Đường sắt Ý đã làm gì để thắng cạnh tranh với hàng không?

Tác giả: PV (Theo CNN)

saosaosaosaosao
Giao thông toàn cầu 10/06/2022 06:55

Tập trung chặng ngắn, trợ giá vé tàu thường và nâng cấp trải nghiệm là những "bí kíp" giúp đường sắt chiếm thế thượng phong trong thị phần vận tải ở Ý.

 

Empty

Tập trung khai thác đoạn ngắn

Hơn một thập kỷ trước, Francesco Galietti - Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Policy Sonar - phải bay gần 400 dặm để đi từ Rome đến Milan làm việc. Nhưng hiện tại, ông cũng như rất nhiều người khác đã chuyển sang đi tàu.

Số liệu công bố vào năm 2019 của Công ty Đường sắt quốc gia Ferrovie dello Stato cho thấy, số lượng hành khách đi tàu trên tuyến đường sắt thương mại chính của Ý, kết nối Rome và Milan đã tăng gần 4 lần trong vòng 10 năm. Từ 1 triệu năm 2008 lên 3,6 triệu vào năm 2018.

Hơn 2/3 số hành khách đi lại giữa hai thành phố hiện nay sử dụng tàu hỏa. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho những bước tiến vượt bậc của mạng lưới đường sắt cao tốc Ý, ra mắt năm 2008.

Di chuyển gần 400 dặm giữa Milan và Rome chỉ trong khoảng 3 tiếng. Các ga đường sắt đều ở trung tâm thành phố và hành khách không cần phải đến từ sớm để chuẩn bị trước vì cửa lên tàu chỉ đóng trước khi khởi hành 2 phút.

Nếu đi bằng máy bay, bạn sẽ mất tối thiểu nửa giờ đi xe đến thị trấn Fiumicino (trực thuộc Rome), 90 phút để làm thủ tục, 1 tiếng ngồi trên máy bay và sau đó hạ cánh ở sân bay Linate nằm ở ngoại ô Milan, cách thành phố khoảng 20 phút đi xe. Đó là lý do khiến mọi người chọn đi tàu.

Tháng 10 năm ngoái, hãng hàng không quốc gia của Ý Alitalia đã tuyên bố phá sản do không thể cạnh tranh với đường sắt. Nói cách khách đường sắt cao tốc đã góp phần giết chết hãng hàng không này.

"Alitalia giống như một con chim bị chặt dần cánh. Là một hãng hàng không quốc tế, công ty lại tập trung quá nhiều vào thị trường nội địa," Galietti nhận xét.

Tất nhiên, việc tập trung vào thị trường nội địa không phải là không có lý do, bởi người Ý chủ yếu đi nghỉ ở Ý và du khách muốn ghi dấu các điểm tham quan dọc theo chiều dài hoặc chiều rộng đất nước. Bay đến Milan, sau đó đến Naples hoặc Rome là một lịch trình gần như mặc định đối với khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, việc tập trung vào nội địa nghĩa là Alitalia phải cạnh tranh với hàng không giá rẻ và đường sắt cao tốc.

Nhà ga Porta Susa ở Turin được xây dựng với kiến trúc độc đáo cũng trở thành điểm đến hút khách

Nhà ga Porta Susa ở Turin được xây dựng với kiến trúc độc đáo cũng trở thành điểm đến hút khách

Cristina Taylor, một du khách đến từ Vương quốc Anh cho biết, cô thấy việc đi tàu dễ dàng hơn.

"Bạn đi từ thành phố này đến thành phố khác mà không cần làm thủ tục tại sân bay hoặc bay quá cảnh. Đi tàu vừa tiết kiệm thời gian và tiền bạc," Taylor chia sẻ.

Hệ thống đường sắt tốc độ cao ngày nay đã khác xa so với mạng lưới đường sắt lạc hậu, chạy chậm và thường trễ giờ của Ý trong quá khứ. Thậm chí, hành khách có đến 2 công ty đường sắt tốc độ cao để lựa chọn. Trenitalia (công ty nhà nước) khai thác các chuyến tàu Frecce (Mũi tên) gồm 3 loại: Mũi tên Đỏ, Mũi tên Trắng và Mũi tên Bạc. Mỗi loại chịu trách nhiệm một khu vực của nước Ý. Vận tốc nhanh nhất của các tàu Mũi tên có thể đạt tới 360 km/h.

Đơn vị thứ hai là Nuovo Trasporto Viaggiatori, công ty tư nhân đã khai trương các chuyến tàu Italo vào năm 2012, phủ sóng 54 thành phố. Ý là quốc gia duy nhất trên thế giới có 2 công ty khai thác tàu cao tốc. Đây cũng là nơi có dịch vụ vận chuyển hàng hóa tốc độ cao đầu tiên trên thế giới.

Ý cũng là quốc gia có hãng tàu tốc độ cao tư nhân đầu tiên trên thế giới

Ý cũng là quốc gia có hãng tàu tốc độ cao tư nhân đầu tiên trên thế giới

Trợ giá tàu thường, nâng cấp trải nghiệm

Giá vé đi tàu cũng khá hợp lý. Du lịch đường sắt nội địa thông thường (không phải tốc độ cao) được trợ giá, thấp hơn đáng kể so với Pháp, Đức, Thụy Sĩ trong khi trải nghiệm bên trong không khác gì máy bay. Tương tự như đi máy bay, hành khách đi tàu cũng được chọn chỗ ngồi khi mua vé và được tích điểm sau mỗi lần mua. Cả tàu Frecce và Italo đều có phòng chờ riêng dành cho khách VIP tại các nhà ga chính.

Theo báo cáo của Trenitalia vào năm 2019, số lượng các chuyến tàu trên các tuyến đã tăng gấp đôi và lượng hành khách của hãng đã tăng vọt từ 6,5 triệu vào năm 2008 lên 40 triệu vào năm 2018, chưa kể những hành khách sử dụng tàu Italo của hãng đối thủ. Số lượng tàu cao tốc của hãng đã tăng gấp đôi lên 144 tàu. Từ năm 2016-2018, lượng khách đi tàu giữa Rome và Milan đã tăng 7,4%, chiếm 69% thị phần; trong khi du lịch hàng không giảm gần 7%, chỉ còn chiếm 19,5% thị phần.

Điều này cũng phần nào tác động đến thị trường bất động sản. Trong khi giá bất động sản ở Milan giảm 20,5% từ năm 2008 đến năm 2018 thì giá bất động sản quanh các các ga tàu cao tốc lại tăng 10%. Florence - Venice là tuyến đường sắt phổ biến nhất trong khi trước kia từng là một đường bay chính.

Như vậy, bằng cách tập trung vào những chặng ngắn, trợ giá vé tàu thường và nâng cấp trải nghiệm đi tàu, đường sắt đã dần chiếm thế thượng phong trong thị phần vận tải ở Ý.

Tại Việt Nam, theo Quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó ưu tiên triển khai đầu tư trước đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM. Nguồn vốn trong giai đoạn này cần khoảng hơn 112.000 tỷ đồng.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.559 km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, nối Hà Nội và TP.HCM. Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h; được xây dựng để chuyên khai thác vận tải hành khách, còn đường sắt quốc gia hiện nay sẽ được cải tạo để phục vụ vận tải hàng hóa.

Theo tính toán của tư vấn, với tốc độ khai thác 320 km/h, sẽ chỉ mất khoảng 1 giờ đi từ Hà Nội đến Vinh, trong khi thời gian di chuyển bằng đường hàng không sẽ mất khoảng 3 giờ bao gồm thời gian tiếp cận, chờ đợi và di chuyển. Thời gian di chuyển bằng đường sắt tốc độ cao trên chặng Hà Nội - Nha Trang là 4,2 giờ, trong khi thời gian đi máy bay là khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội - TP.HCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ 1 giờ. Với giá vé được tính toán ở mức khoảng 75% giá vé bình quân máy bay, cộng với tính thuận tiện, đúng giờ và an toàn thì tính cạnh tranh với đường hàng không khá cao.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận