TP. Hồ Chí Minh với các giải pháp giảm ùn tắc giao thông

Tác giả: Mỹ lệ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 01/04/2017 14:17

Theo báo cáo của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn có 37 điểm UTGT, tập trung tại 3 khu vực chính là trung tâm thành phố

Thang 3 - Hinh 1
UTGT tại cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất

TP. Hồ Chí Minh đang trải qua giai đoạn tăng trưởng “nóng”, do đó một trong những khó khăn và thách thức mà địa phương này đang phải đối mặt là tình trạng UTGT. Tình trạng trên không chỉ ảnh hưởng xấu tới môi trường, thiệt hại về kinh tế mà còn gây nguy hại tới chất lượng cuộc sống của người dân. Việc tìm ra giải pháp thông minh nhằm ứng phó với UTGT là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Thành phố.

Cần có cơ chế, chính sách riêng cho TP. Hồ Chí Minh

Theo báo cáo của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn có 37 điểm UTGT, tập trung tại 3 khu vực chính là trung tâm thành phố, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái, cụ thể: 6 điểm tại trung tâm thành phố, 6 điểm tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, 3 điểm tại khu vực cảng Cát Lái, 8 điểm tại các cửa ngõ và 14 vị trí khác. Sau khi có con số thống kê các điểm ùn tắc trên, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất những biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này.

Trong đó, biện pháp đầu tiên là tăng cường lực lượng, điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý hơn cho từng thời điểm (sử dụng đèn tín hiệu giao thông, thời gian điều tiết giao thông), hạn chế xe tải vào trong nội đô, đặc biệt là xử lý nghiêm việc dừng, đỗ trái phép. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, kết nối các tuyến đường nội bộ, cải tạo vỉa hè cũng được đề xuất áp dụng tại những điểm ùn tắc và có nguy cơ UTGT cao.

TP. Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cơ chế áp dụng cho một số công trình cấp bách, kéo giảm tình trạng UTGT khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái và khu vực cửa ngõ, trung tâm. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh phải triển khai kế hoạch giãn dân, giảm phương tiện cá nhân, bởi nếu hạ tầng tốt lên, giao thông thuận tiện hơn đồng nghĩa với số lượng người sẽ tập trung cao hơn.

Cụ thể, đầu tháng 02/2017, TP. Hồ Chí Minh đã khởi công 02 công trình trọng điểm, gồm: Xây dựng cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn - nhánh đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và khởi công xây dựng cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận) để kéo giảm tình trạng kẹt xe cho sân bay Tân Sơn Nhất. Cả hai công trình này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ đề xuất của UBND TP. Hồ Chí Minh và cho phép triển khai xây dựng công trình theo lệnh khẩn cấp.

Dự án cầu vượt tại nút giao Trường Sơn - đường Tân Sơn Nhất do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 242 tỷ đồng. Cầu được thiết kế dưới dạng cầu vượt trực thông một chiều dạng chữ Y gồm 02 nhánh. Nhánh 01 từ đường Trường Sơn đi ga quốc tế, nhánh 02 từ giao với nhánh 01 rẽ vào ga quốc nội dự kiến sẽ hoàn thành sau 6 tháng thi công.

Dự án cầu vượt bằng thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm được xây dựng tại khu vực công viên Gia Định do Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 504 tỷ đồng. Dự án xây dựng dạng cầu vượt chữ N gồm 3 nhánh cầu. Nhánh 01 hướng từ đường Nguyễn Kiệm phía nút giao ngã 6 Gò Vấp về đường Hoàng Minh Giám. Nhánh 02 từ đường Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn. Nhánh 3 theo hướng từ đường Nguyễn Kiệm phía nút giao Phú Nhuận về đường Nguyễn Thái Sơn. Dự kiến các nhánh này sẽ hoàn thành trong thời gian từ 4 đến 6 tháng. Trước đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai xây dựng dự án tại vòng xoay Mỹ Thủy. Đây cũng là một điểm “đen” UTGT, đang được TP. Hồ Chí Minh tìm cách tháo gỡ. Có thể thấy sau khi các dự án này hoàn thành, một lượng lớn các phương tiện sẽ lưu thông qua đây và giảm ùn tắc cho các khu vực này.

ÁP dụng các giải pháp giao thông thông minh

Ngoài việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm để giảm ùn tắc, TP. Hồ Chí Minh cũng ra sức tìm kiếm các giải pháp khác như: Phát triển vận tải hành khách công cộng, xây dựng các tuyến buýt chất lượng và tuyên truyền ý thức cho người dân khi tham gia giao thông. Từ đầu năm 2017, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã đưa vào vận hành ứng dụng Cổng thông tin Giao thông thành phố nhằm giúp người dân có thể biết được tình hình giao thông các khu vực trên thiết bị di động của mình. Ông Lê Minh Triết - Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết, sau một tháng đưa vào vận hành, Cổng Thông tin Giao thông thành phố đã có khoảng 350.000 lượt truy cập trung bình 01 ngày khoảng 11.000 lượt truy cập.

Với ứng dụng trên, người dân có thể truy cập bằng điện thoại di động vào Cổng Thông tin Giao thông thành phố tại địa chỉ: www.giaothong.hochiminhcity.gov.vn. Khi truy cập, người dân có thể theo dõi thông tin về tình hình giao thông, thông tin hình ảnh camera giám sát, thông tin vận tốc cho phép lưu thông trên các tuyến đường, thông tin rào chắn thi công công trình, lộ trình lưu thông phục vụ lễ, Tết và các tiện ích gồm: Thông tin vị trí bãi đỗ xe trong các tòa nhà, các tuyến đường cho phép đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, trạm xăng, trạm y tế, bệnh viện, tiện ích lưu thông bằng xe buýt, hướng dẫn các lộ trình lưu thông…

Ứng dụng sẽ tiếp tục được nâng cấp; lắng nghe, tiếp thu ý kiến người dân, ý kiến chuyên gia, trong đó cần triển khai gắn camera tại các khu vực đang thi công, các thông tin liên quan đến bãi đỗ xe (hướng dẫn lộ trình), xe buýt, đặc biệt phải tuyên truyền để người dân được biết và ứng dụng ngay trên các thiết bị di động.

Theo TS. Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, ngoài việc xây dựng các công trình chống ùn tắc, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển giao thông thì TP. Hồ Chí Minh cần có các giải pháp cụ thể tại từng điểm ùn tắc nói trên. Theo đó, các giải pháp trước cần được ưu tiên để có thể thực hiện được ngay.

Ông Sanh dẫn chứng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cụ thể là nhánh đường Trường Sơn. Đây là một điểm ùn tắc thường xuyên, tập trung vào giờ cao điểm. Theo quan sát của ông, khu vực này có dải phân cách lớn, trong khi đó phần đường dành cho các phương tiện lại quá hẹp và luôn đông đúc. Nếu bây giờ mở rộng đường Trường Sơn bằng biện pháp cổ truyền là giải phóng mặt bằng thì sẽ tốn kém vì kinh phí đền bù sẽ rất lớn. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh nên sử dụng biện pháp là thu nhỏ dải phân cách này để mở rộng thêm diện tích đường Trường Sơn. Tại khu vực trước công viên Hoàng Văn Thụ nối từ sân bay ra khu vực Lăng Cha Cả cũng là một điểm giao nhau của các phương tiện và luôn xảy ra ùn ứ. Ở đó, chúng ta cũng có thể lấy vào diện tích của công viên để mở rộng điểm giao nhau này.

Ông Sanh cho rằng, việc xây dựng các dải phân cách rộng lớn, trang trí bồn hoa cây cảnh để các con đường trở thành những con đường kiểu mẫu, xanh, sạch, đẹp, văn minh… Nhưng trên thực tế, những con đường này luôn trong tình trạng ùn ứ, xe cộ chen lấn, khói bụi, ô nhiễm. Vì lẽ đó, chúng ta nên xem lại việc bài trí này.

Được biết, đường Trần Duy Hưng cùng với đường Nguyễn Chí Thanh của Thủ đô Hà Nội được hoàn thiện và đưa vào hoạt động hơn 10 năm qua. Đây được coi là một trong những tuyến đường đẹp nhất, hiện đại nhất Thủ đô. Dải phân cách giữa tuyến đường là thảm cỏ rộng, được trang trí hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, vì sự phát triển và nhiệm vụ chống ùn tắc cho các đô thị lớn, Hà Nội cũng phải chấp nhận loại bỏ những cái không cần thiết. Chình vì vậy, TP. Hồ Chí Minh cũng nên tìm kiếm các giải pháp thông minh để có thể góp phần giải quyết những điểm ùn tắc bằng các biện pháp đơn giản, làm được ngay và tiết kiệm chi phí cho Thành phố

Ý kiến của bạn

Bình luận