Ngày 10/11, ông Phạm Ngọc Dũng, Chánh Thanh tra giao thông (Sở GTVT TP. HCM) cho biết, bắt đầu từ hôm nay (10/11), TP. HCM chính thức sử dụng thiết bị cân tải trọng tự động để xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vận tải hàng hóa bằng ô tô khi xe, người lái xe, chủ xe không còn ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm (gọi tắt xử "phạt nguội").
Sở GTVT TP. HCM cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ xử "phạt nguội" như trên được đơn vị chủ động báo cáo Bộ GTVT và UBND thành phố xin làm thí điểm. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, TP. HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm xử "phạt nguội" xe chở quá tải. Thời gian thực hiện thí điểm 1 năm. Sau khi kết thúc, Sở GTVT sẽ tổng kết, đánh giá kết quả để tham mưu, đề xuất UBND TP. HCM phương án tổ chức thực hiện phù hợp.
Hiện nay, TP. HCM đang dùng cân tự động xử "phạt nguội" tại Trạm kiểm tra tải trọng xe số 3 khu vực cầu Ông Lớn (hướng lưu thông từ huyện Bình Chánh đi Quận 7) và Trạm kiểm tra tải trọng số 6, 7 tại khu vực Trạm thu phí An Sương - An Lạc (quận Bình Tân). Thời gian thu thập dữ liệu là 24/24h.
Theo quy trình xử "phạt nguội" xe vi phạm tải trọng, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị là đơn vị được giao quản lý, sử dụng, vận hành trạm kiểm tra trọng tải cố định. Thanh tra Sở GTVT TP. HCM là đơn vị được giao căn cứ kết quả ghi nhận qua phương tiện thiết bị kỹ thuật để xử phạt vi phạm hành chính.
Trong đó, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị có trách nhiệm truy cập, khai thác dữ liệu hàng ngày để tìm kiếm, trích xuất phiếu cân những xe vượt quá tải trọng cho phép, mức vi phạm theo quy định. Sau đó, Trung tâm này sẽ kiểm tra, in thông tin rồi nhập dữ liệu vào văn bản chuyển hồ sơ đề nghị xử phạt cho Thanh tra giao thông.
Thanh tra giao thông sẽ tiếp nhận hồ sơ đề nghị xử phạt và tiến hành xác minh chủ phương tiện, địa chỉ và số điện thoại của chủ phương tiện (nếu có) qua trang đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Sau khi hoàn tất kiểm tra, đơn vị này sẽ ban hành thông báo gửi cho chủ phương tiện biết cụ thể lỗi và mức phạt. Trường hợp quá thời hạn giải quyết mà người vi phạm chưa chấp hành thì các đơn vị gửi thông báo đến cơ quan đăng kiểm để đề nghị đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Sau khi chủ phương tiện vi phạm đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra giao thông sẽ gửi thông báo về việc phương tiện đã chấp hành cho cơ quan đăng kiểm cập nhật thông tin, xóa cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Còn nếu có các phản ánh, kiến nghị trong quá trình xử phạt, lực lượng Thanh tra giao thông cùng Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị sẽ tiếp nhận, giải quyết làm rõ nội dung phản ánh nêu trên.
Theo Sở GTVT TP. HCM, tình trạng xe chở quá tải vẫn tồn tại trên địa bàn TP. HCM gây ảnh hưởng tới giao thông, hư hỏng đường sá. Tuy nhiên, việc kiểm tra và xử lý xe quá tải tại các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động trên địa bàn còn nhiều bất cập.
Hiện nay, các lực lượng CSGT, Thanh niên xung phong đã ngừng việc phối hợp kiểm soát tải trọng phương tiện tại các trạm kiểm tra tải trọng. Do công tác đảm bảo hoạt động 24/24h và 7 ngày trong tuần, công tác đảm bảo an ninh trật tự và kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng Thanh tra giao thông hết sức khó khăn như việc phối hợp dừng xe, truy đuổi, xử lý các hành vi chống đối, gây rối trật tự khu vực trạm cân…
Ngoài ra, đặc thù TP. HCM có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, đa số các tuyến đường trong đô thị có mặt cắt ngang nhỏ nên việc bố trí lực lượng dừng xe kiểm tra tải trọng trên đường rất khó khăn.
Do đó, hình thức xử "phạt nguội" xe chở quá tải có độ chính xác cao giúp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, ngăn chặn vi phạm hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế các trường hợp chống đối, gây rối trật tự khu vực trạm cân. Ngoài ra, việc này còn hạn chế tác động của lực lượng kiểm tra, tăng tính minh bạch…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.