Mức giảm TNGT vượt xa kỳ vọng
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 10 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 11.653 vụ TNGT, làm chết 5.456 người, bị thương 8.630 người. So với 10 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.598 vụ (-18,23%), số người chết giảm 862 người (-13,64%), số người bị thương giảm 2.243 người (-20,63%). Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá, từ tháng 3 đến nay, trước diễn biến phức tạp khó lường của đại dịch Covid-19, cả nước đã đồng bộ triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT gắn với thực hiện mục tiêu kép phòng chống bệnh dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Với nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, tình hình trật tự ATGT đạt được những kết quả đáng ghi nhận, TNGT giảm sâu nhất trong vòng 10 năm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Một trong những “cú hích” mạnh để đạt tới thành tựu này là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cùng các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện nhiệm vụ Năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”, kịp thời triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Còn nhiều hiểm họa
Đánh giá của Thủ tướng cũng chỉ rõ, dù TNGT giảm sâu nhưng tình hình trật tự ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, đặc biệt là ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội đợt 1 để phòng, chống đại dịch toàn cầu Covid-19 (từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8), một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải ở các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Quảng Bình và TP. Hà Nội đã xảy ra. Trong tháng 9 và tháng 10, mặc dù TNGT có giảm nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT liên quan đến xe kinh doanh vận tải làm thiệt hại lớn về người, gây bức xúc trong dư luận.
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình phức tạp nêu trên là do ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, nhất là lái xe kinh doanh vận tải; sự buông lỏng quản lý, “khoán trắng” cho lái xe của chủ phương tiện. Bên cạnh đó, hạn chế về hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải ô tô; quản lý trật tự lòng lề đường, hành lang ATGT; tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình hình nêu trên.
Dồn lực cho cao điểm
Trong những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT. Theo đó, Bộ GTVT phải lập kế hoạch cao điểm thanh tra, kiểm tra tải trọng xe; tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó chú trọng việc chấp hành quy định về hoạt động vận tải đường bộ; quản lý xe; triển khai ứng dụng công nghệ cao để quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải; phát huy hiệu quả việc quản lý thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện, kiểm soát hoạt động thực tế của phương tiện khi tham gia giao thông, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe.
Tăng cường lực lượng chức năng để đảm bảo trật tự ATGT là một trong những giải pháp quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục |
Các địa phương phải chỉ đạo sở GTVT tăng cường quản lý, giám sát hoạt động vận tải của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn. Các doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong quản lý vận tải, quản lý lái xe gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự ATGT, tùy từng mức độ vi phạm để có các hình thức xử lý như: đình chỉ khai thác tuyến, đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi phù hiệu - biển hiệu hoặc giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo danh sách cụ thể cho lực lượng CSGT để phục vụ công tác kiểm soát và xử lý vi phạm.
Đối với Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT đặc biệt chú trọng tới vi phạm về ma túy, nồng độ cồn, tốc độ, vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, nhất là vào khung giờ từ 21h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau...
“Lực lượng chức năng phải cương quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi đua xe trái phép; trấn áp hiệu quả các hành vi chống người thi hành công vụ trong bảo đảm trật tự ATGT”, Thủ tướng nêu rõ.
Chỉ đạo đối với Bộ Y tế, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ phải có kế hoạch chuẩn bị về thuốc men, thiết bị y tế, máu... để đảm bảo cứu chữa hiệu quả nạn nhân TNGT trong dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc bố trí nhân sự, phương tiện trực cấp cứu 24/24h, bảo đảm yêu cầu cấp cứu TNGT tại hiện trường; khẩn trương hoàn thiện các cơ sở y tế thực hiện hoạt động cấp cứu TNGT trên đường cao tốc.
UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương phải tăng cường thực hiện 5 nhóm giải pháp cấp thiết để khắc UTGT, đồng thời tăng cường lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, điều tiết theo khu vực và tại hiện trường, xử lý nhanh các sự cố giao thông; thiết lập lại và duy trì trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị; xử lý nghiêm vi phạm trật tự đô thị, trật tự ATGT...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.