Từ 1/8, Sở GTVT Hà Nội thống nhất phần mềm dịch vụ công trực tuyến

31/07/2017 05:52

Thay vì dùng song song cả 2 phần mềm dịch vụ công mức 3 cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và cấp (đổi) phù hiệu, biển hiệu xe ô tô như hiện nay, từ 1/8/2017, ngành GTVT Hà Nội sẽ dùng chung một phần mềm tại địa chỉ http://qlvt.mt.gov.vn.

 

Từ 1:8, Sở GTVT Hà Nội thống nhất phầ
Sở GTVT Hà Nội chính thức tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công mức 3 các thủ tục cấp phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và cấp (đổi) phù hiệu, biển hiệu xe ô tô tại địa chỉ http://qlvt.mt.gov.vn từ ngày 1/8/2017 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thông tin từ Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội cho hay, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.Hà Nội vừa thông báo việc thực hiện sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp phép đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; cấp (đổi) biển hiệu, phù hiệu xe ô tô của Sở.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/8/2017, Sở GTVT Hà Nội chính thức tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công mức độ 3 của các thủ tục hành chính cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và cấp (đổi) phù hiệu, biển hiệu xe ô tô tại một địa chỉ website là http://qlvt.mt.gov.vn.

Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, thực hiện công văn 12831 ngày 31/10/2016 của Bộ GTVT về việc triển khai sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh vận tải; cấp (đổi) biển hiệu, phù hiệu xe ô tô, Sở GTVT Hà Nội đã tiếp nhận và triển khai sử dụng phần mềm do Bộ GTVT chuyển giao bắt đầu từ tháng 1/2017.

Tuy nhiên, trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã chủ động xây dựng phần mềm ứng dụng dịch vụ công mức 3 cho việc giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô từ ngày 1/3/2016.

Do đó, hiện tại Sở GTVT Hà Nội đang sử dụng song song 2 phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của các thủ tục hành chính cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và cấp (đổi) phù hiệu, biển hiệu xe ô tô tại 2 địa chỉ là http://qlvt.mt.gov.vn và http://dvctt.mt.gov.vn.

Để đảm bảo tính thống nhất và tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính, kể từ ngày 1/8 tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ sử dụng chung một phần mềm theo quy định của Bộ GTVT.

Xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với các thủ tục hành chính cấp, đổi giấy phép lái xe; cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô và chấp thuận khai thác tuyến cố định là 1 trong 2 nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì triển khai.

Nhiệm vụ này đến nay đã được Bộ GTVT hoàn thành. Trong đó, theo báo cáo quý I/2017 về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a, đối với việc cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô, bên cạnh việc hoàn thành xây dựng hệ thống và đào tạo sử dụng, Bộ GTVT đã triển khai thí điểm tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ từ ngày 1/1/2017. Thống kê cho thấy, ngay trong giai đoạn đầu, tỷ lệ giải quyết hồ sơ thực hiện theo hình thức trực tuyến đã đạt khá cao: tính đến giữa tháng 3/2017, tỉ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt trên 96,5%.

Đồng thời, trong báo cáo mới nhất của Văn phòng Chính phủ - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai Nghị quyết 36a, Bộ GTVT vẫn đang thực hiện một nhiệm vụ khác được Chính phủ giao: đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý hạ tầng, tổ chức điều hành giao thông, thu phí không dừng, giám sát và xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc.

Cụ thể, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an triển khai chính thức hệ thống giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ) từ ngày 3/11/2016; triển khai lắp đặt hệ thống giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Đối với hệ thống thu phí không dừng (ETC), tính đến hết quý II/2017, Bộ GTVT đã lắp đặt và vận hành chạy thương mại đối với 8 trạm thu phí; lắp đặt thiết bị thu phí tại 3 trạm. Nhà đầu tư đã phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai phát hành thẻ Etag, với số thẻ đã được dán là hơn 120.000 thẻ.

Đối với UBND TP.Hà Nội, tại Nghị quyết 36a, một nhiệm vụ Chính phủ giao địa phương này là nâng cấp hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông và ứng dụng CNTT trong điều khiển làm giảm ùn tắc giao thông, làm cơ sở cho việc hình thành hệ thống giao thông thông minh. Hiện nhiệm vu này vẫn đang được Hà Nội triển khai.

Liên quan đến việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh, trong báo cáo sơ kết tình hình ứng dụng CNTT nửa đầu năm 2017, Sở TT&TT Hà Nội – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố cho biết, thời gian vừa qua, Thành phố đã tích cực triển khai các ứng dụng thông minh hình thành nền tảng cơ bản cho thành phố thông minh.

Đồng thời, Hà Nội đã thí điểm triển khai ứng dụng giao thông thông minh, tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking) trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe. Qua hơn 1 tháng thí điểm, đã có khoảng 38.100 lượt giao dịch đỗ xe và thanh toán dịch vụ trông giữ xe qua điện thoại di động với ứng dụng iParking, đạt doanh thu gần 600 triệu đồng. Sở TT&TT Hà Nội cũng đã thống nhất với Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cấp đầu số 9556 để phục vụ nhắn tin đối với ứng dụng iParking.

Cùng với đó, UBND TP.Hà Nội đang phối hợp với Tập đoàn Viettel, Công ty FPT và Công ty Nhật Cường hình thành Trung tâm giám sát, điều hành của thành phố Hà Nội, xây triển khai hệ thống giao thông thông minh, du lịch thông minh và các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực khác.

Ý kiến của bạn

Bình luận