Tạo môi trường pháp lý cho ứng dụng KHCN đảm bảo ATGT

An toàn giao thông 27/04/2021 06:08

Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia về những yếu tố cần được chú trọng, nhất là vai trò của KHCN trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT để có thể duy trì thành quả của cả một thập kỷ vừa qua và đạt thêm những tiến bộ vượt bậc hơn trong giai đoạn mới.

 

A7_08806
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Thưa ông, để giữ vững được thành tựu giảm TNGT cũng như để tạo nên sự bền vững, xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, hiện đại, công tác đảm bảo trật tự, ATGT sẽ phải giải những “bài toán” nào, vai trò của ứng dụng KHCN đối với lĩnh vực này được xác định ra sao?

Ông Khuất Việt Hùng: Như đã từng chia sẻ với Tạp chí GTVT gần đây về những thách thức trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT trong giai đoạn 2021 - 2025, sự gia tăng mạnh mẽ số lượng phương tiện là một thách thức lớn nhất, đòi hỏi công tác đảm bảo trật tự, ATGT phải đạt được sự tiến bộ thực chất, đáp ứng nhịp phát triển của thời đại.

Trên thế giới, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã xác định 5 trụ cột chính sách về ATGT gồm: quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả; kết cấu hạ tầng an toàn; phương tiện giao thông an toàn; người tham gia giao thông an toàn; ứng phó sau tai nạn kịp thời, hiệu quả. Tại Việt Nam, Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng các nghị quyết, quyết định của Chính phủ đã xác định mục tiêu hàng năm kéo giảm TNGT từ 5 - 10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương và mong muốn đến năm 2045 không còn thương vong do TNGT gây ra.

Trong tất cả chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều khẳng định rằng, khoa học công nghệ (KHCN), nhất là ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đóng vai trò là động lực chính, là yếu tố “then chốt” để thực hiện 5 trụ cột nêu trên, từ đó xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, hiện đại.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần ứng dụng KHCN vào vấn đề nào, thưa ông?Ông Khuất Việt Hùng: Ứng dụng KHCN trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT đã được thực hiện nhiều năm qua và sẽ tiếp tục phải đẩy mạnh trong thời gian tới. Cần phải nhấn mạnh rằng, chỉ có ứng dụng công nghệ mới có thể đảm bảo khắc phục nhanh và hiệu quả nhất những tồn tại, bất cập hiện nay.

Chúng ta sẽ phải ứng dụng KHCN trong 3 vấn đề chính. Đầu tiên là ứng dụng KHCN vào trong quản lý điều hành giao thông; thứ hai là ứng dụng KHCN trong công tác quản lý nhà nước như đào tạo, sát hạch lái xe và đăng kiểm để đảm bảo điều kiện an toàn cho phương tiện, người điều khiển phương tiện; thứ ba là ứng dụng KHCN trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Cả 3 vấn đề này sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh các nền tảng kỹ thuật số, từ đó tạo được những bước đột phá thực chất. Ứng dụng KHCN chắc chắn sẽ là chiếc “chìa khóa vàng”, là “lời giải” thỏa đáng nhất cho những “bài toán” đang đặt ra.

Như ông chia sẻ, đây chắc chắn sẽ là một mục tiêu lớn nên hành trình đi đến mục tiêu này sẽ có nhiều gian nan?

Ông Khuất Việt Hùng: Thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta đang có nhiều “trở lực” nhưng bắt buộc phải vượt qua với một ý chí mạnh mẽ. Thực tế, việc ứng dụng KHCN hiện nay còn manh mún, thiếu đồng bộ.

Hiện nay, chúng ta đã có hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô kinh doanh vận tải, dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, dữ liệu đăng kiểm ô tô; cơ sở dữ liệu TNGT của lực lượng CSGT; hệ thống giám sát hỗ trợ xử “phạt nguội”... Tuy nhiên, những cơ sở dữ liệu và hệ thống xử lý hiện có tính chất cục bộ, hầu như chưa có sự liên thông giữa các cơ quan chức năng. Mặt khác, nhiều nghiệp vụ hiện cơ bản vẫn làm thủ công và ứng dụng KHCN còn rất hạn chế. Vì vậy, hành vi vi phạm khi tham gia giao thông và trạng thái giao thông chưa được giám sát, phát hiện khách quan, kịp thời và còn phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố con người.

Chúng ta đang thiếu một hệ thống quy định pháp luật đồng bộ và đủ linh hoạt để tạo môi trường pháp lý cho đầu tư phát triển, khai thác, sử dụng và duy trì những ứng dụng KHCN. Chúng ta cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về tổ chức bộ máy, chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với môi trường làm việc có mức độ ứng dụng KHCN cao.

Những yếu tố này là “trở lực” khiến chúng ta chưa có được hạ tầng thông minh, có thể tự động giám sát tình trạng, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông và tự động thông báo tới phương tiện tham gia giao thông để người điều khiển (hoặc máy tính) điều chỉnh hành vi tham gia giao thông (hãm phanh, giảm tốc độ, chuyển làn đường, chuyển tuyến đường...).

Trung tâm điều hành đường cao tốc Hà Nội - Hải Phò
Trung tâm Điều hành đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Trước những trở lực này, chúng ta cần tìm kiếm sự đột phá ở đâu, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong những đột phá hàng đầu đó là thể chế, con người, hạ tầng. Khi lấy công nghệ làm động lực, việc thay đổi về thể chế không chỉ là hoàn thiện quy định pháp luật, mà cần xem xét cả thiết kế bộ máy, phân công chức năng, nhiệm vụ và đặc biệt là yêu cầu về trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực.Ứng dụng KHCN trong đảm bảo trật tự, ATGT là một quá trình dài với nhiều giai đoạn. Khởi đầu giai đoạn này, việc trước hết phải làm là củng cố thể chế về ứng dụng KHCN trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT. Giải quyết những trở lực trong trụ cột về quản lý nhà nước sẽ tạo ra sự bứt phá, tạo ra nguồn động lực để thực hiện 4 trụ cột còn lại.Theo đó, chúng ta cần khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong đảm bảo ATGT. Đây là giải pháp nền tảng quan trọng nâng cao ATGT một cách bền vững.

Hệ thống quy định pháp luật cần có những quy định rõ ràng, cụ thể và hệ thống để tạo ra môi trường pháp lý cho ứng dụng KHCN trong trụ cột về quản lý nhà nước. Nếu không quy định trong luật, việc ứng dụng KHCN sẽ không thể triển khai trong thực tiễn. Với những quy định cụ thể trong luật, chúng ta có thể điều chỉnh thiết kế bộ máy, phân công lại chức năng nhiệm vụ phù hợp với công nghệ mới. Từ yêu cầu chất lượng nhân lực sẽ tạo cơ sở pháp lý cho thị trường đào tạo nhân lực phát triển.

Mặt khác, cần nhấn mạnh rằng, pháp luật ứng dụng công nghệ mới cần đáp ứng yếu tố mở, linh hoạt để thúc đẩy phát triển nhưng cũng cần vừa đủ để thuận lợi kiểm soát. Một thách thức khác đặt ra khi thực hiện điều này là trình tự xây dựng chính sách pháp luật cần phản ứng nhanh hơn, đáp ứng hiệu quả với tốc độ phát triển của công nghệ.

Với thành quả rất cụ thể về giảm thiểu TNGT rất sâu và toàn diện trong 10 năm qua đã tạo nên niềm tin tưởng lớn rằng, nỗ lực và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đạt thêm nhiều dấu ấn lớn. Ứng dụng KHCN sẽ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT để mang tới hạnh phúc, yên bình cho nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bình luận