Xe khách cố tình chắn phương tiện vào cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

Đường dây nóng 07/04/2016 09:27

Hai chiếc xe khách chạy tuyến Hải Phòng-Hà Nội đã cố tình nằm chắn ngang trước cửa trạm thu phí đầu tiên của tuyến đường cao tốc Hải Phòng-Hà Nội (tại Km894 hướng Hải Phòng đi lên Hà Nội) khiến phương tiện phía sau không thể lưu thông.

cao_toc_3_1
Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa 120km/giờ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Xác nhận với phóng viên VietnamPlus vào tối nay (ngày 6/4), ông Trần Anh Tú, Giám đốc Ban quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cho biết, sự việc xảy ra vào lúc 18 giờ chiều tối hôm nay.

Theo ông Tú, hai xe khách mang Biển kiếm soát 15B-02491 và 15B-02492 chạy tuyến Đồ Sơn-Yên Nghĩa đã chắn ngang đường trước cửa trạm thu phí đầu tuyến hướng từ Hải Phòng chạy lên Hà Nội của tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

“Do hai phương tiện này nằm ‘chình ình’ ngang đường nên tất cả các phương tiện chạy phía sau không thể lưu thông trên tuyến cao tốc hướng từ Hải Phòng-Hà Nội,” vị Giám đốc Ban quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cho hay.

Ngay sau khi biết được sự việc, Ban quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã phối hợp với lực lượng Cục Cảnh sát giao thông (C67-Bộ Công an) và Công an trật tự thành phố Hải Phòng để hướng dẫn phân luồng đồng thời làm việc với chủ hai xe khách này.

“Đến 18 giờ 15, tuyến đường đã được giải tỏa và phương tiện có thể lưu thông trở lại bình thường. Hiện, hai phương tiện này đã được kéo vào làn dừng khẩn cấp để lực lượng công an làm việc với các chủ xe,” ông Tú khẳng định.

Đặt câu hỏi đến việc nguyên nhân nhà xe cố tình chắn ngang trước cửa trạm thu phí là để phản đối việc tăng giá vé trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng bắt đầu thực hiện từ ngày ngày 1/4 vừa qua (tăng 25%), ông Tú cho rằng, phía đơn vị đang làm việc với lực lượng chức năng để tìm hiểu động cơ “bức xúc” phía sau của việc hai xe khách này cản trở phương tiện chạy vào đường cao tốc.

“Việc phương tiện cố tình cản trở xe khác lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chắc chắn là hành vi vi phạm pháp luật,” vị đại diện này quả quyết.

Bên cạnh đó, ông Tú cũng nhìn nhận, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã được Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) điều chỉnh tăng mức thu phí sử dụng đường bộ từ ngày 1/4. Nếu chủ phương tiện cảm thấy phí đường quá cao thì có thể tự ý lựa chọn chạy trên tuyến đường này hoặc Quốc lộ 5 bởi quyền lựa chọn đi đường nào là thuộc về tài xế.

Trước đó, từ ngày 1/4, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) sẽ điều chỉnh tăng mức thu phí sử dụng đường bộ đối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (tăng 25%) và Quốc lộ 5 (tăng thêm 50%).

cao_toc
Biểu mức thu phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo cam kết của VIDIF, đây là đợt tăng phí "nóng" cuối cùng của dự án, từ những năm sau mức phí đường cao tốc sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng giảm hàng năm và mức phí Quốc lộ 5 cứ 3 năm tăng 18% theo quy định của Nhà nước.

Thừa nhận là công trình có hiệu quả kinh tế-xã hội nhưng việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIDIFI cho biết, nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã được các Bộ, ngành phê duyệt thì phương án tài chính không đảm bảo và sẽ không đủ trả lãi ngân hàng.

Lãnh đạo của VIDIFI cũng cho hay, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được xây dựng với tổng mức đầu tư 45.000 tỷ đồng, suất đầu tư 10,8 triệu USD/km 4 làn xe, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4% trong thời gian 30 năm. Mức phí thu cao tốc được thu tương đương Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây là 2.000 đồng/km xe tiêu chuẩn. Mức phí này được đưa ra theo lộ trình phù hợp với phương án tài chính xây dựng tuyến đường đã được các Bộ, ngành phê duyệt.

Ngay sau khi VIDIFI đưa ra quyết định tăng phí đối với 2 tuyến đường này, nhiều doanh nghiệp vận tải có xe chạy qua cảm thấy “sốc” và khẳng định dù phí tăng cao nhưng chưa thể điều chỉnh giá cước bởi phải có lộ trình, thời gian. Biện pháp duy nhất của đơn vị vận tải là phải tính toán, cắt giảm chi tiêu tối đa có thể để bù đắp vào khoản điều chỉnh tăng phí này, thậm chí có thể tính đến việc giãn tần suất, nốt khai thác nếu quá khó khăn.

Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng khởi công từ tháng 5/2008 và thông xe vào ngày 5/12/2015 với tổng chiều dài là 105,5km, quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế là 120km/giờ. Bề rộng nền đường 33m, 54 cầu lớn nhỏ, 108 cống chui dân sinh, 9 nút giao liên thông khác mức.

Với tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng, tuyến cao tốc dài 105km với 6 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/giờ sẽ giúp thời gian chạy xe từ Hà Nội xuống Hải Phòng còn 1 giờ.

Ý kiến của bạn

Bình luận