Chiều 11/5, tại tỉnh Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP. HCM về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Ưu tiên cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nguồn vật liệu cát đắp cung cấp cho dự án giao thông là một vấn đề hết sức quan trọng, cần được giải quyết để đảm bảo tiến độ, đặc biệt tại các dự án trọng điểm quốc gia.
Vừa qua, tại phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đã chỉ rõ nguyên nhân chậm tiến độ một số dự án là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường, khiến nhà thầu không thể thi công.
Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương báo cáo cụ thể về nhu cầu nguồn vật liệu cát cho các dự án đang triển khai tại khu vực phía Nam, đồng thời nêu rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục khai thác.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ đã triển khai thi công 16 dự án. Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án này khoảng 70 triệu m3 (trong đó đất đắp khoảng 7 triệu m3, cát đắp khoảng 63 triệu m3). Đối với vật liệu cát đắp, đến nay đã xác định được nguồn cung khoảng 37 triệu m3, còn thiếu khoảng 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn.
Trong đó, tổng nhu cầu cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18,5 triệu m3, đến nay các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã xác nhận khối lượng cung cấp nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, tiến độ dự án yêu cầu phải hoàn thành vào cuối năm 2025.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ, các đơn vị kiến nghị địa phương ưu tiên cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, từ đó xem xét cấp thêm mỏ cho các dự án theo cơ chế đặc thù để tăng công suất khai thác, đủ cung ứng theo tiến độ thi công, sau khi khai thác đủ trữ lượng sẽ giao lại cho các địa phương quản lý hoặc cấp cho các dự án khác. Đồng thời, cho phép ưu tiên điều chuyển một phần khối lượng cát (đã xác định được nguồn) từ các dự án có thời gian hoàn thành vào năm 2026 cho các dự án có yêu cầu hoàn thành sớm hơn. Sau khi cấp đủ khối lượng, phần trữ lượng còn lại sẽ điều chuyển trả lại cho nhu cầu các dự án tiếp theo.
Theo Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố cần quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị phối hợp với các nơi có nguồn vật liệu cát để xác định các mỏ, hoàn thiện các thủ thục khai thác theo cơ chế đặc thù.
Khai thác cát biển cũng áp dụng cơ chế đặc thù
Về việc sử dụng cát biển cho dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu hoàn tất các thủ tục khảo sát, lập hồ sơ đăng ký khu vực và khối lượng khai thác, hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường, phương án khai thác trình UBND tỉnh Sóc Trăng.
Dự kiến, UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ cấp bản xác nhận khối lượng khai thác trước ngày 15/5/2024, sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển, nhà thầu sẽ hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (thuế, phí) và khai thác trong tháng 5/2024. Tuy nhiên, việc khai thác cát biển lại phụ thuộc vào gió mùa, thời tiết.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, địa phương không có khả năng quản lý khai thác ngoài khơi. Từ đó, kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo giao đơn vị quản lý đối với nguồn tài nguyên này.
Ông Lâu chia sẻ, vì nhiệm vụ chung, tỉnh Sóc Trăng cũng rất quyết liệt, quyết tâm thực hiện theo chỉ đạo. Tuy nhiên, tỉnh rất mong Phó Thủ tướng và các bộ hết sức quan tâm, giúp đỡ để làm sao khi triển khai thực hiện khai thác cát biển đúng quy định pháp luật, tránh rủi ro về sau.
Trả lời những băn khoăn của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, cát biển cũng là tài nguyên khoáng sản, giới hạn phạm vi khai thác trong 6 hải lý đều thuộc thẩm quyền của các tỉnh, thành có biển. Riêng trường hợp ngoài 6 hải lý thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khác khai thác theo quy định.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Qua các báo cáo, ý kiến của các đơn vị, đề nghị lãnh đạo địa phương coi việc cung cấp cát cho các dự án là nhiệm vụ chính trị. Việc khai thác cát phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Với các mỏ cát đang hoạt động vì lý do nào đó mà tạm dừng thì khẩn trương đánh giá lại trữ lượng, lập thủ tục đánh giá tác động môi trường và cấp lại giấy phép khai thác, sớm phục vụ dự án".
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, việc khai thác cát biển cấp cho dự án cao tốc nằm trong cơ chế đặc thù. Vì vậy, các địa phương có cát biển cần đẩy nhanh việc triển khai các thủ tục cung cấp mỏ theo cơ chế đã được ưu tiên.
Trong quá trình cấp phép khai thác mỏ, chủ đầu tư, đơn vị thực hiện khai thác là những chủ thể chịu trách nhiệm đầu tiên trước pháp luật. Nếu cần thiết có thể thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để cùng giám sát.
"Do đó, việc cần làm ngay là cấp cát cho dự án, đồng thời đẩy nhanh các thủ tục để sớm khai thác. Khi tháo gỡ được nguồn cát mới có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm khai thác đồng bộ, hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL, khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.