Trung Quốc đã trở thành cường quốc đường sắt cao tốc như thế nào?

Giao thông toàn cầu 19/03/2022 08:47

Đầu thế kỷ 21, Trung Quốc không có đường sắt cao tốc (ĐSCT). Những chuyến tàu chậm chạp, tốc độ thấp khiến các hành trình dài như Bắc Kinh - Thượng Hải trở thành một bài kiểm tra về sức bền khi đi du lịch. Thế nhưng, chỉ sau 16 năm, bức tranh đã hoàn toàn thay đổi. Quốc gia tỷ dân hiện đang sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.

Chỉ tính đến năm 2020, 75% thành phố của Trung Quốc với dân số 500.000 người trở lên có đường sắt cao tốc

Chỉ tính đến năm 2020, 75% thành phố của Trung Quốc với dân số 500.000 người trở lên có đường sắt cao tốc

 

Biểu tượng sức mạnh kinh tế

Với tổng chiều dài khoảng 37.900 km, mạng lưới đường sắt nối liền tất cả các cụm thành phố lớn ở Trung Quốc. Một nửa trong số đó được hoàn thành chỉ trong vòng 5 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi tổng chiều dài lên 70.000 km vào năm 2035.

Với tốc độ tối đa 350 km/h trên nhiều tuyến, bộ mặt du lịch liên tỉnh đã thay đổi, phá vỡ sự thống trị của các hãng hàng không trên những tuyến lưu lượng hành khách cao.

Năm 2020, 75% thành phố của Trung Quốc với dân số 500.000 người trở lên có ĐSCT. Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, quốc gia có mạng lưới đường sắt tốc độ cao lớn nhất châu Âu và đứng thứ 2 toàn cầu chỉ có hơn 3.000 km đường sắt chuyên dụng đáp ứng tàu tốc độ 250 km/h; ở Vương quốc Anh chỉ có 107 km trong khi ở Mỹ chỉ có 1 tuyến đường sắt gần như đủ tiêu chuẩn cho tàu cao tốc.

Tham vọng ban đầu của Trung Quốc là biến ĐSCT trở thành phương thức chủ đạo cho du lịch nội địa đường dài nhưng với những tuyến sau này, ý nghĩa còn lớn hơn nhiều. Giống như Shinkansen của Nhật Bản vào những năm 1960, đường sắt cao tốc là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đối với Trung Quốc, ĐSCT còn là công cụ mạnh mẽ để gắn kết xã hội và hội nhập các khu vực khác nhau. Trung Quốc ban đầu dựa vào công nghệ đường sắt tốc độ cao nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản để hình thành mạng lưới của mình. Những gã khổng lồ về kỹ thuật đường sắt toàn cầu như Bombardier, Alstom và Mitsubishi đều rất muốn hợp tác do quy mô tiềm năng và các kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, chính các công ty trong nước đã phát triển thành công, trở thành những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ và kỹ thuật tàu cao tốc.

Vượt qua ám ảnh thảm họa

Quy mô khổng lồ về diện tích cũng như sự khác biệt về địa hình, địa chất và khí hậu giữa các địa phương đã đặt ra cho các kỹ sư đường sắt Trung Quốc những thách thức đáng kinh ngạc. Từ Cáp Nhĩ Tân băng giá tới đồng bằng sông Châu Giang ẩm ướt, hay vùng sa mạc Gobi, các kỹ sư Trung Quốc đã nhanh chóng thể hiện khả năng thích ứng và hiểu biết sâu rộng của mình khi tạo nên những tuyến đường sắt xuyên qua bất kỳ địa hình nào.

Mặc dù vậy, sự tăng trưởng nhanh đương nhiên sẽ vấp phải một số vấn đề trong việc cấp vốn, lập kế hoạch và phê duyệt đồng bộ của nhà nước nhằm tránh những vướng mắc pháp lý. Sự tăng trưởng chóng mặt này cũng được nhắc đến là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đường sắt thảm khốc ở Ôn Châu vào tháng 7/2011. Thời điểm đó, hai đoàn tàu va vào nhau trên một đoạn cầu trên cao và trật đường ray, khiến 4 toa tàu rơi xuống bên dưới, làm 40 hành khách thiệt mạng và gần 200 người bị thương.

Niềm tin của công chúng vào ĐSCT bị lung lay nghiêm trọng sau vụ tai nạn, hàng loạt tuyến đường sắt khác bị giảm tốc độ; các dự án đường sắt mới bị tạm dừng xây dựng để chờ điều tra chính thức. Tuy nhiên, một thập kỷ trôi qua kể từ đó, không có sự cố lớn nào được báo cáo và số lượng hành khách đã tăng theo cấp số nhân khi mạng lưới được mở rộng.

Đến cuối năm 2020, Đường sắt Quốc gia Trung Quốc đã vận hành hơn 9.600 chuyến tàu cao tốc mỗi ngày, bao gồm cả dịch vụ giường nằm qua đêm tốc độ cao duy nhất trên thế giới ở các lộ trình dài. Toàn bộ hệ thống có hơn 100 đường hầm, mỗi đường hầm dài hơn 10 km cùng những cây cầu đường sắt dài ngoạn mục bắc qua những địa hình tự nhiên như sông Dương Tử. Ở một số tuyến, có đến hơn 80% chiều dài đường ray được nâng lên trên cao, “bay qua” các thành phố đông đúc và những cây cầu bê tông. 

Trình diễn công nghệ cao

Các công ty Trung Quốc là một trong những đơn vị đầu tiên trên thế giới giới thiệu công nghệ tàu mới như tàu vận hành tự động, công nghệ điều khiển và tín hiệu tiên tiến. Tàu cao tốc không người lái nối Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu (tỉnh Hà Bắc) có khả năng đạt vận tốc 350 km/h, hiện là tàu tự hành nhanh nhất thế giới. Được khai trương vào tháng 12/2019 để phục vụ cho Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa đông Bắc Kinh 2022, tuyến đường sắt này đã giảm thời gian di chuyển cho quãng đường 174 km từ 3 giờ xuống chưa đầy 1 giờ.

Được xây dựng chỉ trong vòng 4 năm, tuyến có 10 ga tàu và 2 trong số đó là địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông, cùng một ga ĐSCT sâu nhất thế giới ở Bát Đạt Lĩnh, giúp khách du lịch có thể đến tham quan Vạn Lý Trường Thành nhanh hơn.

Tàu có ngăn để đồ lớn giúp cất giữ các thiết bị thể thao mùa đông, ghế ngồi có bảng điều khiển màn hình cảm ứng kết nối 5G, hệ thống chiếu sáng thông minh, hàng nghìn cảm biến an toàn và ghế có thể tháo rời cho hành khách ngồi trên xe lăn. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt và robot được sử dụng trong các nhà ga để hỗ trợ hành khách du lịch điều hướng, lấy hành lý và làm thủ tục.

Chuyên gia du lịch đường sắt Mark Smith cho biết: “Trong khi Vương quốc Anh còn đang tranh luận về việc xây dựng đường sắt cao tốc số 2 thì Trung Quốc đã xây được cả một mạng lưới toàn quốc. Các tuyến ĐSCT của Trung Quốc hoạt động vô cùng hiệu quả, sau khi đặt vé, bạn chỉ cần quẹt thẻ căn cước hoặc hộ chiếu tại cửa soát vé là có thể lên đường”.

Dù đã đạt đến đẳng cấp hàng đầu thế giới nhưng công nghệ đường sắt Trung Quốc vẫn không ngừng vượt qua giới hạn. Cuối năm 2020, Tập đoàn đường sắt Trung Quốc (CRRC) đã cho ra mắt mẫu tàu điện tốc độ 400 km/h có thể hoạt động ở nhiệt độ -50 đến 50 độ C, được phát triển để chạy thẳng sang Nga, Mông Cổ và Kazakhstan, những nơi sử dụng khổ đường ray rộng hơn tiêu chuẩn 1.435 mm của Trung Quốc.

Tháng 7 năm ngoái, CRRC tiếp tục cho ra mắt tàu cao tốc đệm từ (maglev) có thể đạt tốc độ 600 km/h tại Thanh Đảo, Trung Quốc. Đây được xem là tàu có tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay.

Mẫu tàu đệm từ nhanh nhất thế giới do Trung Quốc sản xuất có thể đạt vận tốc 620 km/h

Mẫu tàu đệm từ nhanh nhất thế giới do Trung Quốc sản xuất có thể đạt vận tốc 620 km/h

Tham vọng vươn ra thế giới

Trung Quốc hiện đang triển khai việc mở rộng hệ thống đường sắt ra các nước láng giềng, đầu tiên là tuyến đường sắt Vientiane của Lào và thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trị giá 5,3 tỷ USD vừa khai trương vào cuối năm 2021 vừa qua.

Hiện Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng một tuyến đường sắt kết nối với Bangkok, Thái Lan và Singapore. CRRC hiện là đơn vị cung cấp phương tiện và công nghệ đường sắt lớn nhất thế giới, sau khi ổn định thị trường nội địa, CRRC tập trung hướng đến thị trường toàn cầu với giá trị hàng tỷ USD/năm.

Mặt khác, đường sắt cao tốc đóng vai trò quan trọng, là một phần cơ bản trong Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc.

"Ngành công nghiệp đường sắt đã trở thành một trong những ngành kinh tế trụ cột của quốc gia", ông Jianwei Zhang – Chủ tịch của Bombardier Trung Quốc cho biết.

Ý kiến của bạn

Bình luận