phần mềm thống nhất để áp dụng chung trên phạm vi rộng và được các quốc gia công nhận, có sự tin tưởng được Chính phủ các nước xác nhận tham gia vào chương trình đó.
Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là các yêu cầu về cách ly y tế với khách nhập cảnh. Do đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất sát sao, thực tế. Những kinh nghiệm tổng kết trong chống dịch đã giúp ích rất nhiều trong quá trình lên kế hoạch, triển khai. Có thể khẳng định, đó là một quá trình khi thay đổi từ “Zero Covid” sang “sống chung” một cách linh hoạt, thích ứng, phù hợp với tình hình mới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.